Công bố xuất khẩu lô bưởi đầu tiên của Việt Nam sang Hoa Kỳ

Xe vận chuyển lô bưởi đầu tiên xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Ảnh: Công Trí - TTXVN
Xe vận chuyển lô bưởi đầu tiên xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Ảnh: Công Trí - TTXVN

Sáng 28/11, tại Bến Tre, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre tổ chức lễ công bố xuất khẩu lô bưởi đầu tiên của Việt Nam sang Hoa Kỳ.

Công bố xuất khẩu lô bưởi đầu tiên của Việt Nam sang Hoa Kỳ ảnh 1Trao Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật cho Công ty cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Ảnh: Công Trí - TTXVN

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam nhấn mạnh, sự kiện xuất khẩu chính ngạch những lô bưởi đầu tiên được tổ chức tại Bến Tre là niềm tự hào không chỉ của người trồng bưởi Bến Tre mà còn là niềm vui chung của người dân trồng quả bưởi trên cả nước.

Đây là một sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng bởi xuất khẩu chính ngạch trái bưởi sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tiếp cận thị trường Hoa Kỳ rộng lớn. Đồng thời, giúp doanh nghiệp và nông dân thu được lợi nhuận cao hơn từ loại quả đặc sản này.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, thị trường Hoa Kỳ là một thị trường khó tính vào bậc nhất, tuy nhiên nhu cầu về nhập khẩu các loại trái cây tươi vẫn rất lớn. Để có được những lô bưởi đầu tiên được xuất khẩu chính ngạch ngày hôm nay, các vùng trồng, cơ sở đóng gói bưởi đã phải chuẩn bị sẵn sàng và trải qua rất nhiều khâu kiểm tra của cơ quan chuyên môn hai nước, đáp ứng được yêu cầu về kiểm dịch và kiểm soát sinh vật gây hại, an toàn vệ sinh thực phẩm, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép; thực hiện đúng quy cách về đóng gói, đảm bảo truy xuất nguồn gốc chính xác.

Công bố xuất khẩu lô bưởi đầu tiên của Việt Nam sang Hoa Kỳ ảnh 2Xe vận chuyển lô bưởi đầu tiên xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Ảnh: Công Trí - TTXVN

Thứ trưởng Trần Thanh Nam thông tin, quả bưởi Việt Nam là loại trái cây thứ 7 của nước ta được phép nhập khẩu vào Hoa Kỳ, sau các loại quả xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa.

Đây là kết quả của nỗ lực đàm phán suốt thời gian dài của các cơ quan chuyên môn giữa hai bên và sự đồng hành kiên trì của cộng đồng những người sản xuất và xuất khẩu bưởi Việt Nam.

Cả nước ta hiện có 105.400 ha trồng bưởi, sản lượng gần 905 nghìn tấn; với các giống bưởi đa dạng, đặc trưng cho từng vùng miền.

Cụ thể, đồng bằng sông Hồng có hơn 13 nghìn ha với sản lượng trên 175 nghìn tấn, Trung du miền núi phía bắc có hơn 30 nghìn ha với sản lượng 253 nghìn tấn. Riêng Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 32 nghìn ha với sản lượng khoảng 369 nghìn tấn... Đây là dư địa và cơ hội rất lớn cho trái cây Việt Nam nói chung và quả bưởi tươi nói riêng để tiếp cận thị trường Hoa Kỳ.

Đến nay, đã có 36 vùng trồng bưởi của 10 tỉnh (Bà Rịa Vũng Tàu, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Phú Thọ, Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Dương và Đăk Nông) được cấp mã số vùng trồng bưởi xuất khẩu sang Hoa Kỳ với tổng diện tích 752 ha (chiếm 0,71% diện tích trồng bưởi của cả nước), sản lượng dự kiến 13.105,6 tấn (chiếm 1,4 % tổng sản lượng bưởi của cả nước).

Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho hay, sau gần 6 năm đăng ký xuất khẩu bưởi sang Hoa Kỳ, các cơ quan có liên quan của Việt Nam và Hoa Kỳ đã tích cực đàm phán, trao đổi kỹ thuật, nhất là vấn đề liên quan đến kiểm dịch thực vật, đến nay Hoa Kỳ chính thức nhập khẩu quả Bưởi tươi Việt Nam.

Bến Tre là địa phương xuất khẩu lô bưởi đầu tiên sang thị trường đầy tiềm năng và đòi hỏi tiêu chuẩn, chất lượng cao này. Công ty cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre đơn vị đã trực tiếp đăng ký và chuẩn bị về mọi mặt để đưa sản phẩm Bưởi Bến Tre sang thị trường Hoa Kỳ.

Hiện nay, trong 7 sản phẩm cây ăn quả của Việt Nam được xuất sang thị trường Hoa Kỳ, Bến Tre có 3 sản phẩm gồm: bưởi, nhãn, chôm chôm. Tỉnh Bến Tre có diện tích trồng bưởi khoảng 10.000 ha, hàng năm cho sản lượng trên 200.000 tấn.

Thời gian qua, ngành chức năng tỉnh đã hướng dẫn, hỗ trợ người dân chăm sóc vườn bưởi theo tiêu chuẩn an toàn, chất lượng; chú trọng đến các đối tượng kiểm dịch thực vật phía Hoa Kỳ quan tâm; xây dựng các vùng trồng, tổ chức sơ chế, đóng gói sau thu hoạch đảm bảo đúng quy định.

Hiện nay, tỉnh đã được cấp 25 mã số vùng trồng bưởi da xanh xuất khẩu sang thị trường EU và Hoa Kỳ; riêng, đối với thị trường Hoa Kỳ đã được cấp 11 mã số với diện tích 156,76 ha, sản lượng 3.135 tấn/năm.

Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre định hướng phát triển theo hướng chuyên sâu, hiện đại gắn với tiến bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt hướng đến xuất khẩu sản phẩm chủ lực ở thị trường xuất khẩu tiềm năng.

Xuất phát từ quan điểm trên, những năm qua, Bến Tre đã tập trung triển khai thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp để phát triển nền nông nghiệp, tập trung xây dựng, phát triển và quản lý tốt các vùng trồng nhằm đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của nước nhập khẩu, đặc biệt là các thị trường lớn và có tiêu chuẩn cao như Mỹ, Âu…

"Từ đó, sản phẩm nông nghiệp tỉnh Bến Tre đã từng bước khẳng định được thương hiệu và giá trị; trong đó, có các sản phẩm chủ lực đã và đang xuất khẩu ra thị trường thế giới và được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn", Chủ tịch Trần Ngọc Tam cho hay.

Tại buổi lễ, Bà Sarah Gilleski, Tùy viên Nông nghiệp Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam chia sẻ, "Tôi rất vui và chúc mừng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các nhà sản xuất trái cây và các nhà đóng gói đã đạt được thành tựu tuyệt vời như hôm nay, đó là mở cửa thị trường cho trái bưởi tươi vào Hoa Kỳ. Tôi rất mong chờ từng ngày vì khi trở về quê nhà Hoa Kỳ có thể thấy được trái bưởi Việt Nam trên các kệ và siêu thị".

Trong khi đó, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu Ngô Tường Vy cho biết, sau thị trường Hoa Kỳ, doanh nghiệp sẽ có thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm, uy tín để tự tin chinh phục những thị trường tiêm năng khác như: Australia, Newzelan, Nhật Bản, Trung Quốc; đồng thời, mong muốn lãnh đạo tỉnh Bến Tre hỗ trợ quy hoạch lại vùng nguyên liệu cũng như quy trình canh tác, dẫn dắt người nông dân còn nhiều vất vả, khó khăn để thay đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.

Công Trí

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm