Theo đánh giá của nhiều thí sinh khi kết thúc bài thi, đề thi đánh giá năng lực chung tuy có nhiều câu hỏi với kiến thức tổng hợp của nhiều môn học nhưng nội dung không quá khó, câu hỏi đảm bảo từ dễ đến khó, phù hợp với năng lực của học sinh và bám sát chương trình học.
Chia sẻ về quyết định tham dự kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, thí sinh Nguyễn Quỳnh Phương (Sóc Sơn, Hà Nội) cho biết: Khi tham gia kỳ thi này, em có nhiều cơ hội hơn để trúng tuyển vào đại học, đồng thời giúp em chuẩn bị kiến thức tốt hơn khi bước vào kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia sắp tới. Vì những kiến thức của bài thi đánh giá năng lực mang tính tổng hợp, việc làm bài trên máy tính cũng khá thuận lợi, không gây khó khăn cho thí sinh.
Thí sinh dự kỳ thi đánh giá năng lực môn ngoại ngữ tại Đại học Quốc gia Hà Nội. ảnh: Quý Trung- TTXVq |
Cùng thi với Quỳnh Phương, em Đàm Thảo Ly (Hà Nội) nhận xét: Việc tổ chức bài thi đánh giá năng lực trên máy tính rất tiện lợi, hạn chế được tiêu cực và giảm bớt các thủ tục cho thí sinh. Đối với thi truyền thống trên giấy, khi làm bài, thí sinh phải điền thông tin nhiều lần vào các tờ giấy thi, khá mất thời gian.
Bước sang năm thứ hai tổ chức, kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội không chỉ sử dụng kết quả để tuyển sinh vào các trường thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội mà đã mở rộng thành một nhóm trường ngoài Đại học Quốc gia Hà Nội. Điều này cho thấy sự quan tâm của các trường đối với một phương thức tuyển sinh mới và sẵn sàng “nhập cuộc” sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực để tuyển sinh.
Ông Nguyễn Kim Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Trưởng Ban chỉ đạo kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Trong các năm tiếp theo, Đại học Quốc gia Hà Nội sẵn sàng chia sẻ kết quả thi đánh giá năng lực để tuyển sinh đối với các trường ngoài Đại học Quốc gia Hà Nội. Vì chỉ tiêu vào trường có hạn nên việc mở rộng các trường sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực sẽ giảm bớt việc lãng phí nguồn lực phục vụ sơ tuyển đầu vào.
Đặt vấn đề nếu các trường đại học top trên muốn sử dụng chung kết quả thi đánh giá năng lực, Đại học Quốc gia Hà Nội có lo ngại ảnh hưởng đến chỉ tiêu tuyển sinh hay không, ông Nguyễn Kim Sơn cho rằng: Mỗi trường đại học đều có một vị trí, thương hiệu riêng. Nếu có nhiều trường top đầu cùng tham gia tổ chức và sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực thì sẽ thu hút được nhiều thí sinh học lực khá, giỏi tham gia thi tuyển. Từ đó, Đại học Quốc gia Hà Nội có thêm cơ hội tuyển chọn thí sinh cũng như khẳng định được vị trí, thương hiệu của mình trong công tác tuyển sinh và đào tạo.
Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đã chuẩn bị các điều kiện để có thể chia sẻ kết quả kỳ thi đánh giá năng lực. Cụ thể như, bộ đề thi năm 2016 đã tăng gấp 2 lần số lượng câu hỏi so với năm 2015 và sẽ tiếp tục mở rộng, hoàn thiện để có dung lượng đủ lớn cho số lượng thí sinh đăng ký dự thi ngày càng tăng. Đề thi chuẩn hóa đã qua thử nghiệm, sàng lọc, cân bằng độ khó. Về phần mềm và tổ chức đăng ký trực tuyến, quy trình hoàn toàn có thể đáp ứng cho số lượng thí sinh rất đông. Song nếu mở rộng phương thức thi này cho số lượng thí sinh rất lớn thì các trường cần phải hợp sức, chuẩn bị cơ sở vật chất (đường truyền, thiết bị...) một cách bài bản, chính quy, sử dụng ổn định trong nhiều năm.
Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Kim Sơn cũng chia sẻ: Phương thức thi đánh giá năng lực được xây dựng trên nền tảng kiểm tra, đánh giá tiên tiến của thế giới, đạt đến độ bao quát, chuyên nghiệp, an toàn và công bằng. Qua thăm dò sơ bộ cũng như đánh giá bước đầu của các nhà quản lý và cán bộ giảng viên đang giảng dạy khóa sinh viên đầu tiên được tuyển sinh năm 2015 theo phương thức đánh giá năng lực thì khả năng tiếp thu của lứa sinh viên này có phần năng động và toàn diện hơn; đặc biệt, đối với những sinh viên nhóm ngành khoa học xã hội, các em đã tỏ ra nhanh nhạy trong việc lĩnh hội kiến thức liên quan đến khoa học tự nhiên./.