Chung tay khắc phục hậu quả thiên tai nơi tâm lũ Xuân Minh

Chung tay khắc phục hậu quả thiên tai nơi tâm lũ Xuân Minh

Trong hai ngày (15-16/9), do ảnh hưởng của thiên tai, nhiều địa phương của tỉnh Hà Giang có mưa to đến rất to trong nhiều giờ, kéo theo đó là lũ ống, lũ quét gây thiệt hại cả về người và tài sản. Xã Xuân Minh, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang là địa bàn chịu tác động nặng nề nhất trong đợt lũ này. Nhiều người dân cho biết, đây là trận lũ lớn nhất trong hơn 30 năm qua. Dù lũ đã đi qua vài ngày nhưng công tác khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

Chung tay khắc phục hậu quả thiên tai nơi tâm lũ Xuân Minh ảnh 1Người dân phải khiêng xe máy, đồ dùng qua cầu tràn do dòng nước chảy xiết. Ảnh: Nam Thái - TTXVN

Nhiều tài sản bị thiệt hại do lũ

Khoảng 22 giờ 30 phút ngày 15/9, trên địa bàn xã Xuân Minh có mưa to, gây thiệt hại tài sản, nhà cửa, đường giao thông và cây trồng của người dân. Theo thống kê của UBND xã Xuân Minh, đất đá lở vào nhà đã khiến 5 người bị thương, 41 hộ dân và 1 nhà văn hóa thôn bị thiệt hại; trong đó 17 hộ bị thiệt hại hoàn toàn thuộc thôn Minh Sơn, Lang Cang, Năm Chàng và Pắc Pèng. Ngoài ra, cơ sở vật chất của 3 hợp tác xã và một xưởng sản xuất chè cũng bị cuốn trôi hoàn toàn; 3 hợp tác xã, nhà xưởng bị sạt lở, ngập úng. Mưa lũ kèm theo sạt lở đất, đá đã khiến nhiều ô tô, xe máy bị cuốn trôi, hàng chục tấn chè, hàng chục héc-ta lúa, chè bị thiệt hại.

Chung tay khắc phục hậu quả thiên tai nơi tâm lũ Xuân Minh ảnh 2Người dân phải khiêng xe máy, đồ dùng qua cầu tràn do dòng nước chảy xiết. Ảnh: Nam Thái - TTXVN

Anh Phụng Quầy Luồng, thôn Lang Cang, xã Xuân Minh bần thần nói, sau lũ gia đình anh không còn gì hết, ngôi nhà hai tầng giờ chỉ còn móng nhà. Gia súc, gia cầm cũng bị cuốn theo dòng nước, tài sản tích cóp nhiều năm bị vùi trôn dưới lớp bùn đất.

Cùng chung cảnh ngộ với anh Luồng, chị Dương Thị Sình, thôn Lang Cang đang phải ở nhờ nhà người quen. Chị Dương Thị Sình cho biết, trận lũ vừa qua đã cuốn trôi hết tài sản của gia đình chị. Khi hay tin lũ về, chị Sình chỉ kịp lấy vội chiếc chăn mỏng, ôm theo con rồi lao nhanh ra khỏi nhà. Nhìn dòng nước cuốn trôi tài sản nhưng chị không làm gì được.

Chung tay khắc phục hậu quả thiên tai nơi tâm lũ Xuân Minh ảnh 3Nhiều tuyến đường bị chia cắt do đất đá lở. Ảnh: Nam Thái - TTXVN

Bên cạnh thiệt hại về tài sản, đường giao thông cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Nằm ở độ cao 700 - 800m so với mực nước biển, từ Quốc lộ 279, để lên được xã Xuân Minh phải men theo con đường vòng vèo, khúc khuỷu hơn 20 km, thời tiết đẹp đi đã khó khăn, sau mưa lũ con đường này có đến 30 điểm sạt lở. Nhiều đoạn bị đá tảng chắn ngang đường, lại có khúc bùn lầy vây chặt bánh xe, lún sâu khoảng 30 - 40 cm.

