Chủ tịch nước dự Lễ kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng

 Chủ tịch nước dự Lễ kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng

Trong không khí chào mừng kỷ niệm 78 năm Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2/9, tối 19/8, tại thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8/1888 – 20/8/2023). Dự buổi lễ có Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; các nguyên Chủ tịch nước: Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang, Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi lẵng hoa chúc mừng.

Cùng dự lễ kỷ niệm có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các cơ quan Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh An Giang qua các thời kỳ; các Mẹ Việt Nam anh hùng, các đồng chí lão thành cách mạng, Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới cùng đông đảo người dân An Giang.

 Chủ tịch nước dự Lễ kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng ảnh 1Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trao quà của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi tặng Đảng bộ, nhân dân tỉnh An Giang. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN

Chủ tịch Tôn Đức Thắng sinh ngày 20/8/1888 tại cù lao Ông Hổ, thuộc làng An Hòa, tổng Định Thành nay là xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước.

Với lòng yêu nước nồng nàn, khi làm công nhân, đồng chí đã thành lập Công hội bí mật - tổ chức công hội đầu tiên của giai cấp công nhân nước ta. Đồng chí đã lãnh đạo, tổ chức nhiều cuộc đấu tranh; điển hình là cuộc bãi công ở Ba Son, đánh dấu bước phát triển mới về tính tổ chức của giai cấp công nhân Việt Nam.

Tại Sài Gòn, đồng chí tham gia Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội và nhanh chóng mở rộng phạm vi hoạt động ra các tỉnh lân cận. Cuối năm 1929, đồng chí bị thực dân Pháp bắt giam và đày ra Côn Đảo. Dù chịu cực hình tàn bạo của chế độ nhà tù thực dân, nhưng đồng chí vẫn luôn giữ trọn khí tiết và niềm tin vào con đường cách mạng, đồng thời cùng với những chiến sĩ trung kiên khác “biến nhà tù thành trường học Cộng sản” và thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Côn Đảo.

 Chủ tịch nước dự Lễ kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng ảnh 2Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Lễ kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN

Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, từ Côn Đảo trở về, đồng chí tích cực tham gia ngay cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Năm 1946, đồng chí được điều động ra Hà Nội công tác bên cạnh Bác Hồ, sau đó được Trung ương Đảng giao nhiều trọng trách quan trọng. Tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa II (tháng 7/1960), đồng chí được bầu làm Phó Chủ tịch nước. Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu “về cõi vĩnh hằng”, tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa III, đồng chí được bầu làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Gần 70 năm liên tục tham gia hoạt động cách mạng, Chủ tịch Tôn Đức Thắng là tấm gương sáng ngời về lòng yêu nước, là người bạn chiến đấu thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, luôn tận tụy với sự nghiệp cách mạng, anh dũng bất khuất, khiêm tốn giản dị, yêu thương đồng chí, được nhân dân kính trọng gọi là Bác Tôn.

 Chủ tịch nước dự Lễ kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng ảnh 3Đồng chí Lê Hồng Quang, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ An Giang đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang nhắc lại lời phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại lễ trao tặng Huân chương Sao Vàng cho Bác Tôn: “Đồng chí Tôn Đức Thắng là một gương mẫu đạo đức cách mạng: suốt đời cần, kiệm, liêm, chính; suốt đời hết lòng, hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”.

Trải qua hơn 93 năm từ khi có Đảng Cộng sản lãnh đạo, Đảng bộ và nhân dân An Giang kế thừa, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc; noi gương Chủ tịch Tôn Đức Thắng, luôn đoàn kết, phấn đấu hoàn thành tốt mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng. Từ tỉnh thiếu lương thực trong những năm 1975 sau giải phóng, đến nay, An Giang trở thành một trong các tỉnh đứng đầu cả nước về sản lượng nông nghiệp, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh lương lực quốc gia và xuất khẩu; tốc độ tăng trưởng kinh tế được duy trì, khôi phục và phát triển; thu nhập và đời sống của người dân ngày càng được nâng lên.

 Chủ tịch nước dự Lễ kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng ảnh 4Một tiết mục văn nghệ trong Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Ảnh: Công Mạo - TTXVN

Ôn lại cuộc đời hoạt động cách mạng và những cống hiến to lớn của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh An Giang nguyện đoàn kết một lòng, nêu cao ý chí tự lực tự cường, phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, xây dựng tỉnh nhà ngày càng giàu đẹp – văn minh, như kỳ vọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua những câu thơ đề tặng An Giang nhân dịp về thăm, làm việc năm 2018:

“An Giang đã nói là làm,
Đã đi là đến, đã bàn là thông;
Đã quyết là dốc một lòng,
Quê hương vẫy gọi, Đảng mong, dân chờ”.

Tại buổi lễ, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã trao quà của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tặng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh An Giang.

 Chủ tịch nước dự Lễ kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng ảnh 5Hoạt cảnh sân khấu tại Lễ kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN

Lễ kỷ niệm diễn ra với các tiết mục hoạt cảnh sân khấu đặc sắc, tái hiện cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, trong đó có hoạt cảnh: Trí trai một gánh sơn hà; treo cờ trên biển Hắc Hải; Bác Tôn trở về nước hoạt động cách mạng và bị giặc Pháp bắt đày ra Côn Đảo; Cách mạng tháng Tám thành công; cuộc đời hy sinh cống hiến cho độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội.

Sau các hoạt cảnh là Chương trình nghệ thuật với chủ đề: An Giang - Khát vọng thăng hoa.

Công Mạo

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm