Trận mưa lớn đêm 25, rạng sáng ngày 26/5 đã khiến nước lũ trên sông Ka Long dâng cao. Ảnh: TTXVN |
Công điện số 04 nêu rõ, để chủ động ứng phó với diễn biến mưa lũ bất thường, cực đoan có thể xảy ra trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai yêu cầu Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các Bộ, địa phương triển khai một số nội dung như sau: Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Lai Châu, Lào Cai khẩn trương khắc phục hậu quả xảy ra trên địa bàn, nhất là huy động các lực lượng tìm kiếm người bị mất tích tại huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất để thông tin kịp thời đến chính quyền, người dân chủ động ứng phó. Kiểm tra, rà soát nơi ở không an toàn, các khu dân cư ở ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập, vùng trũng thấp, vùng ven sông suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét để chủ động sơ tán dân đến nơi an toàn. Bên cạnh đó, chỉ đạo các Hội đồng thi lựa chọn các điểm thi đảm bảo an toàn, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, bố trí các điểm sơ tán an toàn gần khu vực tổ chức thi, đồng thời có phương án đảm bảo hậu cần và các nhu yếu phẩm thiết yếu tại các điểm sơ tán; xây dựng các phương án đảm bảo an toàn giao thông quanh khu vực thi trường hợp xảy ra thiên tai. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương tổ chức tuần tra, kiểm tra, canh gác tại các hồ chứa, đặc biệt là các hồ chứa có nguy cơ mất an toàn hướng dẫn người dân và phương tiện qua lại các ngầm tràn, các đoạn đường giao thông thường xuyên bị ngập sâu, sạt lở, có nguy cơ xảy ra đá lăn, bến đò ngang, đò dọc để đảm bảo an toàn. Chỉ đạo đài truyền hình, hệ thống đài truyền thanh và các cơ quan thông tấn, báo chí địa phương tăng cường thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn kĩ năng ứng phó tới chính quyền cấp cơ sở, cộng đồng, người dân, đặc biệt là người dân đi làm rừng dài ngày về diễn biến mưa, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để người dân biết, chủ động phòng tránh. Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương tăng cường thời lượng phát sóng, đưa tin về bản tin cảnh báo và tình hình mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt để các cấp chính quyền địa phương và người dân chủ động phòng tránh. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia tăng cường bản tin dự báo, cảnh báo về mưa lớn, lũ, ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét. Các cơ quan, đơn vị liên quan chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để ứng cứu khi có yêu cầu. Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, trong đó báo cáo cụ thể về công tác tuyên truyền phổ biến thông tin cảnh báo về thiên tai đến chính quyền cơ sở và cộng đồng dân cư. Trong đêm 23 rạng sáng 24/6 khu vực miền núi phía Bắc đã có mưa to, cá biệt một số trạm có mưa rất to như: Hạ Hòa (Phú Thọ) mưa 219mm, Bắc Hà (Lào Cai) 133 mm, đã gây lũ quét trên địa bàn huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai,... làm 4 người mất tích (Mường Tè, Lai Châu), đứt cáp cầu treo, nhiều tuyến đường giao thông và công trình thủy lợi bị hư hại và ảnh hưởng đến 116 hộ dân (huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai); dự báo đợt mưa này ở Bắc Bộ có khả năng kéo dài đến ngày 25/6, thời gian mưa tập trung vào sáng và đêm; riêng các tỉnh vùng núi và trung du có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to (lượng mưa phổ biến 50-100mm/24 giờ, có nơi trên 150mm/24 giờ). Trọng điểm của đợt mưa này có khả năng xảy ra ở các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lào Cai, Yên Bái, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp. Theo phóng viên TTXVN tại các địa phương, tại xã Bản Hồ, thị trấn Sâp, tỉnh Lào Cai, lũ quét ập đến đã làm sập cây cầu treo duy nhất nối UBND xã này với thị trấn Sapa và các xã lân cận như: Tả Van, Hầu Thảo, Sử Pán, Thanh Phú..., cắt đứt giao thông tại đây đã làm cho xã Bản Hồ bị cô lập. Lũ từ thượng nguồn đổ về Bản Hồ lúc 3 giờ ngày 24/6 làm ngập 20 ngôi nhà, cuốn trôi 3 ô tô của người dân địa phương. Hiện các hoạt động hỗ trợ người dân vùng lũ được tiến hành theo đường từ huyện Bảo Thắng sang Sapa (thay vì đi đường từ trung tâm huyện Sapa đến xã Bản Hồ. Các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã chủ động triển khai lực lượng về các xã, thôn, bản để nắm tình hình và hỗ trợ chính quyền cơ sở di chuyển người dân, tài sản ra khỏi khu vực ngập lụt và có nguy cơ bị ngập lụt; hướng dẫn người dân và du khách không tuỳ tiện qua lại các đoạn đường bị ngập nước hoặc bị sạt lở nhằm đảm bảo an toàn tính mạng. Tại tỉnh Lai Châu, sau trận mưa kéo dài đêm 23/3 trên địa bàn các huyện Mường Tè và Nậm Nhùn (Lai Châu) đã xảy ra lũ quét, cuốn trôi nhiều công trình, nhà cửa, tài sản, hoa màu của nhân dân. Khoảng 6 giờ sáng ngày 24/6, hai trận lũ quét xảy ra đồng loạt trên suối Hua Bum, huyện Nậm Nhùn và suối Nậm Sì Lường, xã Pa Vệ Sủ, huyện Mường Tè đã cuốn trôi 4 ngôi nhà cùng nhiều tài sản của nhân dân. Mưa lũ cũng đã gây thiệt hại một số tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ như: tại km 46+800 thuộc Quốc lộ 4H bị sạt lở khoảng 150 m3 đất đá, tại km 20+920 tỉnh lộ 133, nước kèm theo đất đá tràn ra mặt đường; tại km 336+870, km 302+400, km 291+100, Quốc lộ 4H bị sạt lở và lún sụt mặt đường. Trong đó, nghiêm trọng nhất là tuyến Quốc lộ 4H tại địa phận xã Hum Bum, huyện Nậm Nhùn, mưa lũ làm sạt lở 30 m đường, gây chia cắt huyện Mường Tè với bên ngoài. Hiện UBND tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo các lực lượng tiếp cận hiện trường, khắc phục giao thông, hỗ trợ người dân khắc phục tạm thời và tìm kiếm người bị nạn. Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo chính quyền các địa phương tăng cường cán bộ về cơ sở, vận động, tuyên truyền người dân không qua sông, suối, ngầm tràn khi trên địa bàn có mưa to. Đặc biệt, chính quyền các xã chỉ đại các bản rà soát các hộ dân, không để bà con ngủ lại lán nương, đánh bắt cá trên sông suối để tránh thiệt hại về người.
Thắng Trung