Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ:

Chuyện về những kỷ vật của Mẹ Việt Nam Anh hùng

Chuyện về những kỷ vật của Mẹ Việt Nam Anh hùng
Năm 2011, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ thực hiện Dự án Nghiên cứu sưu tầm và trưng bày tư liệu Mẹ Việt Nam Anh hùng Thành phố Hồ Chí Minh được phong tặng và truy tặng từ năm 1995 – 2010.

Tập thể nhân viên Bảo tàng đã phối hợp với nhiều đơn vị như Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh, Hãng phim Truyền hình TFS trực tiếp đến từng nhà của hơn 1.500 Mẹ Việt Nam Anh hùng, để vận động, thu thập thông tin, hình ảnh, hiện vật, phục vụ công tác nghiên cứu, sưu tầm. Mỗi kỷ vật được các Mẹ gửi tặng đều là những câu chuyện xúc động. 
Chiếc tủ được làm bằng vỏ quả bom B52 được Mẹ Huỳnh Thị Ba (huyện Cần Giờ) gửi tặng Bảo tàng. Ảnh: TTXVN phát
Chiếc tủ được làm bằng vỏ quả bom B52 được
Mẹ Huỳnh Thị Ba (huyện Cần Giờ) gửi tặng Bảo tàng.
Ảnh: TTXVN phát
Đến nhà của Mẹ Hồ Thị Há, quận Bình Thạnh, anh Mai Phước Lâm, nhân viên bảo tàng cho biết, chiếc khăn tang màu trắng mãi là kỷ niệm đáng nhớ nhất. Má Há có chồng và con gái đều là liệt sỹ.

Những ngày con hoạt động cách mạng, nhớ con, má Há đã cắt một bộ áo bà ba màu xanh, phòng khi con về thăm nhà, có áo để mặc như người dân bình thường, tránh bị giặc phát hiện. Khi hay tin chồng hy sinh trên chiến trường, má Há đã cắt vội chiếc khăn tang màu trắng, tìm cách gửi, báo tin cho con.

Sau hơn một năm bặt vô âm tín, chiếc khăn tang màu trắng ấy bỗng quay trở lại nhưng do một người đồng đội của người con gái gửi lại cho má. Lúc đó, má Há mới hay, cô con gái duy nhất đã anh dũng chiến đấu và hy sinh. Chiếc khăn tang má Há gửi cho con gái được đồng đội tìm thấy ngay bên trong áo của con.     
Kỷ vật "Chiếc cối giã trầu" bằng gỗ do Mẹ Phạm Thị Mãnh gửi tặng Bảo tàng. Ảnh: TTXVN phát
Kỷ vật "Chiếc cối giã trầu" bằng gỗ do Mẹ Phạm Thị Mãnh gửi tặng Bảo tàng. Ảnh: TTXVN phát

Chiếc khăn tang màu trắng vẫn được má Há nâng niu, cất giữ như báu vật cuộc đời. “Khi chúng tôi tìm đến nhà má, chia sẻ về dự án, má Há đã không ngần ngại kể lại câu chuyện về chiếc khăn tang. Đồng thời, sẵn sàng gửi tặng chúng tôi kỷ vật này với ý nguyện thay Má bảo quản, giữ gìn như chính má đã làm trong hơn 42 năm qua”, anh Lâm kể lại.    

Trong thời gian thực hiện dự án tại các huyện ngoại thành của thành phố như Củ Chi, Hóc Môn, Cần Giờ có hơn 800 Mẹ vẫn còn sống. Hầu hết các Mẹ đều đã bước qua tuổi 80, 90. Có Mẹ sống với con, cháu, có Mẹ sống một mình hiu quạnh…

Dù vậy, tất cả các kỷ vật của chồng, con hay của các chiến sĩ bộ đội luôn được Mẹ, người thân trong gia đình gìn giữ rất cẩn trọng. Dù chưa từng gặp mặt nhưng khi nghe có đoàn đến tìm hiểu về gia đình, các Mẹ rất vui mừng, sẵn sàng trò chuyện quên cả thời gian.

Đến khi đoàn công tác bày tỏ mong muốn được tiếp tục thay các Mẹ giữ gìn và bảo quản những di vật quý báu này, các Mẹ đều sẵn sàng trao tặng tận tay cho các thành viên.

Đáng nhớ nhất là những lần tiếp nhận các kỷ vật “độc nhất vô nhị” của các Mẹ như chiếc radio bị hỏng của Mẹ Trần Thị Năm (quận 4); tủ sắt đựng đồ của Mẹ Huỳnh Thị Ba (huyện Cần Giờ) được làm từ vỏ quả bom ném từ máy bay B.52; hay bộ ăn trầu bằng đồng của Mẹ Lê Thị Đò (huyện Hóc Môn)…  
Hiện vật "Radio" của Mẹ Trần Thị Năm (Quận 4) tặng Bảo tàng. Ảnh: TTXVN phát
Hiện vật "Radio" của Mẹ Trần Thị Năm (Quận 4) tặng Bảo tàng. Ảnh: TTXVN phát

Chia sẻ kỷ niệm được gặp Mẹ Phạm Thị Mãnh, có 3 con trai là liệt sỹ, anh Lâm kể: Má Phạm Thị Mãnh tuy có hộ khẩu tại quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh nhưng sống cùng con cháu tại tỉnh Bến Tre. Khi đoàn công tác tìm đến nhà Má, tôi thấy trên bàn có đặt một chiếc cối giã trầu bằng gỗ, khá độc đáo. Sau khi trò chuyện với Má một lúc lâu, tôi đưa tay cầm chiếc cối lên xem, Má hỏi tôi muốn xin cái cối đó hả. Trao cho tôi, Má mới cho hay, chiếc cối này là kỷ niệm duy nhất của cậu con trai thứ 2 tự tay làm cho Má.
Kỷ vật "Chiếc khăn tang" của Mẹ Hồ Thị Há ngụ tại quận Bình Thạnh tặng Bảo tàng. Ảnh: TTXVN phát
Kỷ vật "Chiếc khăn tang" của Mẹ Hồ Thị Há ngụ tại quận Bình Thạnh tặng Bảo tàng. Ảnh: TTXVN phát

Tiếp nhận kỷ vật thiêng liêng này về Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, tất cả cán bộ, nhân viên của Bảo tàng đều trầm trồ, ngưỡng mộ sự khéo léo của người chiến sĩ, đã tỉ mẩn thực hiện một tác phẩm thủ công dù rất đơn sơ nhưng chứa đựng cả tấm lòng của người con trai trên chiến trường luôn nghĩ về Mẹ.

Với ý nghĩa đó, Bảo tàng dự định nhân bản chiếc cối này thành sản phẩm lưu niệm dành cho khách tham quan. Tuy nhiên, do cối làm bằng gỗ, có giá thành khá cao nên đến nay, dự định này vẫn chưa thực hiện được, anh Lâm chia sẻ.    
 
Hiện dự án Nghiên cứu sưu tầm và trưng bày tư liệu Mẹ Việt Nam Anh hùng Thành phố Hồ Chí Minh đã khép lại nhưng mỗi khi có điều kiện, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ vẫn tiếp tục tìm đến nhà các Mẹ Việt Nam Anh hùng tại các tỉnh, thành phố miền Nam thực hiện nghiên cứu, sưu tầm hiện vật./.    
TTXVN/Báo ảnh Dân tộc và Miền núi

Có thể bạn quan tâm