Ngày 25/6, ông A Byot, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum, cho biết, đơn vị vừa có văn bản thông báo về hiện tượng làm giả Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Sở Tài nguyên và Môi trường gửi văn bản đến Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh) để điều tra, xử lý hành vi làm giả Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Theo đó, trong quá trình đăng ký đất đai, công chứng các hợp đồng, giao dịch về đất đai, nhà ở, cán bộ Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Kon Tum và người dân đã phát hiện hai trường hợp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có dấu hiệu giả mạo mang tên Hồ Thị Hạnh, sinh năm 1973, thường trú tại Tổ 9, phường Duy Tân, thành phố Kon Tum. Trong đó, một Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CE 535730, số vào sổ cấp giấy CH045469 do Ủy ban nhân dân thành phố Kon Tum cấp; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn lại số CV 484356, số vào sổ cấp giấy CH05146 do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cấp.
Phát hiện vụ việc, Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Kon Tum đã thu giữ các bộ hồ sơ liên quan đến Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có dấu hiệu làm giả. Sau đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh gửi văn bản đề nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra của Công an tỉnh phối hợp để điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm các đối tượng có liên quan. Tuy nhiên, một số hồ sơ đã bị các đối tượng mang đi, còn trôi nổi trên thị trường.
Ông A Byot cho biết, qua tìm hiểu của cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, hiện nay, trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo… xuất hiện nhiều tài khoản quảng cáo về việc làm giả các loại giấy tờ, trong đó có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Việc này gây hoang mang trong dư luận.
“Những năm gần đây, năm nào cũng xảy ra 2 - 3 trường hợp sử dụng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có dấu hiệu giả để giao dịch được phát hiện. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn đã có 3 trường hợp, cùng với nhiều quảng cáo làm giả giấy tờ trên mạng xã hội, nên Sở đã có văn bản thông báo cho người dân. Sở yêu cầu Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai các huyện, thành phố khi thực hiện đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cần phải kiểm tra, đối chiếu với hồ sơ địa chính về thông tin Giấy chứng nhận đang lưu hành để xử lý, giải quyết hồ sơ hợp quy định”, ông A Byot thông tin thêm.
Ông Trịnh Ngọc Hiểu, Phó Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Kon Tum, cho biết, hiện nay, ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, ngành chức năng đã có máy soi để xác định Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là thật hay giả. Tuy nhiên, tỉnh Kon Tum hiện vẫn chưa có máy này. Để xác định thật hay giả, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của cán bộ tiếp nhận, thẩm định hồ sơ hoặc do người dân phát hiện, trình báo.
“Đa số các sổ có dấu hiệu làm giả dựa trên một Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thật. Cách phân biệt rõ nhất là dựa vào màu của phôi Giấy chứng nhận và font chữ series in trên bìa", ông Trịnh Ngọc Hiểu phân tích.
Trước sự bùng nổ về công nghệ làm giả giấy tờ, cùng hệ thống quảng cáo rộng rãi trên các nền tảng mạng xã hội, người dân trong tỉnh Kon Tum cần chú ý đến những dấu hiệu làm giả của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong quá trình giao dịch theo khuyến cáo của cơ quan chức năng để tránh tình trạng rơi vào “bẫy” của các đối tượng làm giả Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Dư Toán