Công bố dự thảo thứ ba cho thỏa thuận khí hậu toàn cầu

Công bố dự thảo thứ ba cho thỏa thuận khí hậu toàn cầu
Công bố dự thảo thứ ba cho thỏa thuận khí hậu toàn cầu ảnh 1
Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius (giữa, phía xa) trong cuộc họp với các thành viên Tổ chức phi Chính phủ trong khuôn khổ Hội nghị COP 21 ở Le Bourget, ngoại ô Paris ngày 8/12. Ảnh: AFP/TTXVN
Bản dự thảo lần thứ ba này chỉ còn 48 ghi chú về mức độ giải pháp cần lựa chọn thay vì 350 lựa chọn như trước đây. Ngoại trưởng Pháp cũng bày tỏ tin tưởng rằng văn bản cuối cùng sẽ được hoàn thiện và công bố vào ngày 11/12, ngày bế mạc hội nghị.  Tuy nhiên, ông cũng nêu rõ rằng tất cả các điểm bất đồng như “xác định mức độ trách nhiệm giữa các nước giàu-nghèo”, “hỗ trợ tài chính”, “mức độ tham vọng” chưa được giải quyết trong bản dự thảo này. Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, ngày 10/12 là ngày đàm phán thứ 11 trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP21).  Đây là giai đoạn nước rút cuối cùng trước khi các phiên đàm phán khép lại. Theo kế hoạch, vào chiều 10/12, các đoàn đàm phán của 195 nước phải trao lại cho Chủ tịch COP21 - Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius phiên bản cuối cùng của văn bản thỏa thuận. Tuy nhiên, đến chiều muộn cùng ngày, do các bên vẫn chưa tháo gỡ được các bế tắc nên các cuộc đàm phán được tiếp tục vào buổi tối. Những khó khăn khiến các cuộc đàm phán không thể tiến triển liên quan đến việc xác định mức độ trách nhiệm giữa các nước giàu-nghèo, hỗ trợ tài chính cho các nước bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ Trái Đất.  Về xác định mức độ trách nhiệm, các nước nghèo (còn gọi là các nước Nam bán cầu) cho rằng các nước công nghiệp phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Australia, Canada… là những nước phát thải mạnh nhất khí gây hiệu ứng nhà kính cần phải đi đầu trong thực hiện các cam kết ứng phó với biến đổi khí hậu bằng việc giới hạn lượng khí thải carbon. Các nước này cũng sở hữu tiềm lực tài chính lớn vì vậy phải tài trợ cho các nước nghèo để phát triển các nguồn năng lượng tái sinh. Khái niệm “Trách nhiệm chung nhưng có sự phân biệt” được ghi trong bản dự thảo thỏa thuận trên thực tế đã được quy định trong Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (UNFCCC) năm 1992 với thuật ngữ “trách nhiệm lịch sử” của các nước công nghiệp trong việc phát thải khí nhà kính.  Điều này hàm chứa việc các nước phát triển phải cam kết mạnh mẽ hơn trong cuộc chiến chống lại sự nóng lên toàn cầu. Tại hội nghị COP21, khái niệm này đã được nêu ra ngay từ những giờ đàm phán đầu tiên. Theo Bộ trưởng Môi trường Ấn Độ Prakash Javadekar, một thỏa thuận lâu dài không thể được xây dựng trên cơ sở “pha loãng trách nhiệm lịch sử”, “đặt những người gây ô nhiễm và các nạn nhân trên cùng một cấp độ”. Các cuộc đàm phán cũng cho thấy các nước đang phát triển muốn việc cắt giảm phát thải khí nhà kính không làm ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của họ trong khi đó các nước phát triển muốn các nước mới nổi cũng phải tham gia đóng góp tài chính, cụ thể là Trung Quốc, nước có lượng khí thải carbon lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 25% tổng lượng phát thải toàn cầu, hoặc các nước như Brazil hay Ấn Độ đều phải đóng góp tài chính. Về vấn đề hỗ trợ, tại hội nghị COP15 họp tại Copenhagen (Đan Mạch) vào năm 2009, các nước giàu đã cam kết kể từ năm 2020 sẽ hỗ trợ các nước đang phát triển 100 tỷ USD mỗi năm để chuyển đổi sang sử dụng những nguồn năng lượng sạch và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, việc phân chia khoản tiền 100 tỷ USD/năm từ nay đến năm 2020 là một việc khó khăn. Bên cạnh đó, kế hoạch gây quỹ hỗ trợ cũng chưa được quy định rõ ràng, các quốc gia nghèo mong muốn số tiền hỗ trợ sẽ tăng dần trong tương lai và được tiếp tục sau năm 2020 trong khi các nước Bắc bán cầu không muốn là chỉ có họ bỏ tiền để giúp các nước nghèo chuyển đổi mô hình năng lượng. Mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ Trái Đất cũng là một điểm gây chia rẽ các nước. Mục tiêu này được ghi tại điều 2 của bản dự thảo chỉnh sửa với 2 lựa chọn: kiểm soát mức tăng nhiệt thấp hơn 2°C và tiếp tục mọi nỗ lực để hạ thấp mức tăng nhiệt xuống còn 1,5°C; hạn chế mức gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức dưới 1,5°C.  Đây là kiến nghị của các nước dễ bị tổn thương nhất và các quốc đảo nhỏ bị đe dọa bởi nước biển dâng. Các nước này kiên quyết ủng hộ lựa chọn kiểm soát ở mức dưới 1,5°C. Song song với các cuộc đàm phán, trong những ngày qua các tổ chức phi chính phủ, tổ chức xã hội dân sự đã tổ chức nhiều hoạt động gây áp lực, yêu cầu các đoàn đàm phán, các chính phủ phải nâng mức cam kết nhằm đạt được các mục tiêu ở mức cao hơn.  Họ cũng đã lên kế hoạch cho các cuộc biểu dương lực lượng trên đường phố Paris vào ngày 12/12, sau khi hội nghị COP21 kết thúc với thông điệp: “Công lý khí hậu vì hòa bình”.

Có thể bạn quan tâm