Thu hút người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện:

Cần thêm nhiều "cú hích" về chính sách

Cần thêm nhiều "cú hích" về chính sách
Từ 01/01/2018, Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ đối với người dân khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện nhằm mở rộng hơn nữa đối tượng tham gia. Sự hỗ trợ này kỳ vọng tạo được “cú hích” thu hút người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Người dân khám bệnh BHYT tại bệnh viện Tai Mũi Họng thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Phương Vy- TTXVN
Người dân khám bệnh BHYT tại bệnh viện Tai Mũi Họng
thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Phương Vy- TTXVN
Chính sách chưa hấp dẫn
Chị Ngô Thị Hồng Cẩm, lao động tự do tại huyện Bình Chánh (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, vợ chồng chị muốn tham gia bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu sau này, tuy nhiên qua tìm hiểu thì thấy mức đóng quá cao so với thu nhập.

Theo chị Cẩm, thu nhập bình quân của hai vợ chồng chị khoảng 10 triệu đồng/tháng, nếu chọn mức thu nhập này để đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, mỗi tháng anh chị phải đóng hơn 2 triệu đồng. Vợ chồng chị phải đóng 22% thu nhập/tháng trong suốt 20 năm nhưng chỉ được hưởng lương hưu và tử tuất, những quyền lợi khác như hỗ trợ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động lại không được hưởng. Vì vậy sau khi cân nhắc, anh chị quyết định không tham gia.
 
Đây cũng là suy nghĩ chung của nhiều người khi cân nhắc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Các chuyên gia, lãnh đạo ngành Bảo hiểm xã hội, Lao động - Thương binh và Xã hội cũng cho rằng, chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện hiện chưa hấp dẫn.
 
Bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, chuyên gia về an sinh xã hội Việt Nam chia sẻ: Bảo hiểm xã hội tự nguyện hiện nay chưa đa dạng các loại hình, các gói để người dân lựa chọn. Bên cạnh đó, mức đóng góp quá dài nhưng lại thiếu quy định gắn với quyền lợi trước mắt của người dân nên mức độ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện còn thấp.
 
Cùng chung quan điểm, bà Nguyễn Thị Thu - Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh chỉ ra những điều chưa hấp dẫn của chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện hiện nay như: Chế độ hưởng quá thấp, chỉ được hưởng 2 chế độ là hưu trí và tử tuất, trong khi bảo hiểm xã hội bắt buộc được hưởng 6 chế độ (ốm đau, thai sản, thất nghiệp, hưu trí, tử tuất và tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp). Mặt khác, đại đa số người dân vẫn chưa ý thức được tầm quan trọng về sau của việc tham gia bảo hiểm xã hội cùng với khả năng kinh tế hạn chế nên nhiều người không hào hứng tham gia.
 
Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện cả nước mới chỉ có khoảng 221.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Quân lo ngại, hiện người tham gia bảo hiểm xã hội nói chung mới chỉ chiếm khoảng 24-25% dân số, tỷ lệ này quá thấp.

Do đó, đại đa số người dân không tham gia bảo hiểm xã hội sẽ đối mặt với nguy cơ không có nguồn thu nhập ổn định khi về già, điều này ảnh hưởng lớn đến an sinh xã hội, nhất là đối với những người làm việc ở khu vực phi chính thức, hộ kinh doanh gia đình, người dân sống ở nông thôn…
 
Cần những “cú hích”
Là thành phố có hơn 13 triệu dân với nhiều quan hệ lao động đa dạng nhưng đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh mới chỉ có khoảng 2,3 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, 9.356 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
 
Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thu cho biết, trong số 9.356 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hiện nay, phần lớn là những người đã từng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng do chưa đủ thời gian đóng để hưởng lương hưu nên họ tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Do đó, bà Nguyễn Thị Thu nhận định: “Nếu không có những cú hích đột phá trong chính sách thì khó tăng số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thời gian tới”.
 
Tương tự, tại tỉnh Đồng Nai, số lượng người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện còn rất thấp.

Theo bà Lê Ngọc Mai - Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Nai, kế hoạch Bảo hiểm xã hội Việt Nam giao hàng năm là phải mở rộng được trên 6.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện nhưng mỗi năm tỉnh chỉ phát triển được khoảng gần 3.000 người. Nguyên nhân là do đa phần người lao động tự do đều có mức thu nhập thấp, không ổn định, trong khi thời gian đóng kéo dài khiến họ không muốn tham gia.
 
Theo các chuyên gia về an sinh xã hội, Chính phủ cần nghiên cứu, bổ sung, tăng tính hấp dẫn chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, bổ sung những quyền lợi trước mắt, cho phép thế chấp lương hưu để đóng bảo hiểm xã hội một lần cho thời gian còn thiếu, tăng mức hỗ trợ… nhằm nâng cao nhận thức tham gia bảo hiểm xã hội vừa là quyền lợi vừa là trách nhiệm của người dân.
 
Để mở rộng hơn nữa đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã nới lỏng các quy định như: Không khống chế trần tuổi đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, linh hoạt phương thức đóng…

Đặc biệt, từ 1/1/2018, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm trên mức đóng hàng tháng như: Hỗ trợ 30% đối với người thuộc hộ nghèo, mức 25% đối với người thuộc hộ cận nghèo, 10% đối với một số đối tượng khác.
 
Đánh giá về sự thay đổi chính sách này, bà Nguyễn Thị Diệu Hồng cho rằng, đây là bước tiến mới nhằm mở rộng hơn nữa người dân tham gia bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên sự hỗ trợ này chưa thực sự hấp dẫn, vì thế bà Hồng cho rằng vẫn chưa đủ để tạo sự thay đổi cách nhìn nhận về bảo hiểm xã hội tự nguyện trong tâm lý người dân.
 
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Quân cũng cho rằng, với sự thay đổi chính sách này vẫn chưa thể kỳ vọng gia tăng đột biến số lượng người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Về lâu dài, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ kiến nghị Chính phủ điều chỉnh một số điểm trong chính sách để thu hút người dân hơn nữa.
 
“Hạn chế hiện nay là thời gian đóng bảo hiểm quá dài, tâm lý đóng hôm nay để 20 năm sau hưởng chưa phải là thói quen của không chỉ người Việt Nam mà tồn tại ở nhiều quốc gia trên thế giới”, ông Lê Quân nhận định.

Ngoài ra, Thứ trưởng Lê Quân cũng cho rằng, mức hưởng hiện nay quá ít, cần có sự điều chỉnh linh hoạt hơn, tạo ra sự hấp dẫn đối với người lao động khu vực phi chính thức để họ cảm thấy việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện có thể mang lại lợi ích ngắn hạn cũng như dài hạn./.
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm