Ngày 29/12, xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh (thành phố Cần Thơ) tổ chức lễ đón nhận danh hiệu xã nông thôn mới nâng cao năm 2021. Đây là xã thứ 7 của Cần Thơ hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao trong năm 2021.
Đại diện lãnh đạo xã Thạnh An nhận Quyết định và Bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2021. Ảnh: Thanh Liêm – TTXVN
Theo kế hoạch hồi đầu năm, Cần Thơ sẽ có 4 xã nông thôn mới nâng cao. Đến nay, có 7 xã hoàn thành mục tiêu gồm: Nhơn Nghĩa, Giai Xuân (huyện Phong Điền); Đông Hiệp, Trung Hưng (huyện Cờ Đỏ); Trường Thắng, Đông Thuận (huyện Thới Lai) và Thạnh An (huyện Vĩnh Thạnh), nâng tổng số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao của Cần Thơ lên 17/36 xã.
Thạnh An là xã vùng sâu của Cần Thơ, cách trung tâm thành phố gần 90 km; đặc biệt, cư dân sinh sống trên địa bàn xã có 99,98% là người theo đạo Công giáo.
Tính đến thời điểm hiện tại, xã Thạnh An đạt toàn bộ 19 tiêu chí theo Bộ Tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao thành phố Cần Thơ giai đoạn 2018-2020. Trong đó, một số tiêu chí, chỉ tiêu đạt tỷ lệ cao, mang tính bền vững như tỷ lệ hộ nghèo, lao động có việc làm, giao thông, tổ chức sản xuất… Sau khi được công nhận đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới vào năm 2016, giai đoạn 2016-2021, xã Thạnh An đã huy động gần 149,5 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới nâng cao, trong đó vốn Trung ương và thành phố 95 tỷ đồng; vốn tín dụng 29 tỷ đồng, người dân đóng góp 12,7 tỷ đồng.
Ông Vũ Quang Trung, người dân ấp E1, xã Thạnh An chia sẻ, trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, gia đình ông cùng chính quyền địa phương tham gia đóng góp ý kiến xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu bằng cách hiến đất, hoa màu, vật chất và ngày công lao động, tự nâng cấp chỉnh trang nhà ở giữ vệ sinh môi trường chung, giữ gìn an ninh trật tự xã hội. Đến nay, diện mạo xã Thạnh An đã có nhiều thay đổi, khởi sắc. Là người dân đang sinh sống tại Thạnh An, ông Trung rất vui mừng khi quê hương ngày càng thay da đổi thịt.
Theo ông Phạm Minh Trí, Chủ tịch UBND xã Thạnh An, những năm qua, xã tập trung thực hiện chủ trương tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp với trọng tâm là đầu tư phát triển các cây trồng, vật nuôi phù hợp với lợi thế địa phương; thường xuyên phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Thạnh tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân trên địa bàn trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường tạo ra sản phẩm an toàn, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm; đồng thời, hướng đến liên kết nông dân, hình thành các mô hình tổ hợp tác và hợp tác xã kiểu mới.
Hiện Thạnh An có 15 tổ hợp tác sản xuất và 2 hợp tác xã nông nghiệp. Mô hình kinh tế tập thể tại Thạnh An đang ngày càng phát huy hiệu quả nhờ thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, theo tiêu chuẩn VietGAP và có bao tiêu đầu ra sản phẩm, đồng thời tạo việc làm cho người lao động tại địa phương.
Cùng với đó, hệ thống giao thông nông thôn, thủy lợi được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh đã giúp lưu thông hàng hóa dễ dàng hơn, góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người qua từng năm. Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người của xã Thạnh An là 58,8 triệu đồng, hộ nghèo giảm chỉ còn 0,34%.
Đáng chú ý, tại Thạnh An đang phát triển nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả, tiêu biểu như mô hình canh tác lúa thông minh thích ứng biến đổi khí hậu, mô hình áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn SRP, mô hình tổ hợp tác chăn nuôi bò sinh sản, mô hình nuôi yến.
Theo ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó Giám đốc Hợp tác xã Thịnh Phát ở xã Thạnh An, nhờ xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao mà cơ sở vật chất, hạ tầng của xã được đầu tư như bê tông hóa đường giao thông, xây mới các trạm bơm điện, nạo vét kênh thủy lợi bảo đảm nguồn nước tưới tiêu và lưu thông hàng hóa. Nhờ đó, nông dân giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận. Tại Hợp tác xã Thịnh Phát, nhiều xã viên đang đầu tư nhà yến mang lại thu nhập khá cao.
Phát biểu tại lễ công bố, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Thạnh Trần Văn Tám nhấn mạnh, dù trong điều kiện khó khăn nhưng xã Thạnh An đã nỗ lực vượt qua, hoàn thành 19 tiêu chí, sự đồng thuận của người dân đạt khá cao.
Theo ông Trần Văn Tám, chương trình xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao tại Thạnh An đã tạo ra những hiệu quả xã hội lớn. Hệ thống chính trị được kiện toàn và giữ vững ổn định; tăng tình đoàn kết cộng đồng, tình làng nghĩa xóm được thắt chặt; người dân quan tâm giúp đỡ, động viên nhau cùng vươn lên xóa đói, giảm nghèo. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đã ngày càng được nâng lên rõ rệt, góp phần vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương.
Đối với các tiêu chí tuy vượt nhưng chưa cao, lãnh đạo huyện Vĩnh Thạnh đề nghị xã cần cố gắng nâng cao, nâng chất hơn nữa. Xã cần có lộ trình, điều chỉnh trong cách thức, giải pháp để có kế hoạch phấn đấu trong thời gian tới được tốt hơn, có kế hoạch, giải pháp nâng chất toàn diện các tiêu chí.
Người đứng đầu Đảng bộ huyện Vĩnh Thạnh cũng yêu cầu xã Thạnh An tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân trên địa bàn, phát huy thế mạnh là vùng sản xuất lúa gạo trọng điểm của thành phố; đồng thời, phát triển thêm nhiều mô hình sản xuất tiêu biểu với mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Thanh Liêm