Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến trả lời phỏng vấn của Báo ảnh Dân tộc và Miền núi (TTXVN). Ảnh: Lê Anh |
* Thưa Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến, công tác giảm nghèo bền vững đối với vùng DTTS và MN là nhiệm vụ hết sức cấp bách và lâu dài. Xin ông cho biết quan điểm của UBDT đối với vấn đề giảm nghèo bền vững ở vùng đồng bào DTTS và MN cùng những giải pháp của UBDT tham mưu cho Chính phủ trong thời gian tới nhằm nâng cao đời sống kinh tế cho đồng bào dân tộc, thu hẹp khoảng cách phát triển ra sao? - Giảm nghèo bền vững là chính sách xuyên suốt của Đảng và Nhà nước, thể hiện quan điểm, tính nhân văn sâu sắc. Giai đoạn 2016-2018, các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị đã nỗ lực cao độ cho công tác giảm nghèo và thu được những kết quả quan trọng. Có thể điểm lại các chỉ số đáng chú ý như: hằng năm tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm 3-4% và tính đến cuối năm 2017 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 28,45%; có 8 huyện thoát khỏi huyện nghèo; 14 huyện thoát khỏi huyện hưởng cơ chế như huyện nghèo; 34 xã thoát ra khỏi xã thuộc diện đầu tư theo Chương trình 135, đạt chỉ tiêu Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đề ra.
Tuy vậy, tình trạng thoát nghèo chưa thật bền vững. Nhiều hộ gia đình chỉ cần gặp biến cố nhỏ (ốm đau đột xuất, bị thiên tai, bão lũ, mất mùa...) lại rơi vào diện tái nghèo. Đó là điều trăn trở, đang làm những người làm công tác dân tộc day dứt.
Nhận thức sâu sắc thách thức như trên, trong thời gian tới, UBDT sẽ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm là: + Tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng ở vùng DTTS và MN, trước hết là giao thông, thông tin liên lạc để kết nối vùng DTTS và MN với vùng phát triển nhằm thu hút đầu tư, kết nối tiêu thụ sản phẩm do nhân dân sản xuất ra. + Tiếp tục giải quyết cơ bản vấn đề về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, dạy nghề, tạo sinh kế cho đồng bào có thu nhập ổn định đảm bảo đời sống một cách bền vững. + Tiếp tục đầu tư vốn để quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư, đưa hộ dân tộc thiểu số ra khỏi vùng nguy hiểm, phòng tránh thiên tai, giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra. + Tiếp tục đầu tư phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cho vùng DTTS và MN. + Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để đồng bào DTTS và MN khắc phục tính tự ti, thụ động trông chờ... vượt qua khó khăn trở ngại về điều kiện tự nhiên không thuận lợi, nỗ lực phấn đấu vươn lên. + Tham mưu để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và MN một cách thiết thực, theo hướng tích hợp, thu gọn đầu mối quản lý, hỗ trợ có điều kiện, giảm cho không, tăng cho vay để đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện và ý chí vươn lên giảm nghèo bền vững.
Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy Ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Hải Anh tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học giỏi tại trường Phổ thông DTNT tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: bandantoc.tuyenquang.gov.vn
|
* Thưa Bộ trưởng, đầu tư phát triển chất lượng nguồn nhân lực là vấn đề liên quan trực tiếp đến sự phát triển của vùng đồng bào DTTS và MN. Xin ông cho biết quan điểm của UBDT về vấn đề này và những kế hoạch của UBDT tham mưu cho Chính phủ để có những chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút và khuyến khích cán bộ, trí thức gắn bó lâu dài với vùng đồng bào DTTS và MN? - Chúng tôi nhận thức sâu sắc vai trò quan trọng của việc nâng cao mặt bằng dân trí, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố nền tảng, quyết định để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững vùng DTTS và MN. Trong thời gian tới, Ủy ban Dân tộc sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành hữu quan, thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ sau:
+ Tiếp tục quy hoạch, mở rộng hệ thống trường Phổ thông dân tộc nội trú, trường Phổ thông dân tộc bán trú; hỗ trợ kinh phí, gạo cho các em thuộc hộ DTTS nghèo có điều kiện học tập nâng cao trình độ.
+ Đánh giá đúng đắn thực trạng các trường dạy nghề cho con em DTTS để có sự điều chỉnh phù hợp, theo hướng sau học nghề phải kiếm được việc làm, khắc phục tình trạng có thầy nghề nào, dạy nghề ấy, học nghề song không tìm được việc làm.
+ Đẩy nhanh việc nghiên cứu, tham vấn ý kiến các nhà khoa, các nhà quản lý, các Bộ, ngành địa phương để sớm trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định ban hành 2 Đề án: Đào tạo Tiến sỹ, Thạc sỹ cho người DTTS bằng nguồn ngân sách nhà nước và Cơ chế đặc thù tuyển dụng công chức, viên chức người DTTS công tác ở vùng DTTS và MN trong hệ thống chính trị.
+ Tích cực triển khai thực hiện Đề án, bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho công chức, viên chức trong hệ thống chính trị theo Quyết định 771/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
+ Triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 52/NQ-CP ngày 15 tháng 6 năm 2016 của Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030.
* Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Hoàng Tâm - Anh Đào