Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk chắp cánh ước mơ cho trẻ em vùng biên

Ban tổ chức tặng quà, tuyên dương các em học trong chương trình “Con nuôi Đồn Biên phòng”. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN
Ban tổ chức tặng quà, tuyên dương các em học trong chương trình “Con nuôi Đồn Biên phòng”. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN

Tỉnh Đắk Lắk có 4 xã biên giới thuộc 2 huyện Buôn Đôn và Ea Súp, đời sống nhân dân các dân tộc còn khó khăn, thiếu thốn, nhiều trẻ em đứng trước nguy cơ “đứt gãy” việc học vì hoàn cảnh gia đình. Để “tiếp sức” cho trẻ em nghèo vượt khó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk đã thực hiện các chương trình “Con nuôi Đồn Biên phòng” và “Nâng bước em đến trường”. Từ sự hỗ trợ của các chương trình, nhiều trẻ em vùng biên đã tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ giảng đường và thành công trong tương lai.

“Nâng bước” kịp thời, chắp cánh ước mơ

Chương trình "Nâng bước em tới trường” được Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk triển khai từ năm 2014. Theo đó, các phòng, Văn phòng, các đồn Biên phòng, Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động và cá nhân các đồng chí trong Bộ Chỉ huy trên tinh thần trách nhiệm, sự chia sẻ với đồng bào các dân tộc khu vực biên giới tự nguyện ủng hộ kinh phí hỗ trợ 500.000 đồng/em/tháng.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk chắp cánh ước mơ cho trẻ em vùng biên ảnh 1Ban tổ chức tặng quà, tuyên dương các em học sinh khá, giỏi trong chương trình “Nâng bước em tới trường”. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN

Bên cạnh đó, Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk thường xuyên cử cán bộ gặp gỡ, giúp đỡ về vật chất, động viên tinh thần, hướng dẫn các em học tập, rèn luyện và hoạt động thể chất; giữ mối liên hệ chặt chẽ với địa phương, gia đình và nhà trường nơi các em theo học để trao đổi thông tin, nắm tình hình học tập, rèn luyện để kịp thời động viên, khuyến khích những việc làm tích cực, kết quả, thành tích tiêu biểu. Từ chương trình này nhiều em học sinh đã được hỗ trợ kịp thời để theo đuổi ước mơ học tập.

Hồ Thị Thu Thảo (xã Ia Rvê, huyện Ea Súp) là một trong những em được “nâng bước” kịp thời từ chương trình “Nâng bước em đến trường”, cùng với sự nỗ lực của bản thân, Thảo đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, trở thành cô sinh viên năm thứ 3 của Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh.

Hồ Thị Thu Thảo chia sẻ, em sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông khó khăn nên em và em trai có nguy cơ phải bỏ học giữa chừng. Nhưng may mắn, vào năm học lớp 8, tại thời điểm phải lựa chọn việc nghỉ học ở nhà giúp đỡ bố mẹ thì được các chú Bộ đội Biên phòng nhận đỡ đầu, giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần để có điều kiện được đến trường và thực hiện ước mơ đi tiếp con đường học tập.

“Tấm lòng ấm áp và lớn lao của các bác, các cô, chú Bộ đội Biên phòng đã sưởi ấm cho những số phận nhỏ bé của những em học sinh vùng biên có hoàn cảnh khó khăn. Chính điều đó đã nâng đỡ cho chúng cháu trong cuộc sống, chắp cảnh cho ước mơ bay cao hơn, xa hơn. Bản thân cháu sẽ tiếp tục cố gắng hơn nữa trong học tập, rèn luyện để có kết quả tốt nhất, sớm có nghề nghiệp ổn định để giúp đỡ gia đình, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, cùng với các chú Bộ đội Biên phòng xây dựng vùng biên cương ngày càng giàu đẹp”, em Thu Thảo xúc động nói.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk chắp cánh ước mơ cho trẻ em vùng biên ảnh 2Ban tổ chức tặng quà, tuyên dương các em học sinh khá, giỏi trong chương trình “Nâng bước em tới trường”. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN

Cùng hoàn cảnh tương tự, em H’ Vi Na Kul, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn cho biết, năm 2021, gia đình gặp biến cố lớn khi em trở thành trẻ mồ côi mẹ. Việc học tập tưởng chừng phải dừng lại nhưng may mắn được các chú Bộ đội Biên phòng nhận đỡ đầu thông qua chương trình "Nâng bước em tới trường” và ước mơ tiếp tục đi học cũng trở thành hiện thực. Hiện em đã là học sinh lớp 10 của Trường Trung học Phổ thông nội trú Nơ Trang Lơng, không ngừng nỗ lực, vượt khó vươn lên trong học tập để tiếp tục thực hiện mơ ước bước vào giảng đường Đại học.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk chắp cánh ước mơ cho trẻ em vùng biên ảnh 3Ban tổ chức tặng xe đạp cho các em học sinh khá, giỏi trong chương trình “Nâng bước em tới trường”. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN

Từ khi triển khai đến nay, Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk đã nhận đỡ đầu 247 em theo chương trình "Nâng bước em tới trường” và “Con nuôi Đồn Biên phòng". Riêng năm học 2021-2022, Bộ đội Biên phòng tỉnh nhận đỡ đầu 39 em học sinh trong chương trình “Nâng bước em tới trường” và 4 em trong chương trình “Con nuôi Đồn Biên phòng”. Đây là những em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khi gia đình thuộc hộ nghèo, mồ côi bố hoặc mẹ. Kết thúc năm học, trong số 43 học sinh, có 8 em học sinh giỏi, 22 em học sinh khá.

Rèn đức luyện tài cho trẻ em vùng biên

Đối với chương trình “Con nuôi Đồn Biên phòng” các đơn vị Đồn Biên phòng triển khai từ năm 2019. Quá trình được nuôi dưỡng trực tiếp tại Đồn Biên phòng, các cháu được bố trí nơi ăn, ở, góc học tập riêng; được cán bộ, chiến sĩ quan tâm chỉ bảo trong sinh hoạt, kèm cặp, củng cố kiến thức; hướng dẫn luyện tập nâng cao thể lực; làm quen với hoạt động chăn nuôi, trồng trọt, tăng gia để hình thành ý thức tự lập, tham gia các hoạt động tập thể, bồi dưỡng kỹ năng, phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, sở trường giúp các cháu phát triển toàn diện.

Em Đinh Tiến Lợi, xã Ia R’vê, huyện Ea Súp là một trong những con nuôi “đời đầu” của chương trình “Con nuôi Đồn Biên phòng” khi được nhận nuôi từ năm 2019. Lợi là con út trong gia đình có 5 anh, chị em, bố mất khi em mới tròn 1 tuổi, mẹ bị bệnh tim, không có việc làm ổn định, hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn. Từ khi được nhận về nuôi dưỡng tại Đồn Biên phòng Ia R’vê, em Lợi được chăm sóc chu đáo, kèm cặp trong học tập và được tham gia một số hoạt động rèn luyện thể dục thể thao, tăng gia sản xuất, vui đùa cùng những người lính trẻ tại Đồn Biên phòng.

Theo đại diện của Đồn Biên phòng Ia R'vê, cả đơn vị ai cũng yêu thương Lợi như con đẻ, chăm sóc em bằng tình cảm của người cha, người chú, người anh. Đơn vị cũng cử hai cán bộ trẻ gần gũi, hằng ngày lo việc ăn uống, dạy học bài, đưa đón đến trường và tập cho em làm quen với mọi sinh hoạt trong cuộc sống, rèn tính tự lập. Đơn vị nhận nuôi em Lợi đến khi học hết lớp 9, kinh phí nuôi dưỡng do cán bộ, chiến sĩ đóng góp. Sau đó em sẽ tiếp tục được Bộ đội Biên phòng tỉnh hỗ trợ theo chương trình “Nâng bước em đến trường” đến khi đủ 18 tuổi.

Bà Nông Thị Cần - mẹ của Đinh Tiến Lợi chia sẻ, từ khi Lợi vào ở, học tập, sinh hoạt cùng các chú bộ đội, cháu học tập tiến bộ hơn và tính tự lập cũng cao hơn. Gia đình rất yên tâm khi cháu Lợi được chăm sóc, rèn luyện cùng các chú bộ đội. Bà Cần cũng gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các chú bộ đội đã giúp đỡ, hỗ trợ gia đình và đồng bào các dân tộc khu vực biên giới nhất là đối với các thế hệ tương lai.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk chắp cánh ước mơ cho trẻ em vùng biên ảnh 4Ban tổ chức tặng quà, tuyên dương các em học trong chương trình “Con nuôi Đồn Biên phòng”. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN

Theo Đại tá Phạm Hữu Chiến, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk, chương trình "Nâng bước em tới trường" và "Con nuôi Đồn Biên phòng" mang tính nhân văn sâu sắc. Thông qua các chương trình này cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tri ân đồng bào các dân tộc khu vực biên giới cũng như ươm mầm, tạo điều kiện cho các học sinh, thế hệ tương lai ở khu vực biên giới được học tập, phát triển trong môi trường tốt nhất. Trong thời gian tới, các chương trình tiếp tục triển khai và mong nhận được sự hỗ trợ giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội, các nhà hảo tâm cùng với Bộ đội Biên phòng tỉnh thực hiện các chương trình ý nghĩa này.

Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk, để tiếp tục phát huy tốt hiệu quả của các chương trình, trong thời gian tới Bộ đội Biên phòng tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các ban ngành, đoàn thể tuyên truyền sâu rộng để các cấp, các ngành và nhân dân hiểu sâu sắc mục đích, ý nghĩa nhân văn của chương trình từ đó tạo sự lan tỏa, sự đồng tình, ủng hộ trong cộng đồng.

Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp chặt chẽ với địa phương, gia đình và nhà trường quan tâm, chăm lo, động viên các cháu, đồng thời phân công, giao nhiệm vụ cho cán bộ kèm cặp, hướng dẫn, theo dõi, tạo điều kiện giúp đỡ các em trong học tập, rèn luyện, nuôi dưỡng các cháu để các em có điều kiện đến trường học tập, rèn luyện ngày càng tiến bộ.

Tuấn Anh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm