Tiếp tục Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, sáng 10/11, Quốc hội bắt đầu tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chia sẻ về thời gian có hiệu lực xét nghiệm và yêu cầu xét nghiệm lại; đồng thời nhấn mạnh, chuyển sang trạng thái ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo Nghị quyết 128/NQ-CP không thể không có ca nhiễm. Nhưng chúng ta phải kiểm soát và quản lý rủi ro, có nghĩa quản lý nguy cơ bệnh nhân chuyển nặng và tử vong.
Không yêu cầu người dân xét nghiệm trong vòng 72 giờ
Tại phiên họp, đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) chia sẻ băn khoăn của cử tri về thời gian có hiệu lực đối với xét nghiệm COVID-19 và yêu cầu xét nghiệm lại. Theo đó, thời gian qua, nhiều địa phương quy định yêu cầu xét nghiệm lại trong 72 giờ, có nơi quy định 48 giờ, thậm chí có nơi chỉ 24 giờ. "Một người lái xe trong một tuần phải xét nghiệm 3 lần, ngoài việc tốn kém về tài chính, còn tốn kém rất nhiều thời gian. Đề nghị Bộ trưởng cho biết tại sao có sự khác nhau này và Bộ Y tế có hướng dẫn chung thống nhất bao nhiêu ngày phải xét nghiệm lại", đại biểu Tạ Văn Hạ nêu.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, đối với các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt đối với dịch COVID-19, chỉ có xét nghiệm mới phát hiện được có hay nhiễm virus SARS-CoV-2 hay không. Đối với dịch COVID-19, có tới gần 80% người nhiễm không có triệu chứng. Đó là lý do Tổ chức Y tế thế giới liên tục khuyến cáo đối với các quốc gia phải "xét nghiệm, xét nghiệm và xét nghiệm". Tất cả các nước đã và đang thực hiện khuyến cáo này.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, thời gian có giá trị trong xét nghiệm rất khác nhau giữa các nước. Về cơ bản, các nước đều lấy mốc thời gian 72 giờ. Khi nhập cảnh hoặc đi ra nước ngoài, các nước đều yêu cầu phải có kết quả xét nghiệm trong vòng 72 giờ. Việt Nam có giai đoạn lấy mốc 72 giờ đối với một số trường hợp.
Về tần suất xét nghiệm, trước đây, Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải đã có hướng dẫn xét nghiệm đối với những người đi từ vùng dịch, vùng cách ly phong tỏa ra bên ngoài, phải thực hiện xét nghiệm; không yêu cầu xét nghiệm những vùng tương đồng với nhau. Ví dụ, đối với 19 tỉnh, thành phố phía Nam, việc đi lại trong 19 tỉnh, thành phố không phải xét nghiệm nhưng đi từ đó ra khu vực khác phải xét nghiệm theo các văn bản hướng dẫn. Một số địa phương, một số nơi áp dụng kết quả xét nghiệm có giá trị trong 72 giờ.
Tuy nhiên, sau này, cả nước thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế. Theo đó, không yêu cầu người dân xét nghiệm khi đi lại và chỉ xét nghiệm đối với người dân đi từ vùng dịch trở về. Việc xét nghiệm đó do nhân viên y tế, cơ quan y tế thực hiện, không yêu cầu người dân phải chịu trách nhiệm kết quả xét nghiệm.
"Phải nhận cái khó về chúng ta, không gây khó đối với người dân. Vì thế, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 4800/QĐ-BYT, không yêu cầu người dân xét nghiệm. Chúng ta chỉ xét nghiệm theo trọng tâm, trọng điểm theo địa bàn nguy cơ và nhóm người có nguy cơ", Trưởng ngành Y tế cho biết.
Về tần suất xét nghiệm, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, chỉ giám sát xét nghiệm ở trên một số nhóm nguy cơ, ví dụ nơi có nguy cơ lây nhiễm, nhóm có nguy cơ lây nhiễm do tiếp xúc nhiều với nhiều người... Tần suất xét nghiệm phụ thuộc vào đánh giá nguy cơ của các địa phương, thường là 7 hoặc 14 ngày, các nước trên thế giới cũng làm tương tự như vậy. Hiện nay, Bộ Y tế không yêu cầu người dân xét nghiệm trong vòng 72 giờ, trừ khi người dân đi ra nước ngoài hoặc đi từ vùng dịch trở về địa phương.
Không thể không có ca nhiễm
Đối với những người di chuyển từ các tỉnh, thành phố phía Nam về các địa phương khác, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, theo thống kê sơ bộ và báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, có khoảng 1,6 triệu người lao động đi từ Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An về đối với các địa phương khác trên cả nước, đặc biệt khu vực phía Tây, Tây Nguyên... và hiện có hiện tượng di chuyển ngược lại.
Để quản lý y tế về việc di chuyển của người dân, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 có nhiều chỉ đạo liên quan nhằm đảm bảo người dân được di chuyển an toàn và đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch. Bộ Y tế - cơ quan chuyên môn đã tham mưu, có công điện đối với các địa phương trong vấn đề về việc phòng, chống dịch đối với người di chuyển.
Theo đó, những người đi từ Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Thành phố Hồ Chí Minh về các địa phương - là nhóm đối tượng có yếu tố nguy cơ và Bộ Y tế chỉ đạo phải xét nghiệm, cách ly, theo dõi, giám sát y tế chặt chẽ. Tuy nhiên, số lượng người dân đi lại rất lớn nên Bộ Y tế đề nghị các địa phương tiếp tục thực hiện theo tinh thần chung của Nghị quyết 128/NQ-CP. Chúng ta không có ngăn sông cấm chợ, không có cản trở việc đi lại nhưng phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch khi người dân trở về địa phương, nên có kế hoạch đưa đón, từ đó có kế hoạch phòng, chống dịch hiệu quả như theo dõi, giám sát y tế, cách ly phù hợp...
"Chuyển sang trạng thái ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 không thể không có ca nhiễm. Nhưng chúng ta phải kiểm soát và quản lý rủi ro, có nghĩa, quản lý nguy cơ có thể chuyển nặng và tử vong. Vì vậy, Nghị quyết 128/NQ-CP nêu rõ các địa phương phải tăng tốc tiêm phủ vaccine cho người trên 65 và 50 tuổi. Mặt khác, phải củng cố hệ thống y tế để đảm bảo khi bệnh nhân bị nặng, có cơ sở y tế để có thể cấp cứu, điều trị kịp thời. Đây chính là giải pháp tất cả các nước cũng đã thực hiện, triển khai trong thời gian qua", Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết.
Diệp Trương