Nhiều cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng mới. Ảnh: Văn Tý - TTXVN |
Xã Thái Hòa có 24 thôn với trên 9.400 nhân khẩu, kinh tế chủ yếu là nông, lâm nghiệp với quy mô nhỏ, lẻ. Thời điểm bắt đầu xây dựng nông thôn mới, Thái Hòa mới chỉ đạt 5/19 tiêu chí, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 11,3%, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt khoảng 14 triệu đồng/năm, cơ sở hạ tầng yếu kém, thiếu đồng bộ.
Ông Ngô Minh Hòa - Bí thư Đảng ủy xã Thái Hòa, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới chia sẻ: Xuất phát điểm thấp, cán bộ cũng chưa có kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới vì vậy việc đưa ra chỉ tiêu hoàn thành nông thôn mới trong năm 2017 thực sự là một thử thách lớn với toàn bộ chính quyền, nhân dân xã Thái Hòa. Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận rất cao trong người dân, quy chế dân chủ ở cơ sở được phát huy cao nhất, từ việc nhỏ tới việc lớn đều được công khai bàn bạc rồi mới đưa ra quyết định nên người dân thực sự là trung tâm trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Ngoài việc đóng góp tiền của, ngày công lao động, nhiều hộ gia đình dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn tình nguyện hiến đất làm đường bê tông, nhà văn hóa.
Hệ thống giao thông được nhựa hóa. Ảnh: Văn Tý – TTXVN |
Tại thôn Đồng Chằm, người dân còn góp tiền xây dựng nhà văn hóa, kéo đường điện “Thắp sáng đường quê”. Ông Nguyễn Văn Sinh - Trưởng thôn Đồng Chằm cho biết, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới người dân trong thôn tích cực tham gia đóng góp xây dựng các công trình hạ tầng, tiêu biểu như kéo đường điện thắp sáng đường quê. Hay như việc xây dựng nhà văn hóa, mặc dù kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng bà con cũng nhiệt tình đóng góp, người góp 300.000 đồng, có người góp tới 18 triệu đồng đến nay thôn đã có nhà văn hóa đảm bảo chỗ ngồi cho 154 người, có đầy đủ âm thanh, loa đài, quạt trần.
Thái Hòa hôm nay thực sự đã “thay da đổi thịt”, hơn 63 km đường liên xã, liên thôn, đường nội đồng được bê tông hóa, hệ thống kênh mương được sửa sang kiên cố hóa đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp của người dân. Cơ sở hạ tầng được đầu tư hoàn thiện, người dân chủ động mở rộng sản xuất theo quy mô lớn theo hướng phát huy lợi thế tự nhiên của vùng. Tiêu biểu là mô hình nuôi cá lồng đặc sản thu hút 16 hộ tham gia, trong đó có hộ thu nhập từ 170 đến 250 triệu đồng/năm.
Ông Nguyễn Văn Bình - Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi cá đặc sản Thái Hòa cho biết, hiện hợp tác xã có 96 lòng cá chiên đặc sản. Từ nguồn vốn hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, Hợp tác xã đầu tư 100 triệu đồng để tu sửa lồng và mua cá giống. Nhờ giao thông đi lại thuận lợi nên phần lớn sản phẩm của Hợp tác xã được thương lái về tận nơi thu mua, thu nhập xã viên được nâng cao, có hộ thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Dự kiến đầu năm 2018, Hợp tác xã sẽ mở rộng thêm 20 lồng cá đặc sản.
Khám bệnh cho người dân. Ảnh: Văn Tý – TTXVN |
Bên cạnh các tiêu chí về giao thông, giáo dục, y tế... xã Thái Hòa cũng đặc biệt chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm. Xã đã ký hợp đồng với Công ty môi trường đô thị để thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn, rác thải sinh hoạt cho các khu dân cư trên địa bàn xã, hỗ trợ người dân xây dựng 500 nhà tiêu hợp vệ sinh… Công tác khám chữa bệnh ban đầu cho người dân cũng được chú trọng, hơn 85% người dân tham gia bảo hiểm y tế.
Bí thư Đảng ủy xã Thái Hòa, ông Ngô Minh Hòa chia sẻ: Hiện nay, xã cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới, đời sống của người dân nâng lên mọi mặt, trong đó thu nhập bình quân người dân trong xã tăng lên gấp đôi, từ 14 triệu đồng (năm 2011) lên 27 triệu đồng (năm 2017), tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 4,4%. Đạt chuẩn nông thôn mới là cả một chặng đường đầy khó khăn vất vả, để duy trì và phát huy được những “chuẩn” đó lại càng khó hơn. Vì vậy, trong quá trình hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới, chính quyền xã cũng đã xây dựng kế hoạch để duy trì kết quả đạt được với mục tiêu nâng cao đời sống của nhân dân cả về vật chất lẫn tinh thần.
Nguyễn Văn Tý