BRICS khẳng định vai trò trung tâm của LHQ và luật pháp quốc tế

BRICS khẳng định vai trò trung tâm của LHQ và luật pháp quốc tế
Ảnh từ trái sang: Tổng thống Brazil Michel Temer, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma chụp ảnh chung tại hội nghị. Ảnh: AFP/TTXVN
Ảnh từ trái sang: Tổng thống Brazil Michel Temer, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma chụp ảnh chung tại hội nghị. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo tuyên bố trên, các nước thành viên BRICS nhắc lại quan điểm chung về những biến đổi sâu sắc hiện nay trên thế giới theo hướng chuyển sang trật tự quốc tế đa cực, dân chủ và công bằng trên cơ sở vai trò trung tâm của Liên hợp quốc (LHQ) và tôn trọng luật pháp quốc tế. Năm nước cũng khẳng định cần phối hợp giải quyết các vấn đề toàn cầu và hợp tác thiết thực trên tinh thần đoàn kết, hiểu biết và tin tưởng nhau. Các bên đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của những nỗ lực tập thể trong giải quyết các vấn đề quốc tế, giải quyết hòa bình những tranh cãi bằng con đường chính trị và ngoại giao trên cơ sở tuân thủ mọi quy định của Hiến chương LHQ.

Nhóm 5 nước khẳng định thực thi các nguyên tắc về trách nhiệm, hợp tác và bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ các nước để loại bỏ tình trạng áp đặt các biện pháp đơn phương mà không căn cứ vào luật pháp quốc tế. Các nước đồng thời lên án hành động can thiệp quân sự và trừng phạt kinh tế đơn phương vi phạm luật pháp quốc tế, cũng như những quy tắc trong quan hệ quốc tế được tất cả công nhận. Các nhà lãnh đạo Nhóm BRICS nhấn mạnh không một quốc gia nào được tăng cường an ninh của nước mình bằng cách gây bất lợi cho an ninh của các nước khác.

Về vấn đề Syria, các nước thành viên BRICS kêu gọi tất cả các bên quan tâm vấn đề này phối hợp để giải quyết toàn diện một cách hòa bình cuộc xung đột, có tính đến những mong muốn hợp pháp của người dân Syria, trên cơ sở đối thoại dân tộc và tiến trình chính trị, căn cứ theo Thông cáo Geneva ngày 30/6/2012 và các nghị quyết 2254 và 2268 của Hội đồng Bảo an LHQ, mà người Syria đang thực hiện. Năm nước cũng kêu gọi đấu tranh chống các nhóm vũ trang mà LHQ coi là khủng bố như tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng và nhóm Mặt trận Al-Nusra, vốn được coi là nhánh của tổ chức khủng bố Al-Qaeda ở Syria. Các bên thể hiện quan ngại sâu sắc về tình hình tại Trung Đông và Bắc Phi, đồng thời tuyên bố ủng hộ mọi nỗ lực nhằm tìm ra giải pháp cho các cuộc khủng hoảng phù hợp với luật pháp quốc tế và các nguyên tắc tôn trọng độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của các quốc gia trong khu vực đó.

Bên cạnh đó, Nhóm BRICS cũng bày tỏ lo ngại về tình hình an ninh tại Afghanistan và các hoạt động khủng bố gia tăng đáng kể tại quốc gia Trung Á này. Các nhà lãnh đạo Nhóm BRICS khẳng định tầm quan trọng của việc hợp tác đa phương cấp khu vực trong vấn đề Afghanistan, trước tiên là các tổ chức như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể...

Trong tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo Nhóm BRICS còn đề nghị Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) chú ý đến ý kiến của các quốc gia nghèo khó nhất và tăng số lượng đại diện từ các nước nghèo trong hệ thống tài chính này. Năm nước thành viên kêu gọi các hệ thống kinh tế châu Âu thực hiện cam kết của mình và nhường 2 vị trí lãnh đạo trong Hội đồng điều hành IMF cho các nước nghèo. IMF cũng cần tăng tiếng nói và quyền đại diện của các nước thành viên nghèo nhất, bao gồm cả các nước khu vực châu Phi hạ Sahara trong vấn đề cải cách IMF. Các nước thành viên BRICS cũng ủng hộ ý tưởng cải cách IMF.

Ngoài tuyên bố chung, năm nước thành viên BRICS gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi còn thông qua Kế hoạch hành động chung nhằm thực hiện Tuyên bố trên trong đó đề ra hoạt động cụ thể của nhóm trong năm tới./.

Có thể bạn quan tâm