Các hãng hàng không đồng loạt tăng giá vé máy bay và phản ứng của khách hàng

Các hãng hàng không đồng loạt tăng giá vé máy bay và phản ứng của khách hàng

* Đồng loạt tăng giá vé máy bay 

Trong các ngày từ 15-22/3, hầu hết các đại lý bán vé máy bay đều bất ngờ nhận được thông báo tăng giá vé máy bay từ các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet và Jetstar Pacific. 

Theo đó, Vietnam Airlines thông báo giá vé quốc nội hạng thương gia tăng từ 100.000 – 500.000/chặng; hạng phổ thông tăng từ 40.000 – 300.000 đồng/chặng. Thời gian điều chỉnh giá vé từ ngày 1/4, áp dùng tùy theo từng chặng bay cụ thể. 

Ảnh minh họa- TTXVN
Ảnh minh họa- TTXVN

Tuy nhiên, Vietnam Airlines cũng cho biết, vẫn duy trì khoảng 10 mức giá thấp trên mỗi đường bay nội địa và đặc biệt không tăng giá trên các đường bay địa phương (đi Buôn Mê Thuật, Điện Biên …) và đường bay trục lẻ (Tp. Hồ Chí Minh – Hải Phòng/Vinh…) để đáp ứng đa dạng nhu cầu của người dân. Các loại phụ thu và phí khác giữ nguyên. 

Hãng hàng không Vietjet cũng thực hiện tăng phí dịch vụ hệ thống từ 100.000 đồng lên 140.000/chặng bay nội địa và tăng từ 120.000 đồng lên 160.000 đồng/chặng bay quốc tế kể từ ngày 22/3. 

Bên cạnh việc tăng phí dịch vụ/vé máy bay, Vietjet còn tiến hành điều chỉnh phí phụ thu dịch vụ, bao gồm: dịch vụ chọn chỗ ngồi tăng từ 80.000 đồng lên 90.000 đồng; giá cước gửi hành lý đối với chặng bay quốc nội tăng từ 10.000 – 20.000 đồng/chặng; phí phụ thu đổi chuyến bay đối với trường hợp bị trễ chuyến đối với chặng bay quốc tế từ mức 735.000 đồng lên 1 triệu đồng/hành khách. Thời gian áp dụng mức điều chỉnh kể từ ngày 20/3. 

Một hãng hàng không giá rẻ khác là Jetstar Pacific Airlines cũng đã gửi thông báo tới các đại lý bán vé máy bay về việc điều chỉnh tăng phí quản lý hệ thống từ 100.000 lên 130.000 đồng/chặng kể từ ngày 15/3. 

Lý giải về lý do tăng giá vé máy bay, đại diện của Vietnam Airlines cho biết, việc rà soát, điều chỉnh bảng giá vé năm là hoạt động định kỳ thường xuyên của Hãng. Công tác này được thực hiện dựa trên cơ sở nhu cầu thị trường và tuân thủ quy định của Cục Hàng không Việt Nam và Bộ Giao thông Vận tải (Văn bản số 5010/CHK-TC ngày 11/9/2015). 

Hãng cũng khẳng định, việc sắp xếp lại giá và điều kiện kèm theo của một số hạng đặt chỗ trong dải giá nội địa nhằm đảm bảo khả năng có chỗ, cũng như tạo điều kiện cho hành khách có thể linh hoạt sử dụng vé, chủ động kế hoạch đi lại theo nhu cầu thực tế. 

Đại diện Vietjet thì cho biết việc tăng giá vé được thực hiện dựa trên những điều chỉnh liên quan tới phí quản lý hệ thống, đáp ứng các thay đổi của các thành phần chi phí cấu thành giá vé, qua đó, đảm bảo yếu tố cạnh tranh trên thị trường. 

