Về Việt Nam, anh lựa chọn đến với bà con dân tộc vùng núi phía Bắc . Ảnh: NVCC |
Việt Nam - vị trí đặc biệt trong tim Nguyễn Hoài Tiến sinh ra tại quận Cam, California (Mỹ), nơi có rất đông người Việt sinh sống nhưng do hoàn cảnh gia đình, từ nhỏ Tiến không được dạy tiếng Việt. “Ấn tượng về Việt Nam của mình lúc còn nhỏ là hình chữ S khi bố vẽ trên giấy, mẹ nói về cách ăn cơm bằng đũa… Tuy nhiên, mọi thứ rất mơ hồ, không rõ ràng”, Tiến kể lại. Thay đổi mang tính bước ngoặt trong cuộc đời Tiến là vào năm 2008, khi trở về thăm Việt Nam lần đầu tiên. Nơi quê nhà, chàng trai trẻ nhìn thấy bố - người đàn ông mạnh mẽ nhất trong gia đình bật khóc. Sự xúc động của bố mẹ dành cho nguồn cội đã khiến anh nhận ra vị trí thật đặc biệt của Việt Nam trong tim mình. "Năm 2008 cũng là lần đầu tiên bố mẹ được về thăm quê hương kể từ khi ra đi. Trở về thăm lại mái nhà xưa, bố mẹ đều bật khóc. Mình chưa bao giờ thấy bố mẹ xúc động như vậy. Đó là giây phút mình sẽ nhớ mãi trong cuộc đời và ngay lúc đó mình nhận ra, Việt Nam rất đặc biệt trong trái tim mình”, Tiến nhớ lại. Sau chuyến đi đó, Nguyễn Hoài Tiến trở về Mỹ và quyết tâm học tiếng Việt với mong muốn hiểu rõ hơn về văn hóa, xã hội, về con người, đất nước Việt Nam, nơi quê hương, nguồn cội của mình. Ý nghĩ được trở về, sống và làm việc tại Việt Nam để cống hiến cho đất nước từ đấy luôn thường trực trong tâm trí chàng trai trẻ. Năm 2012, nhân chuyến công tác, Nguyễn Hoài Tiến về Việt Nam với tư cách chuyên gia tư vấn hướng phát triển cho vùng đồng bằng sông Cửu Long đang chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Với nền tảng tiếng Việt sẵn có, cùng với việc tiếp xúc với các bạn trẻ, nông dân, ngư dân… trong quá trình làm việc đã giúp Tiến hiểu rõ hơn về con người, xã hội, văn hóa Việt Nam. “Những trải nghiệm làm mình thấy ngày càng gắn bó với Việt Nam hơn. Sau năm 2012, mỗi năm mình về Việt Nam một lần, mỗi lần khoảng 1 tháng”, Tiến chia sẻ.Tạo sinh kế bền vững cho bà con dân tộc Năm 2014, Tiến về Việt Nam thành lập công ty tư vấn phát triển nông nghiệp bền vững. Sau một quá trình làm dự án liên quan đến hoạt động giao đất, giao rừng cho bà con dân tộc thiểu số, anh quyết định quay trở lại vùng cao để đầu tư phát triển nên các chuỗi sản phẩm truyền thống, gắn liền bản sắc văn hóa của người dân địa phương. Cụ thể, anh sưu tầm, phổ biến lại giống ngô bản địa của của bà con đồng bào dân tộc Nùng, Mông...; đầu tư mở rộng canh tác. Anh cũng tham gia một số dự án cùng chính quyền địa phương, nhất là các chính sách để bảo tồn các giống truyền thống của các địa phương vùng cao... “Hiện nay, mình đang làm việc cùng bà con với mong muốn nâng cao năng lực của bà con để có thể thành lập, vận hành một hợp tác xã hiệu quả hơn, có thể tự quản lý tài chính, đưa ra những dự án và tự kêu gọi đầu tư”, Tiến cho biết. Theo Nguyễn Hoài Tiến, hiện nay vùng dân tộc thiểu số có nhiều sản phẩm văn hóa, nông sản tiềm năng chưa được khai thác hết. Vì thế để phát triển sinh kế bền vững cho đồng bào thì cần xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm này để tiếp cận thị trường trong nước và nước ngoài, khiến họ tự hào hơn với văn hóa của họ nâng cao giá trị thương hiệu quốc gia trên thị trường thế giới. Qua nghiên cứu, tìm hiểu, Tiến đang ấp ủ một dự án về sản xuất một loại rượu whisky từ giống ngô bản địa của Việt Nam. “Các chuyên gia đánh giá cao về tính khả thi của dự án vì chất lượng ngô bản địa rất cao. Hiện nay mình đã xây dựng được vùng ngô bản địa khoảng 15 ha ở vùng Simacai (Lào Cai). Sau khi kêu gọi đầu tư, công ty mình sẽ chuyển giao công nghệ, bàn giao máy móc hiện đại và chỉ dẫn bà con làm”, Tiến hào hứng chia sẻ. Được sự ủng hộ của bố mẹ và gia đình, Tiến quyết tâm sẽ thực hiện thành công dự án này. Trong tương lai, Tiến mong muốn dự án tiếp tục được lan tỏa tại nhiều địa phương trong cả nước như Tây Nguyên, các tỉnh Tây Bắc… để bà con dân tộc bớt khó khăn, vươn lên làm giàu. Một mùa Xuân mới đang về, mùa của những sự khởi đầu tốt đẹp và may mắn. Với tình cảm sâu sắc dành cho quê hương và quyết tâm của sức trẻ, Nguyễn Hoài Tiến cũng như rất nhiều các bạn trẻ khác đang cùng chung tay có những đóng góp thiết thực để từng miền quê Việt Nam phát triển.
Phương Phương