Chung tay khắc phục hậu quả thiên tai nơi tâm lũ Xuân Minh ảnh 4 Người dân bị mất nhà, phải sống cảnh "màn trời chiếu đất". Ảnh: Nam Thái - TTXVN

Vào đến Xuân Minh, đường giao thông còn thiệt hại nặng nề hơn, hầu hết tất cả các con đường từ xã xuống các thôn đều bị tê liệt. Theo UBND xã Xuân Minh, đường bê tông từ thôn Minh Sơn đi vào thôn Nậm Chàng, Phìn Trái, Xuân Thành bị sạt lở, hư hỏng trên 10 km; đường từ ngã ba cầu tràn đi thôn Pắc Pèng bị sạt ta-luy dương và ta-luy âm 3 km; đường từ thôn Nậm On đi thôn Sơn Quang bị sạt lở, hư hỏng nặng…

Kênh mương, ống dẫn nước cũng chịu tác động không nhỏ, hơn 3.000 m ống nước thôn Lang Cang, hơn 1.200 m ống nước thôn Minh Sơn đã bị cuốn trôi; thôn Nậm Chàng bị nước cuốn trôi và đất vùi trên 3.500 m ống dẫn nước; tuyến kênh mương thôn Nậm Chàng bị sạt lở hoàn toàn…

Chung tay khắc phục hậu quả thiên tai nơi tâm lũ Xuân Minh ảnh 5 Những ngôi nhà bị hư hỏng nặng do thiên tai. Ảnh: Nam Thái - TTXVN

Bí thư Đảng ủy xã Xuân Minh Phù Quang Sỹ cho biết, thiệt hại của bà con rất lớn. Một số hộ trắng tay sau lũ, không còn tài sản, nhà cửa, có những hộ, mất toàn bộ diện tích canh tác.

Nỗ lực khắc phục hậu quả thiên tai

Thiên tai xảy ra là điều không ai mong muốn, điều mà những người dân nơi đây mong mỏi nhất là nhanh chóng khắc phục hậu quả của cơn lũ để trở lại cuộc sống sinh hoạt thường nhật. Chị Dương Thị Sình, thôn Lang Cang, xã Xuân Minh bày tỏ mong muốn chính quyền có phương án hỗ trợ người dân có chỗ ăn, nghỉ tạm thời để bà con an tâm, từng bước khắc phục hậu quả thiên tai.

Chung tay khắc phục hậu quả thiên tai nơi tâm lũ Xuân Minh ảnh 6Máy múc nạo vét lòng sông để ngăn nước tràn lên mặt cầu tràn, giúp giao thông được lưu thông. Ảnh: Nam Thái - TTXVN

Theo Bí thư Đảng ủy xã Xuân Minh Phù Quang Sỹ, một ngày sau lũ về (ngày 16/9), cấp ủy, chính quyền địa phương đã tập trung chỉ đạo cán bộ công chức, viên chức đi vào tận thôn để nắm tình hình; đồng thời hỗ trợ mì ăn liền, nước uống cho các hộ dân. Tuy nhiên, do địa bàn khó khăn, giao thông bị chia cắt, không có sóng điện thoại nên gần như không thể liên lạc được.

Về công tác hỗ trợ người dân sau lũ, ông Phù Quang Sỹ cũng chia sẻ, khó khăn đối với địa phương là việc chọn nơi tái định cư cho người dân, bởi địa hình xã Xuân Minh có độ dốc cao nên gần như không còn quỹ đất. Dù vậy, chính quyền địa phương đã chỉ đạo các đoàn thể, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân huy động hội viên, đoàn viên sẵn sàng hỗ trợ nếu bà con có nhu cầu làm lại nhà.

Chung tay khắc phục hậu quả thiên tai nơi tâm lũ Xuân Minh ảnh 7Máy móc hỗ trợ san gạt đất đá lở, giúp giao thông được lưu thông. Ảnh: Nam Thái - TTXVN

Theo UBND xã Xuân Minh, cấp ủy, chính quyền địa phương đã trực tiếp xuống các thôn để hỗ trợ ban đầu tiền mặt và nhu yếu phẩm; đồng thời vận động người dân hỗ trợ lẫn nhau khắc phục hậu quả thiên tai. Đại diện UBND huyện Quang Bình, các đoàn thể cũng đã đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ tiền mặt đối với các hộ bị thiệt hại. Cùng với đó là sự chung tay, hỗ trợ của một số đoàn thiện nguyện đã tới chia sẻ, hỗ trợ đồng bào trong lúc gặp khó khăn.

Chính quyền địa phương đã và đang phối hợp cùng các đơn vị, người dân san gạt đất đá, dọn đường. Công tác khắc phục hậu quả thiên tai vẫn đang được khẩn trương thực hiện với mong muốn cuộc sống trở lại bình thường sau lũ, để bà con an tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế.

Nam Thái

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm