Các hoạt động tháng 4 với chủ đề “Việt Nam với những sắc màu dân tộc” tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam

Đồng bào dân tộc Mông giới thiệu văn hóa truyền thống của dân tộc mình tại Phiên chợ vùng cao. Ảnh: Hoàng Tâm
Đồng bào dân tộc Mông giới thiệu văn hóa truyền thống của dân tộc mình tại Phiên chợ vùng cao. Ảnh: Hoàng Tâm

Từ ngày 1/4 – 3/5/2021, tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam ( Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) sẽ diễn ra các hoạt động văn hóa với chủ đề “ Việt Nam với những sắc màu dân tộc” góp phần hưởng ứng tôn vinh Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4); Kỷ niệm 46 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2021) và ngày Quốc tế Lao động (1/5) với sự tham gia khoảng gần 100 đồng bào của 14 dân tộc (Nùng, Tày, Dao, Mông, Mường, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Bahnar, Xơ Đăng, Cơ Tu, Raglai, Ê Đê, Khmer) đến từ 12 địa phương và các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Múa Rối Việt Nam. 

Các hoạt động tháng 4 với chủ đề “Việt Nam với những sắc màu dân tộc” tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam ảnh 1Đồng bào dân tộc Mông giới thiệu văn hóa truyền thống của dân tộc mình tại Phiên chợ vùng cao. Ảnh: Hoàng Tâm

Các hoạt động chào mừng “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2021” sẽ được tổ chức với sự phối hợp của Ban tổ chức sự kiện “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2021”.

Điểm nhấn hoạt động văn hóa trong dịp Nghỉ lễ 29/4-03/5 là “ Chợ phiên vùng cao – Điểm hẹn Hoàng Su Phì, Hà Giang”. Không gian chợ là sự kết hợp giữa không gian hội xuống chợ, không gian vui chơi gắn với các hoạt động dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian, không gian ẩm thực, sản vật với sắc màu của các dân Dao, Mông, La Chí, Thái...

Đặc biệt, tục “ Kéo vợ” của đồng bào dân tộc Mông ở huyện Hoàng Su Phì sẽ được tái hiện tại không gian chợ vùng cao. Phong tục này hình thành từ lâu đời trong đời sống sinh hoạt của người Mông. Tục “kéo vợ” chứa đựng một nét văn hóa rất riêng của người Mông, vừa chất phác, vừa táo bạo nhưng cũng không kém phần ý nhị. “Kéo vợ” là thể hiện tình yêu mãnh liệt, khát vọng có một gia đình hạnh phúc của chàng trai, cô gái Mông mà không có sự ép buộc. Giới thiệu tục “Kéo vợ” giúp cho du khách hiểu và cảm nhận rõ hơn về phong tục độc đáo này và cùng với địa phương chung tay bảo tồn phát huy những nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc Mông, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang.

Cũng ngay tại không gian chợ phiên vùng cao phía Bắc có chương trình dân ca dân vũ “Sắc màu chợ phiên” với các tiết mục dân ca, dân vũ ca ngợi quê hương đất nước, bản sắc dân tộc vùng, miền mừng non sông thống nhất.

Đồng bào dân tộc Dao ở huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang sẽ tái hiện Lễ hội Bàn Vương để tưởng nhớ tổ tiên của mình. Lễ hội được phục dựng và tổ chức hằng năm tại các địa phương có người Dao sinh sống tập trung nhằm lưu giữ nguồn gốc lịch sử, văn hóa của dân tộc, bày tỏ lòng biết ơn với Sư tổ Bàn Vương, người đã sinh ra 12 tộc họ người Dao ngày nay đồng thời cầu nguyện Sư tổ phù hộ cho mưa thuận, gió hòa, hoa màu tươi tốt cho con cháu đời đời ấm no, hạnh phúc. Hoạt động này không chỉ góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc trên địa bàn mà còn là dịp quảng bá, giới thiệu các sản phẩm tiềm năng về văn hóa, du lịch của huyện tới du khách trong, ngoài nước đến với Hoàng Su Phì nhiều hơn trong tương lai.

