Vắng học viên
3 năm trở lại đây, Trường Trung cấp nghề Giao thông Vận tải Hà Nội không tuyển được học sinh. “Nhiều giáo viên đã xin nghỉ việc. Các máy móc ở đây đều trong tình trạng đắp chiếu. Phần lớn cơ sở vật chất và trang thiết bị của trường đã cho các đơn vị đào tạo khác thuê lại”, ông Doãn Quốc Hưng, Hiệu phó Trường Trung cấp nghề Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết. Trung tâm dạy nghề quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cũng không có học viên nên máy móc cũng phủ đầy bụi. Bà Cao Ngọc Dung (Trung tâm dạy nghề quận Hai Bà Trưng) cho biết: “Vài năm gần đây, học viên học nghề rất ít. Từ đầu năm đến nay lớp ngắn hạn chỉ tuyển được khoảng 20 người…
Một lớp nghề hàn Trường cao đẳng công nghiệp Hải Phòng chỉ có lác đác vài học sinh theo học.
|
Tương tự, hơn 6 năm nay, Trung tâm Giáo dục kỹ thuật tổng hợp, hướng nghiệp Bắc Giang (thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) cũng không có học viên.
Dù là 1/45 trường được đầu đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng cao với cơ sở vật chất, máy móc thực hành hiện đại, nhưng phải rất chật vật Trường Cao đẳng nghề cơ điện Hà Nội mới tuyển đủ 1.200 học viên. Đánh giá chung về nguyên nhân các trường nghề tuyển được ít học viên, ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề cơ điện Hà Nội cho rằng do điểm sàn tuyển đại học thấp, nên học sinh tốt nghiệp THPT đều muốn vào đại học.
Theo Tổng cục dạy nghề, năm 2015, có 6/63 tỉnh, thành không tuyển được học viên hệ cao đẳng nghề, gồm tỉnh Lai Châu, Cao Bằng, Quảng Trị, Kon Tum, Bình Phước, Bắc Kạn. Có 5 tỉnh chỉ tuyển được khoảng trên dưới 20 học viên/năm nên không đủ để tổ chức đào tạo. Trong giai đoạn 2011 - 2015, chỉ cấp phép thành lập mới 16 trường cao đẳng nghề và 19 trường trung cấp nghề. Tuy nhiên, có tới 14 trường cao đẳng nghề mới thành lập này không tuyển được học sinh.
Đẩy nhanh sáp nhập
Cả nước có 469 trường đào tạo nghề thuộc quản lý của nhiều cơ quan chủ quản khác nhau. Dù Bộ LĐTBXH đã phối hợp các đơn vị tổ chức rà soát, sắp xếp, đánh giá lại các cơ sở nghề nghiệp, nhưng đến nay các địa phương mới chỉ dừng lại ở việc rà soát 45 trường cao đẳng, 87 trường trung cấp nghề. Việc sáp nhập các trường nghề hoạt động chưa hiệu quả thời điểm này vẫn đang chờ các cơ quan chủ quản tính toán.
Theo đại diện Trung tâm Dạy nghề và giáo dục thường xuyên quận Kiến An (Hải Phòng), việc sáp nhập khó do không sắp xếp được bộ máy quản lý. Trong khi các trung tâm này chỉ còn vài người làm hành chính giấy tờ. Nhiều trung tâm không có nổi giáo viên chuyên môn để dạy nghề, nên khi có người đăng ký học, phải phối hợp với một trường cao đẳng nghề trên địa bàn để gửi học sinh đi đào tạo.
Theo ông Huỳnh Văn Tí, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, việc quy hoạch mạng lưới cơ sơ sở dạy nghề theo định hướng phát triển của từng vùng, miền góp phần phát triển nguồn nhân lực. Do vậy, việc sắp xếp lại các cơ sở dạy nghề sớm triển khai. Tổng cục dạy nghề và các địa phương tiếp tục đẩy nhanh việc sáp nhập, đồng thời thời gian tới không mở thêm trường công; ủng hộ việc mở thêm trường tư với mục tiêu phi lợi nhuận.
“Để thực hiện tốt hoạt động dạy nghề trong thời gian tới, Bộ LĐTBXH sớm trình Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp; tổ chức xây dựng kế hoạch tuyển sinh bám sát với tình hình thực tế và nhu cầu học nghề của xã hội; liên kết đào tạo với các doanh nghiệp, đào tạo lao động theo nhu cầu của doanh nghiệp và ký hợp đồng đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp gắn với giải quyết, bố trí việc làm và có thu nhập. Về phía các trường nghề cũng cần chú trọng nâng cao kỹ năng nghề và đào tạo ngoại ngữ...”, ông Huỳnh Văn Tí cho biết.
Báo Tin Tức