Đại học Thông tin Liên lạc có nhiều sáng chế góp phần phòng, chống dịch COVID-19

Nhóm nghiên cứu kiểm tra hoạt động của buồng khử khuẩn cho người tại Trường Đại học Thông tin Liên lạc (Nha Trang, Khánh Hòa). Ảnh: TTXVN phát
Nhóm nghiên cứu kiểm tra hoạt động của buồng khử khuẩn cho người tại Trường Đại học Thông tin Liên lạc (Nha Trang, Khánh Hòa). Ảnh: TTXVN phát

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trong cả nước và trên thế giới, cán bộ, giảng viên Trường Đại học Thông tin Liên lạc (Nha Trang, Khánh Hòa) đã tích cực nghiên cứu, cho ra nhiều sản phẩm công nghệ phục vụ hiệu quả công tác phòng, chống dịch tại đơn vị và ngoài quân đội.

Đại học Thông tin Liên lạc có nhiều sáng chế góp phần phòng, chống dịch COVID-19 ảnh 1Nhóm nghiên cứu kiểm tra hoạt động của buồng khử khuẩn cho người tại Trường Đại học Thông tin Liên lạc (Nha Trang, Khánh Hòa). Ảnh: TTXVN phát

Mới đây, sản phẩm “cổng khử khuẩn” do nhóm 7 thành viên của hai Khoa Viễn thông, Vô tuyến điện cùng bắt tay thực hiện đã hoàn tất, chuẩn bị đưa vào sử dụng. Cổng khử khuẩn tự động này có thể thay thế con người trong việc phun khử khuẩn phương tiện giao thông tại cổng ra vào của các cơ quan, đơn vị; đặc biệt phù hợp áp dụng tại các công ty, khu công nghiệp với lượng xe ra vào lớn hay các chốt kiểm soát dịch.

Sản phẩm ứng dụng công nghệ nhận diện vật thể, sử dụng sóng siêu âm kết hợp với bộ xử lý trung tâm PLC công nghiệp có chức năng nhận diện chính xác các loại xe cơ giới ra vào cổng và tiến hành phun khử khuẩn.

Anh Trần Thế Nghiệp, Chủ nhiệm bộ môn Truyền hình-Truyền số liệu, Trường Đại học Thông tin Liên lạc, Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: Nguyên lý hoạt động của cổng theo cơ chế: Các sensor siêu âm có nhiệm vụ nhận diện, phân loại các phương tiện giao thông đi qua cổng một cách chính xác. Sau đó, bộ vi xử lý trung tâm tiến hành khởi động máy bơm cao áp, thời gian mở van điện tử khống chế các béc phun dung dịch phù hợp với kích thước từng loại phương tiện. Với xe dưới 7 chỗ, hệ thống trung tâm sẽ khởi động 4 béc phun dung dịch khử khuẩn và trên 7 chỗ sẽ mở tối đa công suất 6 béc phun dung dịch. Do đó, việc các cảm biến nhận diện càng chuẩn xác các phương tiện giao thông ra vào cổng sẽ giúp tiết kiệm dung dịch khử khuẩn.

Chia sẻ về khó khăn trong quá trình sáng chế, Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, thiết bị cảm biến siêu âm đòi hỏi phải hoạt động tốt ở các loại môi trường, nhiệt độ cao thấp. Cảm biến càng đạt chuẩn tốt, cơ chế vận hành của cổng sẽ hoạt động tốt. Một khó khăn nữa là hệ thống vi xử lý, giá thành của vật liệu này khá cao.

Hiện tại, nhóm nghiên cứu đã hoàn tất việc chế tạo và đang ở giai đoạn cuối của hoạt động thử nghiệm; sẽ sớm đưa cổng vào hoạt động thực tế trong thời gian tới.

Trước đó, nhóm nghiên cứu này đã nghiên cứu thành công hai sản phẩm máy đo thân nhiệt không tiếp xúc, sát khuẩn tay tự động và buồng khử khuẩn cho người. Cả hai sản phẩm này đã được đưa vào ứng dụng thực tế, được đánh giá cao trong việc hạn chế sự lây mắc COVID-19 trong quá trình tiếp xúc.

Máy đo thân nhiệt không tiếp xúc, sát khuẩn tay tự động được thiết kế “2 trong 1”, cùng lúc thực hiện hai chức năng: đo thân nhiệt và phun sương dung dịch sát khuẩn tay một cách hoàn toàn tự động, không cần sự can thiệp, tác động từ nhân viên y tế.

Máy này gồm cảm biến được tích hợp trên hệ thống sẽ đo thân nhiệt với độ chính xác rất cao (± 0,2 độ C) ở người tại vị trí vùng trán và báo trả kết quả bằng đèn led, cảnh báo thông tin qua hệ thống âm thanh. Hệ thống phun sương dung dịch sát khuẩn được tích hợp theo cơ chế phun một lượng nước sát khuẩn vừa đủ để sát khuẩn hai tay.

Anh Trần Thế Nghiệp thông tin thêm, sản phẩm này không chỉ phục vụ trong nhà trường mà còn sử dụng tại Binh chủng Thông tin liên lạc và một số đơn vị khác. Các đơn vị sử dụng đều có những đánh giá, phản hồi rất tích cực.

Đối với “buồng khử khuẩn tự động”, sản phẩm này sử dụng công nghệ vi siêu âm tạo ra sương dung dịch đủ ẩm phù hợp cho sát khuẩn, tập trung vào nhóm vi khuẩn bám trên bề mặt như quần áo, giày dép, tóc, khuôn mặt hay đồ dùng mang theo như túi xách nhằm giảm nguy cơ truyền nhiễm của vi khuẩn, virus. Nguyên lý hoạt động dựa trên bộ điều khiển PLC tiêu chuẩn dùng trong công nghiệp có tính ổn định cao với hai chế độ hoạt động cơ bản linh hoạt theo yêu cầu thực tế sử dụng. Chế độ 1 trong trường hợp ít người, hệ thống phun sương được kích hoạt và tự động hoàn tất sau 30 giây và ở chế độ 2 trong trường hợp đông người, hệ thống phun sương dung dịch liên tục.

Lãnh đạo Trường Đại học Thông tin Liên lạc chia sẻ, không chỉ 3 sản phẩm phòng, chống dịch trên, thời gian tới, Nhà trường còn mở rộng nghiên cứu các thiết bị khác. Nhà trường mong muốn, những sản phẩm kỹ thuật này sẽ góp phần tạo nên những giải pháp hoàn chỉnh trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, đáp ứng yêu cầu thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới ở tỉnh Khánh Hòa nói riêng và cả nước nói chung.

Phan Sáu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm