UBND tỉnh Kon Tum vừa có văn bản gửi Tổng công ty Điện lực miền Trung về việc chậm đầu tư xây dựng trạm biến áp 110 kV Đăk Glei và đường dây 110 kV Bờ Y- Đăk Glei. Đây là năm thứ 2 liên tiếp UBND tỉnh Kon Tum kiến nghị vấn đề này. Việc chậm triển khai dự án đang làm chính quyền địa phương, doanh nghiệp và nhiều người dân lo lắng.
Huyện vùng biên Đăk Glei hiện có 18 dự án thủy điện với tổng công suất hơn 180 MW. Tuy nhiên, đến nay, chỉ có 1 dự án thủy điện Đăk Pru 1 với công suất 7MW đã phát điện, còn lại 17 dự án vẫn đang triển khai cầm chừng. Nguyên nhân vì các công trình lưới điện 110 kV, 220 kV chưa được đầu tư theo tiến độ, quy hoạch làm ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế - xã hội, cuộc sống của người dân hưởng lợi từ vùng dự án.
Theo ông Nguyễn Đình Nguyên, Chủ tịch UBND xã Đăk Choong, huyện Đăk Glei, việc chậm triển khai trạm biến áp 110 kV Đăk Glei và đường dây 110kV Bờ Y- Đăk Glei cũng làm 3 dự án thủy điện trên địa bàn xã chậm theo. Việc này đã ảnh hưởng lớn hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân vùng dự án. Người dân không tiếp tục đầu tư sản xuất làm lãng phí đất đai, đời sống kinh tế khó khăn. Bên cạnh đó, việc chậm triển khai trạm biến áp và đường dây nói trên ảnh hưởng gián tiếp đến kế hoạch đào tạo, tạo việc làm tại chỗ cho người dân tộc thiểu số ở địa phương. Bởi, thời gian qua, chính quyền đã đưa nhiều lao động ở địa phương đi đào tạo để phục vụ cho dự án thuỷ điện nhưng cả 3 dự án trên địa bàn xã đều chậm triển khai.
Anh A Chối ở làng Kon Riêng, xã Đăk Choong, huyện Đăk Glei bộc bạch: “Trong lúc chờ dự án, nhiều thanh niên ở làng Kon Riêng phải tự tìm việc làm, chuyển sang lao động tự dự. Tôi hy vọng các dự án thủy điện sớm hoạt động để tạo việc làm, ổn định cuộc sống của người dân vùng dự án”.
Về phía Nhà máy tuyển quặng Đăk Blô, Giám đốc điều hành Nguyễn Đức Khang bày tỏ bức xúc vì sự thiếu ổn định của lưới điện, ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất của doanh nghiệp. Ông Khang cho biết, vào giờ cao điểm, khi thủy điện Đăk Pru 1 phát, điện áp khu vực nhà máy nâng cao. Việc này ảnh hưởng đến thiết bị điện trong nhà máy như cháy bóng chiếu sáng, hỏng thiết bị điện tử. Khi thuỷ điện không phát, điện áp lại rất thấp làm ảnh hưởng đến việc sản xuất của nhà máy.
“Tôi mong ngành điện sớm quan tâm đầu tư hệ thống truyền tải lưới điện để ổn định sản xuất của người dân và doanh nghiệp, từ đó tạo tiền đề phát triển kinh tế địa phương, thu hút doanh nghiệp đầu tư, góp phần bảo vệ giữ vững an ninh chính trị vùng biên giới”, ông Nguyễn Văn Tứ, Phó trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Đăk Glei chia sẻ.
Liên quan đến việc này, Công ty Điện lực Kon Tum vừa có văn bản gửi Tổng công ty Điện lực miền Trung về việc triển khai đầu tư xây dựng dự án trạm biến áp 110 kV Đăk Glei và đấu nối (vào trạm biến áp 110kV, đường dây của nhà máy điện gió Tân Tấn Nhật đã thực hiện và dự kiến đưa đóng điện vận hành vào quý IV/2021).
Điện lực Kon Tum đánh giá, khi dự án điện gió đóng điện vận hành, việc triển khai đầu tư xây dựng dự án trạm biến áp 110kV Đăk Glei và đấu nối là cần thiết và phù hợp, góp phần đáp ứng nhu cầu phụ tải điện phát triển mạnh ở 2 huyện vùng biên Ngọc Hồi và Đăk Glei.
Dự án sẽ tăng khả năng liên lạc cung cấp điện giữa 3 huyện Ngọc Hồi, Đăk Glei, Tu Mơ Rông và các khu vực lân cận, góp phần giảm bán kính cung cấp điện, giảm tổn thất điện năng của khu vực từ 6,2% xuống 2,48%.....Việc đấu nối vào đường dây của điện gió sẽ giảm chi phí đầu tư xây dựng chiều dài đường dây từ 28,3 km theo quy hoạch xuống còn 16 km.
Trước đó, năm 2017, Bộ Công Thương đã quy hoạch dự án đầu tư xây dựng trạm biến áp 110 kV Đăk Glei và đường dây 110kV Bờ Y- Đăk Glei nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo tiến độ đầu tư của các dự án thủy điện và nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cho phụ tải huyện biên giới Đăk Glei. Theo đúng tiến độ, dự án hoàn thành và đưa vào vận hành năm 2018.
Cao Nguyên