Đại dịch COVID-19 bùng phát, mặc dù ảnh hưởng tiêu cực đến mọi hoạt động đời sống, nhưng đây cũng là thời điểm thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số, là giải pháp "cứu cánh" cho nhiều lĩnh vực, trong đó có ngành Giáo dục. Trong lĩnh vực này, chuyển đổi số không chỉ là số hóa bài giảng, mà chuyển đổi từ phương pháp giảng dạy, kỹ thuật quản lý lớp học, tương tác với người học bằng không gian số… Để bắt kịp với thời đại, các trường Đại học đang từng ngày thay đổi, ứng dụng hiệu quả mọi tiện ích của chuyển đổi số để nâng cao chất lượng đào tạo.
Tại buổi tọa đàm “Chuyển đổi số trong giáo dục Đại học: Cách làm và hiệu quả”, vừa được tổ chức tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng, các đại biểu, chuyên gia đến từ các trường Đại học trên cả nước đã thảo luận và chia sẻ các giải pháp liên quan đến chuyển đổi số và ứng dụng chuyển đổi số tại trường Đại học, với mong muốn cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo, giảng dạy.
Chia sẻ về công cuộc chuyển đổi số của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phan Cao Thọ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm 2019, trường đã có cơ hội tham gia dự án EMVITET nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên về dạy học số, với trọng tâm giúp đội ngũ giảng viên hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của giáo dục 4.0. Các thầy, cô giáo đã được tiếp cận và sử dụng các ứng dụng công nghệ số tiên tiến, kết hợp với các phương pháp dạy học tích cực như dạy học theo dự án, dạy học theo nhóm. Việc tham gia thực hiện dự án đã giúp nhà trường có cách nhìn tổng quát, thay đổi nhận thức và tư duy về việc ứng dụng công nghệ số trong công tác tổ chức giảng dạy, kiểm tra, đánh giá người học.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phan Cao Thọ, việc triển khai ứng dụng công nghệ số của Trường đã góp phần nâng cao nhận thức và năng lực số cho cả giảng viên lẫn sinh viên. Giảng viên của nhà trường bước đầu triển khai hiệu quả phương thức dạy học trực tuyến thông qua việc sử dụng hệ thống LMS (Learning Management System), sử dụng các ứng dụng số hỗ trợ dạy học để tăng tính tương tác. Nội dung học được số hóa, học liệu mở phong phú giúp sinh viên chủ động, tích cực hơn trong quá trình học, qua đó thúc đẩy cá nhân chủ động tìm kiếm, học hỏi thêm kiến thức mới, khuyến khích việc tự học, khám phá và sáng tạo của sinh viên. Bên cạnh đó, sử dụng công nghệ trong lớp học giúp người học dễ dàng biểu thị mối quan tâm, sự chú ý, những mong đợi và thái độ tích cực với việc học, qua đó nâng cao chất lượng dạy và học. Ngoài ra, việc chú trọng hợp tác doanh nghiệp cũng giúp nhà trường tiếp tục đổi mới các hoạt động đào tạo, giúp sinh viên nhanh chóng thích nghi với thị trường lao động trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Đưa ra các giải pháp thực hiện chuyển đổi số trong nhà trường, Thạc sĩ Nguyễn Viết Cường, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh cho rằng, các trường cần tăng cường phương thức học tập kết hợp (blended learning), học tập ngược (flipped learning), học theo dự án (project-based learning), áp dụng hình thức học tập thích nghi (adaptive learning) đối với các nội dung đào tạo phù hợp. Đồng thời, các trường cần phát triển hạ tầng, nền tảng, thiết bị và học liệu số; trong đó đầu tư xây dựng nền tảng học liệu số toàn trường theo nguyên tắc kết hợp học liệu mở với xây dựng trao đổi học liệu, hình thành thư viện tài nguyên số, xây dựng một nền tảng số dùng chung cho tất cả các đơn vị; đầu tư thiết bị số, các thiết bị thực tập, phòng thí nghiệm, xưởng thực hành ảo, phòng học thông minh và các thiết bị phát triển học liệu số…
Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Trưởng khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định chia sẻ, nhà trường đã áp dụng chuyển đổi số linh hoạt trong các hoạt động quản lý, giảng dạy, sử dụng những phần mềm hỗ trợ như hệ thống quản lý văn bản và điều hành, phần mềm quản lý nhân sự, phần mềm MISA kế toán và quản lý tài sản... Nhờ đó, lãnh đạo nhà trường có thể xử lý, phê duyệt văn bản, triển khai công việc kịp thời ở mọi lúc, mọi nơi, các đơn vị trong trường giảm bớt được thời gian, chi phí in ấn và chuyển, nhận văn bản, giúp quá trình quản lý, tra cứu thuận tiện và nhanh chóng. Hiện tại, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định đang triển khai xây dựng một số phần mềm hỗ trợ khác như phần mềm thanh toán thừa giờ cho giảng viên, tính công cho nhân viên, điểm danh sinh viên…
Về công tác đào tạo, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định đang triển khai xây dựng hệ thống Quản lý học tập Moodle LMS để quản lý, tổ chức và triển khai các khóa học online. Bên cạnh đó, phần mềm quản lý đào tạo đã được sử dụng từ rất sớm, thực hiện các chức năng từ xếp thời khóa biểu tự động, đăng ký học online, nhập và quản lý điểm, quản lý sỹ số, hồ sơ sinh viên, theo dõi chế độ chính sách, quản lý và thu học phí online,… giúp sinh viên có thể đăng ký rút bớt học phần, xem lịch học, tra cứu điểm tích lũy cá nhân một cách thuận lợi, nhanh chóng. Cán bộ giảng dạy, cán bộ quản lý lớp cũng dễ dàng trong công tác theo dõi quản lý kết quả học tập hàng kỳ của sinh viên. Phần mềm Quản lý thư viện với đầy đủ file mềm giáo trình, tập bài giảng và tài liệu tham khảo nội bộ giúp giảm bớt chi phí in ấn cho giảng viên và sinh viên, cũng như thông tin các đầu sách giấy có trên thư viện giúp sinh viên dễ dàng tra cứu, đăng ký mượn trả online, tiết kiệm nhiều thời gian đi lại và chờ đợi.
Võ Văn Dũng