Cô gái Jrai nỗ lực giữ mạch nguồn văn hóa truyền thống

Cô gái Jrai nỗ lực giữ mạch nguồn văn hóa truyền thống

Khi những làn sóng văn hóa hiện đại đang có nhiều tác động đến các giá trị văn hóa địa phương, tại một bản làng nhỏ ở phía Đông Nam tỉnh Gia Lai, vẫn có một cô gái nỗ lực gìn giữ giá trị văn hóa của buôn làng.

Cánh én nhỏ…

Ksor H’Nhi (28 tuổi) sinh ra và lớn lên tại buôn Rưng Ma Nin, xã Ia Rbol, thị xã Ayun Pa. Trưởng thành từ buôn được xem là cái nôi của các thiết chế văn hóa, vì vậy, trong con người H’Nhi luôn tràn đầy tình yêu đối với văn hóa Jrai của mình. Càng lớn lên, khi ngày ngày chứng kiến thanh thiếu niên trong làng dần đánh mất đi bản sắc văn hóa truyền thống, H’Nhi đã nỗ lực tạo sân chơi cho buôn làng tìm về với cội nguồn.

Cô gái Jrai nỗ lực giữ mạch nguồn văn hóa truyền thống ảnh 1Chị Ksor H'Nhi (bìa phải) hướng dẫn kỹ thuật trồng nấm sò cho đoàn viên, thanh niên. Ảnh: baogialai.com.vn

Là phụ nữ, khi làm công tác gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của buôn làng, H'Nhi gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, sức trẻ cùng sự nhiệt huyết đã xóa đi rào cản về giới tính. H’Nhi chăm chỉ lên mạng, tìm hiểu những bài viết liên quan đến văn hóa người Jrai. Từ sự mày mò tìm kiếm này, H’Nhi đã kết nối được với các tổ chức chuyên về bảo tồn các giá trị văn hóa đặc sắc trên cả nước. Từ đó, H’Nhi đã lập ra Dự án “Giữ gìn và tiếp nối những giá trị văn hóa dân tộc Jrai tại xã Ia Rbol, thị xã Ayun Pa, Gia Lai”. Cuối năm 2021, dự án của Ksor H’Nhi may mắn là một trong 4 dự án của tỉnh Gia Lai được Hội đồng Anh phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam lựa chọn tài trợ thực hiện. Từ đây, khát vọng bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc bản địa, đặc biệt là không gian văn hóa cồng chiêng của H’Nhi dần thành hình hài.

Ksor H’ Nhi chia sẻ: “Với mong muốn khôi phục và giữ gìn giá trị văn hóa của người Jrai và sử dụng cái giá trị văn hóa này để phát triển kinh tế địa phương, tôi có ý tưởng thành lập một Câu lạc bộ để người dân trong buôn có điều kiện để sinh hoạt chung. Qua đó, cùng nhau chỉ bảo, truyền dạy nhau cách đánh công chiêng, múa xoang, đan lát, dệt… Câu lạc bộ chỉ là bước khởi đầu để mọi người dần quen với việc khôi phục lại các lễ hội, văn hóa của người Jrai. Trong tương lai, tôi có kế hoạch phát triển tour trải nghiệm trên chính quên hương mình để du khách có thể tìm hiểu về văn hóa của người Jrai và chính người địa phương sẽ là những người được hưởng lợi”.

Dự án về tay, H’Nhi đã quy tụ được trên 50 thanh thiếu niên, người dân trong buôn cùng nhau gìn giữ, phát huy văn hóa Jrai. Trong đó chú trọng phát huy giá trị văn hóa của cồng chiêng và dệt thổ cẩm gắn với lợi ích của người dân để phát triển kinh tế địa phương.

Ông Nay Nhơn (nghệ nhân truyền dạy cồng chiêng xã Ia Rbol, thị xã Ayun Pa) vui mừng chia sẻ, trước đây, việc tập hợp thanh thiếu niên và người dân trong buôn để truyền dạy công chiêng rất khó khăn. Dự án của Ksor H’Nhi đã tạo được sân chơi bổ ích cho buôn làng. Từ đó, việc truyền dạy, bảo tồn văn hóa Jrai của buôn làng bớt phần vất vả.

... làm nên mùa Xuân

Từ khi Câu lạc bộ “Giữ gìn và tiếp nối những giá trị văn hóa dân tộc Jrai tại xã Ia Rbol, thị xã Ayun Pa, Gia Lai” của Ksor H’Nhi hình thành, buôn Rưng Ma Nin luôn rộn tiếng cồng chiêng. Mạch nguồn văn hóa Jrai vì thế ngấm dần trong từng thế hệ.

Buổi sinh hoạt đầu tiên, nhà sinh hoạt cộng đồng buôn Rưng Ma Nin rộn vang tiếng cồng chiêng. Từng nhóm thanh niên, đàn ông chụm đầu vào học cách đánh cồng chiêng, nhóm phụ nữ nắn nót từng động tác của điệu xoang huyền ảo. Tất cả hòa hợp làm một khiến không gian trở nên rộn ràng, say đắm lòng người.

Thông qua những buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ, các nghệ nhân đã truyền dạy cách đánh các bài chiêng cổ, các điệu múa xoang cho các bạn trẻ. Đây là dịp để người dân trong bôn gặp gỡ, giao lưu sau một ngày lao động vất vả, gắn kết cộng đồng. Em Kpă T’Grai chia sẻ: “Từ khi sinh ra và lớn lên, em đã biết nhiều các bài chiêng. Thông qua buổi sinh hoạt, em được các bác các ông truyền dạy thêm cho những kinh nghiệm, những kiến thức rất hữu ích. Có Câu lạc bộ này, chúng em có được sân chơi và học được nhiều kiến thức hết sức ý nghĩa”.

Với các nghệ nhân, Câu lạc bộ trở thành ngôi trường để mỗi nghệ nhân là một giáo viên đứng bục giảng. Ông Nay Nhơn ( nghệ nhân truyền dạy cồng chiêng xã Ia Rbol, thị xã Ayun Pa) hào hứng: "Việc tập và sinh hoạt cồng chiêng trong làng gặp rất nhiều khó khăn. Để khơi gợi lại, phục dựng lại văn hóa người Jrai mà cụ thể là truyền dạy cồng chiêng, chúng tôi rất nhiệt tình tập luyện cho thanh niên để sau này họ sẽ phát triển, duy trì bản sắc văn hóa cồng chiêng của người Jrai. Chúng tôi sẽ tăng cường thời gian tập luyện để không chỉ thanh niên mà cả bà con trong làng để tiếp tục duy trì bản sắc văn hóa của người Jrai".

Ông Nay Bol, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ia Rbol, thị xã Ayun Pa cho biết: "Dưới góc độ chính quyền cấp xã, luôn luôn nuôi hy vọng lưu giữ lại nét văn hóa truyền thống của địa phương, trong đó đặc biệt nhất là cồng chiêng. Thông qua dự án của chị Ksor H’Nhi, chúng tôi rất vui mừng và đồng thời đây cũng là chủ trương của xã. Trong thời gian tới, sau khi dự án kết thúc, hy vọng Câu lạc bộ vẫn sẽ được duy trì; đồng thời cấp chính quyền sẽ tiếp tục tạo điều kiện, quan tâm nhiều hơn để lưu giữ lại văn hóa truyền thống địa phương Jrai".

Xã Ia Rbol hiện có 7 làng với 959 hộ, trong đó 98% là người Jrai. Người dân trong xã đang quyết tâm giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc mình bằng nhiều hình thức trong đó có một Câu lạc bộ dệt thổ cẩm do Hội Liên hiệp Phụ nữ xã thành lập và đang hoạt động ổn định. Sắp tới đây, xã sẽ hình thành mô hình du lịch cộng đồng và một số hoạt động khác, trong đó có dự án "Giữ gìn và tiếp nối những giá trị văn hóa dân tộc Jrai" do chị Ksor H’Nhi làm chủ nhiệm đề tài, để quảng bá văn hóa của cư dân địa phương đến du khách gần xa.

Quang Thái

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm