Băn khoăn tính khả thi
6 giờ chiều ngày 4/11 tại cây xăng trên phố Yên Phụ (Ba Đình, Hà Nội), người nối người chờ đến lượt bơm xăng. Bốn cột bơm xăng hoạt động hết công suất. Trên khuôn mặt nhiều người lộ rõ vẻ khó chịu khi phải chờ đợi lâu.
|
“Ai cũng biết các cây xăng ở nội thành Hà Nội hiện đều quá tải vào giờ cao điểm. Nếu cần thêm công đoạn in và nhận chứng từ thì thời gian chờ đợi của người dân sẽ lâu hơn. Nhiều người không muốn nhận hóa đơn, chứng từ nữa và sẽ vứt chứng từ lại ngay cây xăng”, anh Tuấn Anh băn khoăn.
Theo quy định tại Thông tư 15, việc in chứng từ mua bán cho khách hàng mua xăng là bắt buộc. Quy định này sẽ áp dụng từ ngày 1/7/2018. Tuy cơ quan ban hành văn bản đã tạo “độ trễ” để các cửa hàng xăng dầu có thời gian chuẩn bị cho quy định mới nhưng đại diện một số cây xăng vẫn băn khoăn về việc thực hiện.
Đại diện công ty cổ phần xăng dầu Tự Lực 1 cho rằng, ở các nước văn minh, quy định này phù hợp vì khách hàng đi ô tô, lượng mua xăng lớn. Tại Việt Nam, phần đông người dân đi xe máy, và thường mua 50.000-70.000 đồng nên chủ yếu quan sát trên đồng hồ chứ ít để ý đến chứng từ.
Còn theo trạm trưởng một cây xăng trên đường Kim Giang (Hà Nội), quy định này rất khó thực hiện. Hiện nay, nhân viên bán xăng của cây xăng không được viết hóa đơn cho khách. Khách muốn có hóa đơn đỏ phải làm việc với nhân viên văn phòng trong giờ hành chính. Thực tế, chỉ có những người đi ô tô, đi xe cơ quan cần thanh toán mới quan tâm đến việc viết hóa đơn, còn khách đi xe máy hầu hết không quan tâm. Nếu áp dụng thêm quy định xuất chứng từ cho tất cả khách hàng thì cây xăng sẽ phải lắp đặt thêm máy móc in ấn và phần mềm quản lý nhưng hiện nay vẫn chưa có phần mềm này.
Cân nhắc trước khi áp dụng
Đại diện cơ quan ban hành thông tư cho rằng, quy định mới là để bảo vệ quyền lợi của chính khách hàng và kiểm soát tổng đầu ra. Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học - Công nghệ) Trần Văn Vinh cho biết, việc in và cung cấp chứng từ bán lẻ xăng dầu cho khách hàng tại các nước rất phổ biến. Đây là biện pháp để ngăn chặn gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu. Thông qua việc kiểm tra, đối chiếu số lượng nhập đầu vào và đầu xuất tại cửa hàng, cơ quan quản lý có thể xác định tình trạng mua thêm xăng dầu trôi nổi, nhập lậu, không bảo đảm chất lượng để bán cho người tiêu dùng.
Quy định này cũng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Khách hàng có thể sử dụng các chứng từ bán hàng để tố cáo hành vi vi phạm và yêu cầu bồi thường thiệt hại do việc bán thiếu xăng dầu. Trước đây, có nhiều trường hợp người dân tố cáo cây xăng gian lận nhưng do không có chứng từ nên không thể đối chiếu, xác minh được.
Thực tế, trong quá trình soạn thảo Thông tư 15, một số doanh nghiệp đã phản ánh việc in và cung cấp chứng từ bán hàng cho khách có thể gây ách tắc trong bán lẻ vào các giờ cao điểm. Về vấn đề này, Tổng cục cho rằng, có nhiều giải pháp kỹ thuật để khắc phục.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác cho rằng, quy định này chỉ nên áp dụng tại các cây xăng của các doanh nghiệp bán lẻ tư nhân ở ngoại thành, vùng sâu vùng xa, nơi khó khăn trong công tác quản lý. Còn các cây xăng uy tín của nhà nước thì không nhất thiết phải áp dụng. Ngoài ra, chỉ nên in chứng từ với một mức xăng lớn, chẳng hạn trên 100.000 đồng/lần. Nếu mua ít, không cần in chứng từ để tránh lãng phí về tiền bạc và thời gian.
Thực tế cho thấy, không mấy khách hàng quan tâm đến quy định in chứng từ. Chủ một cây xăng trên đường Hoàng Hoa Thám (Hà Nội) cho hay, cây xăng này đã thực hiện in chứng từ cho khách hàng mua xăng bằng thẻ ngân hàng. Tuy nhiên, nhiều người sau khi quẹt thẻ không quan tâm đến chứng từ mà bỏ lại ngay tại cây xăng.