Các hoạt động tháng 4 với chủ đề “Việt Nam với những sắc màu dân tộc” tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam ảnh 2Đồng bào dân tộc Tà Ôi giới thiệu món bánh truyền thống ngay tại không gian Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Hoàng Tâm

Đồng bào dân tộc La Chí tái hiện “Lễ mở kho xin giống”. “ Lễ mở kho xin giống” hay còn gọi là Lễ “Cô ừm đò” thường được tổ chức vào cuối tháng 12 hoặc đầu năm, ngày lấy thóc mang tính ước lệ, họ có thể lấy cum thóc nếp để trên kho cúng tổ tiên, xin tổ tiên bảo vệ hồn lúa “ngui ừm”... chủ nghi lễ đặt mâm cúng tương tự như những nghi lễ trước đó: cơm, cá, rượu... Chủ khấn mấy câu báo tổ tiên rồi lấy số cơm mới đó cho chó, mèo ăn trước (nhằm trả công ơn đầu tiên về một loài vật đã tìm ra giống cây nuôi sống người dân), tiếp đến là vợ, chồng, con cái. Lễ "tì me cu lỉ" làm trong phạm vi gia đình, được tổ chức nhằm mục đích xin tổ tiên cho thóc giống...

Vào các dịp cuối tuần, các nhóm nghệ nhân đang hoạt động hằng ngày tại Làng Văn hóa sẽ giới thiệu, giao lưu văn nghệ và các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống như: Múa xòe, nhảy sạp, hát ví, hát dân ca, nghệ thuật hát then, đàn tính, các điệu múa chuông, múa rùa, hát ay ray, loại hình kịch Rô băm, Xa za van; Tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống; Tìm hiểu văn hóa ẩm thực và thưởng thức các món ăn đặc sắc…

Ngoài ra, Tết thanh minh của đồng bào dân tộc Dao huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội, sẽ được tái hiện. Đây là nghi lễ truyền thống được duy trì bao đời nay của đồng bào dân tộc Dao. Theo quan niệm của đồng bào, ở thế giới bên kia cũng có cuộc sống như ở trần gian. Người đã chết cũng phải cần tiền bạc, thực phẩm để làm chi phí sửa chữa tu bổ lại nơi cư ngụ chính vì thế vào dịp thanh minh (xình mình). Hằng năm, đồng bào Dao đều tổ chức lễ cúng nhằm cầu mong cho người đã khuất được an cư ở cõi âm, phù hộ cho con cháu được an lành.

Bên cạnh đó còn có các chương trình dân ca dân vũ “Tây Bắc gọi mời”, “Tự hào con cháu Rồng Tiên”, “Rực rỡ sắc màu Tây Nguyên” và chương trình nghệ thuật múa Rối cạn “Sắc màu Việt Nam” của Nhà hát Múa rối Việt Nam.

Các hoạt động hằng ngày, cuối tuần,  chương trình du lịch Homestay, trải nghiệm ẩm thực, trò chơi dân gian... nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam vẫn diễn ra góp phần tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, thu hút khách du lịch đến vui chơi.

Để đảm bảo tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19,  quy mô các hoạt động tháng 4/2021 tại Làng Văn hóa được xác định theo các phương án như sau:

- Phương án 1: Các hoạt động với quy mô phù hợp tình hình dịch COVID-19. Nếu trong tháng 4, dịch COVID-19 chưa chấm dứt, các hoạt động thực hiện theo qui mô cuối tuần, hằng ngày và giảm quy mô của các hoạt động điểm nhấn. Khi chấm dứt dịch COVID-19 thời điểm nào thì tổ chức đầy đủ các nội dung hoạt động điểm nhấn theo kế hoạch.

- Phương án 2: Các hoạt động tăng cường, đầy đủ như kế hoạch khi kết thúc dịch COVID-19. Nếu đến thời điểm tháng 4 có thông báo chấm dứt dịch COVID-19 thì thực hiện đầy đủ các nội dung hoạt động theo kế hoạch đặc biệt tăng cường các hoạt động điểm nhấn để thu hút khách du lịch trong các ngày nghỉ lễ.

Hoàng Tâm

(DTMN)

Có thể bạn quan tâm