Sạt lở đất đá tại xã Bắc Phong, huyện Phù Yên. Ảnh: Nguyễn Hồng Cường - TTXVN phát |
Tuyến đường liên xã từ Bắc Phong tới xã Tân Phong dài khoảng 24 km, nhưng có đến hơn 100 điểm sạt lở với khối lượng trên 70.000 m3 và có 8 điểm bị sạt lở ta luy âm xuống sông, bề rộng mặt đường chỉ còn từ 1,5 đến 3 m. Đường giao thông liên xã, liên bản trên địa bàn xã Bắc Phong vẫn bị chia cắt, do đó việc đi lại và mua bán hàng hóa của người dân gặp nhiều khó khăn. Tại bản Bãi Con, xã Bắc Phong, hàng ngàn mét khối đất đá trượt sạt lấp hết đường đi và nhiều ngôi nhà tan hoang do bị sạt ta luy dương, ta luy âm. Bản Bãi Con có 65 hộ dân, trong đó 9 hộ đã phải di dời, một hộ có nhà bị sập hoàn toàn, 26 hộ nằm trong diện phải di dời khẩn cấp. Bí thư Chi bộ bản Bãi Con Mùi Văn Dững cho biết, đường xá đi lại khó khăn, xe cộ không vào được ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và phát triển kinh tế của người dân, nhất là thời điểm chuẩn bị bước vào vụ thu hái nông sản. Do đó, địa phương rất mong tỉnh Sơn La và huyện Phù Yên quan tâm, sớm khắc phục hệ thống giao thông và bố trí nơi ở mới ổn định cho các hộ bị ảnh hưởng. Sau những đợt mưa lũ, toàn bộ phía ta luy dương của xã Bắc Phong đã bị sạt lở nghiêm trọng. Trong đó, tại bản Đá Phổ, phía ta luy dương bị nứt, sụt lún với chiều dài hơn 200 m, độ cao từ 10m đến 15m và xuất hiện nhiều vết nứt ngang, dọc rộng từ 3 đến 5 m. Xã Bắc Phong đã tổ chức di dời khẩn cấp 16 hộ với 70 nhân khẩu ra khỏi vùng nguy hiểm. Hiện vẫn còn 26 hộ bị đất đá sạt lở, lún sụt vào nền nhà có nguy cơ mất an toàn cần phải di dời.
Sạt lở đất đá tại xã Bắc Phong, huyện Phù Yên. Ảnh: Nguyễn Hồng Cường - TTXVN phát |
Chị Đinh Thị Thiếu - một người dân ở bản Đá Phổ cho hay, hơn một tháng nay, tối nào gia đình chị cũng phải di chuyển xuống thuyền ngủ bởi ngôi nhà có hiện tượng nứt móng và nằm trong khu vực nguy hiểm có thể sạt lở núi bất cứ lúc nào nếu có mưa. Chị mong các cấp chính quyền quan tâm sớm khắc phục các điểm sạt lở để gia đình có chỗ ở ổn định. Không chỉ có gia đình chị Thiếu, 20 hộ khác ở bản Đá Phổ cũng đang trong tình cảnh tối đến phải di tản, bỏ lại những ngôi nhà bao năm dành dụm mới xây dựng được, bởi nguy cơ sạt núi bên ta luy dương. Theo Bí thư Đảng ủy xã Bắc Phong Nguyễn Bá Tú, hiện nay, cung trượt tại bản Đá Phổ rất lớn với khối lượng đất đá lên đến hàng nghìn mét khối có thể sụt sạt bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, việc quy hoạch, bố trí, sắp sếp ổn định chỗ ở cho các hộ đang ở tạm lều lán và các hộ phải di chuyển đến nơi an toàn do bị đất đá vùi lấp vào nhà cũng như có nguy cơ sụt lún hiện là bài toán chưa lời giải trong khi quỹ đất của địa phương không còn. Bí thư Đảng ủy xã Bắc Phong đề nghị các cấp, ngành của tỉnh Sơn La sớm nghiên cứu, xem xét, tạo điều kiện bố trí nơi ở mới cho những hộ phải di chuyển khẩn cấp và những hộ có nhà nguy cơ không ở được, để người dân yên tâm lao động, sản xuất. Hàng chục hộ dân ở khu vực nguy cơ trượt sạt, lũ ống, đá lăn tại xã Bắc Phong vẫn chưa có nơi ở an toàn do thiếu quỹ đất. Tỉnh Sơn La, huyện Phù Yên cần sớm có giải pháp di chuyển dân, đồng thời, triển khai các phương án chống sạt lở núi, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.
Nguyễn Cường – Bích Luyện