Đoàn Chủ tịch Đại hội. Ảnh: Trịnh Bang Nhiệm - TTXVN |
Đại hội đã đề ra mục tiêu tổng quát trong giai đoạn tiếp theo là: Đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội qua việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa tăng thu nhập; cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân địa phương, giảm tốc độ chênh lệch khoảng cách phát triển giữa các vùng miền; ổn định chính trị - xã hội, gìn giữ, phát huy những giá trị tốt đẹp về bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc; nâng cao dân trí, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh vùng nội địa và biên giới; phấn đấu đến năm 2024 thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào dân tộc thiểu số tăng gấp 1,5 lần so với thu nhập hiện nay; giảm 30% số xã đặc biệt khó khăn, 50% số thôn đặc biệt khó khăn so với năm 2019. Để đạt được các mục tiêu trên, tỉnh Quảng Trị tập trung phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Trong đó, tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền để người dân mạnh dạn phát triển nông, lâm, thủy sản, phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, chất lượng, hiệu quả, đi đôi với việc tăng cường áp dụng các tiến bộ công nghệ sinh học vào sản xuất. Tỉnh cũng chú trọng hướng dẫn người dân sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên sẵn có, tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư trong các lĩnh vực chế biến, tiêu thụ nông sản, du lịch sinh thái, phát triển làng nghề với các mặt hàng đặc trưng, như: dệt tổ cẩm, đan lát; ưu tiên triển khai xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế, văn hóa xã hội phục vụ nhu cầu sản xuất, dân sinh tại các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn, biên giới.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông trao Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho 20 cá nhân tại đại hội. Ảnh: Trịnh Bang Nhiệm - TTXVN |
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Trị có diện tích hơn 313.000 ha, chiếm 68% diện tích đất tự nhiên của tỉnh. Toàn vùng có 47 xã, thị trấn ở các huyện Đakrông, Hướng Hóa, Gio Linh, Cam Lộ, Vĩnh Linh với hơn 85.000 người dân đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Cô sinh sống. Những năm qua, chính quyền các cấp tỉnh Quảng Trị đã triển khai nhiều chương trình, chính sách, giải pháp hỗ trợ bà con như: Chương trình giảm nghèo bền vững cho huyện nghèo Đakrông theo Nghị quyết 30a của Chính phủ được thực hiện với nguồn kinh phí hơn 183 tỷ đồng để đầu tư xây dựng mới, nâng cấp trên 70 công trình hạ tầng, 48 dự án phát triển sản xuất, giải quyết việc làm cho gần 5.480 người. Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số hỗ trợ đầu tư trên 814 tỷ đồng. Phát biểu tại Đại hội, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông đánh giá cao các thành tựu tỉnh Quảng Trị đạt được trong việc phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời đề nghị các cấp chính quyền tỉnh Quảng Trị cần tăng cường công tác tuyên truyền các chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc, góp phần nâng cao dân trí cho người dân. Tỉnh cần đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, ưu tiên những địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Đại hội đã bầu ra đoàn đại biểu dự Đại hội Đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II năm 2020 do ông Nguyễn Đăng Quang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Trị làm Trưởng đoàn. Dịp này, hai huyện miền núi Đakrông, Hướng Hóa đã vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc trao Bằng khen tặng 5 tập thể, 2 cá nhân. UBND tỉnh Quảng Trị trao Bằng khen tặng 10 tập thể, 20 cá nhân.
Trịnh Bang Nhiệm