* Phản ứng của khách hàng 

Theo anh Nguyễn Mạnh Tùng, đại lý bán vé máy bay ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, cho biết, việc điều chỉnh tăng giá vé máy bay, không ít thì nhiều đều gây ảnh hưởng tới hành khách. Nhiều người đã tỏ bất ngờ vì phải trả thêm một khoản phí cho các dịch vụ đi kèm hành trình bay. Tuy nhiên, cũng theo anh Tùng, mức tăng phí lần này của các hãng hàng không là không cao, chỉ vào khoảng 40.000 đồng/chặng nội địa. Bên cạnh đó, các hãng hàng không hiện nay có đa dạng các chương trình ưu đãi giảm giá, cùng nhiều mức giá vé phong phú, nên người tiêu dùng có thêm các lựa chọn để tiết kiệm chi phí. 

Chị Phạm Thu Hằng, một đại lý bán vé máy bay khác tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội thì cho rằng, do các hãng mới chỉ điều chỉnh mức tăng giá vé trong một vài ngày gần đây, nên chưa có nhiều khách hàng phản ánh hay thắc mắc về việc phải trả thêm tiền cho hành trình đi lại của mình. 

“Hiện đang là mùa du lịch thấp điểm, các hãng hàng không đang chạy rất nhiều các chương trình bán vé giá rẻ, vì vậy, việc tăng giá dịch vụ của các hãng không gây ảnh hưởng gì nhiều tới nhu cầu đi lại của hành khách”, chị Hằng nói. 

Liên quan tới câu chuyện giá vé của các hãng hàng không nội địa, theo Cục trưởng Cục Hàng không Lại Xuân Thanh, sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường hàng không là nhân tố chính chi phối lên chiến lược xây dựng giá vé của các hãng. 

Người đứng đầu ngành hàng không Việt Nam phân tích, giá vé máy bay hầu như đứng im trong suốt thời gian qua, thậm chí không tăng ngay cả khi xăng dầu thế giới ở mức cao. Trong khi đó, với sự cạnh tranh trực tiếp trên các phân khúc nội địa và quốc tế giữa các hãng hàng không trong và ngoài nước đã khiến mặt bằng giá vé máy bay giảm rõ rệt trong những năm qua. 

Đặc thù của ngành hàng không đó là việc bán vé theo một dải giá vé và thay đổi theo thời điểm đặt vé và thời gian bay. Bộ Giao thông Vận tải mà cụ thể là Cục Hàng không Việt Nam đã thực hiện việc đảm bảo quản lý giá vé máy bay dựa trên mức khung giá trần. Ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không cho biết, việc các hãng tăng giá vé lần này vẫn nằm trong mức khung giá trần cho phép. “Hiện tại, mức giá cao nhất của các hãng hàng không nội địa Việt Nam mới chỉ đạt ngưỡng 80% giá trần quy định”, Cục trưởng Lại Xuân Thanh khẳng định. 

* Vé máy bay sẽ tiếp tục tăng? 

Đầu tháng 3/2017, Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải đề xuất điều chỉnh mức giá, khung giá một số dịch vụ hàng không, áp dụng cho các nhà khai thác hàng không và khách hàng sử dụng dịch vụ hàng không. 

Đối với các nhà khai thác hàng không, Cục Hàng không đề xuất tăng 15% phí dịch vụ cất/hạ cánh, thực hiện theo lộ trình, chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn 1, từ ngày 1/7 năm nay, sẽ tăng 5% và giai đoạn 2, từ ngày 1/1/2018, tiếp tục tăng thêm 10%. 

Đối với khách hàng sử dụng dịch vụ hàng không, việc tăng chi phí dịch vụ áp dụng đối với giá dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không và giá dịch vụ phục vụ hành khách tại cảng hàng không, dự kiến tăng 40.000 đồng/hành khách bay đến các cảng hàng không nhóm A và tăng 20.000 đồng/hành khách đối với các cảng hàng không nhóm B. 

Đề xuất này của Cục Hàng không hiện đang được Bộ Giao thông vận tải xem xét. Nếu được thông qua, dự kiến giá vé máy bay nội địa sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới./. 

 

Có thể bạn quan tâm