Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Phan Văn Hùng chủ trì cuộc họp triển khai Đề án “Bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2018-2025”. Nguồn: baodantoc.vn |
Đối tượng của Đề án là cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp theo dõi công tác dân tộc, chuyên trách làm công tác dân tộc trên địa bàn, được chia thành 4 nhóm chính. Trong đó, nhóm đối tượng 1 gồm ban lãnh đạo Thành ủy, HĐND và UBND thành phố; nhóm đối tượng 2 là Giám đốc, Phó Giám đốc sở, ngành và các đơn vị quản lý cấp huyện, xã; nhóm đối tượng 3 gồm Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng thuộc cơ quan chuyên môn của UBND thành phố và các cấp sở, ngành; nhóm đối tượng 4 gồm công chức, viên chức trực tiếp làm công tác dân tộc.
Mục tiêu của Đề án nhằm nâng cao, cập nhật kiến thức dân tộc, văn hóa dân tộc thiểu số; nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng sử dụng tiếng dân tộc thiểu số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác dân tộc, qua đó góp phần thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội theo chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc trên địa bàn thành phố Cần Thơ.
Theo kế hoạch, thành phố sẽ tổ chức bồi dưỡng kiến thức dân tộc tập trung ít nhất 13 ngày trong năm 2020, hoàn thành 12 chuyên đề giảng dạy và 17 chuyên đề tham khảo. Nội dung chương trình bồi dưỡng tập trung vào các chuyên đề về kiến thức, văn hóa, tiếng nói, chữ viết dân tộc thiểu số và chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước. Thành phố đặt ra mục tiêu dài hạn đến năm 2025 có tối thiểu 90% cán bộ, công chức thuộc nhóm đối tượng 1, 2 được cung cấp tài liệu, thông tin về kiến thức dân tộc, chính sách dân tộc; tối thiểu 80% cán bộ, công chức, viên chức thuộc nhóm đối tượng 2, 3, 4 của địa phương được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức dân tộc và được bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số.
Theo Trưởng ban Dân tộc thành phố Cần Thơ Lương Văn Trừ, những năm qua, tại thành phố Cần Thơ, các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước đã phát huy hiệu quả, đời sống của đồng bào ngày càng khởi sắc, trong đó phải kể đến vai trò không nhỏ của đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc tại địa phương. Công tác cán bộ được triển khai bài bản, đào tạo bồi dưỡng có lộ trình rõ ràng, hiệu quả, nhờ vậy đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc đã phát huy được vai trò, trách nhiệm quan trọng trong việc triển khai, hướng dẫn người dân thực hiện hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo. Điển hình, đến cuối năm 2019 tỉ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số của thành phố giảm còn khoảng 5% trên tổng số hộ (năm 2009 là 30%), thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 33 triệu đồng/người/năm.
Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác dân tộc tại Cần Thơ vẫn còn những hạn chế bất cập, mặc dù đã được các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên đạt chuẩn theo quy định. Trên thực tế, trình độ, năng lực tổ chức quản lý, điều hành và thực thi công vụ của một số cán bộ, công chức cấp tỉnh, huyện còn yếu, tính chủ động, sáng tạo chưa cao. Ý thức tự học tập nâng cao trình độ và cập nhật kiến thức mới phục vụ công tác của một số cán bộ, công chức còn nhiều hạn chế, ít quan tâm đến việc học tập lý luận, chuyên môn để nâng cao trình độ và năng lực công tác.
Để giải quyết tình trạng trên, thời gian tới, thành phố chủ trương nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, báo cáo viên, xây dựng đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn phù hợp, có kinh nghiệm trong hoạt động thực tiễn, quản lý và có năng lực, phương pháp sư phạm; xây dựng đội ngũ giảng viên hữu cơ, giảng viên thỉnh giảng và báo cáo viên có kinh nghiệm, am hiểu về kiến thức dân tộc, chính sách dân tộc, công tác dân tộc và tiếng dân tộc thiểu số. Thành phố hy vọng những cải cách này sẽ hỗ trợ việc thực hiện hiệu quả Đề án Bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Hồng Giang