Hoa màu bị chết do hạn hán kéo dài ở Bình Thuận. Ảnh: Mạnh Linh-TTXVN |
Theo đó, tỉnh Bình Thuận giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn theo từng nội dung công việc tại Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 14/CT-UBND ngày 27/11/2019 của UBND tỉnh. Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các sở, ngành, địa phương xác định, khoanh vùng những khu vực bị ảnh hưởng do hạn hán; triển khai ngay phương án ứng phó với rủi ro thiên tai do hạn hán cấp độ 2 tuân thủ nội dung quy định tại Khoản 2, Điều 26 Luật Phòng, chống thiên tai. Cùng với việc tổ chức triển khai ngay các dự án, công trình cấp bách đã được phê duyệt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên theo dõi chặt chẽ tình hình điều tiết nước từ hồ chứa thủy điện Đại Ninh và Hàm Thuận để bổ sung nguồn nước phòng, chống hạn hán cho vùng hạ du đồng thời xây dựng kế hoạch sản xuất vụ Hè Thu theo các phương án: Mưa đảm bảo nước tưới trước 15/5; mưa từ 15/5 đến trước 30/6 và sau 30/6. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi đẩy nhanh tiến độ các công trình trong kế hoạch tu sửa năm 2020 của công ty; rà soát đề xuất các công trình cấp bách để dẫn nước, trữ nước cung cấp nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất; tăng cường nạo vét các cửa lấy nước tại các hồ chứa, đập dâng, các tuyến kênh trục chính, các tuyến kênh chuyển nước, xây dựng các trạm bơm dã chiến bơm tận dụng mực nước chết ở các hồ chứa, các ao bàu để phục vụ chống hạn. Sở Kế hoạch và Đầu tư, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh ưu tiên phân bổ nguồn vốn để thực hiện khẩn cấp các dự án, công trình ứng phó hạn hán. Các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nước tiết kiệm, đầu tư bồn, bể chứa nước hộ gia đình; thực hiện ngay các phương án ứng phó xử lý tình huống hạn hán, thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn. Các huyện, thị xã, thành phố chủ động sử dụng ngân sách của địa phương triển khai ngay các biện pháp để kịp thời giải quyết nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho nhân dân, tuyệt đối không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt, đặc biệt là các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn Bình Thuận, thời tiết nắng nóng kéo dài và không có mưa, làm nhiệt độ tăng cao, dòng chảy trên các sông, suối thiếu hụt, nguồn nước ngầm cũng bị suy giảm mạnh. Các giếng khoan, giếng đào ở các địa phương trong tỉnh hầu hết đều trong tình trạng cạn nước, có nhiều khu vực không còn nước hoặc bị nhiễm mặn. Các địa phương trong tỉnh đều đang bị hạn hán, không có nguồn nước sản xuất (ngoại trừ khu vực Đồng bằng sông La Ngà nhờ sử dụng nguồn nước thủy điện Hàm Thuận), thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, đặc biệt tại các huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc… Vụ Đông Xuân năm 2019- 2020, toàn tỉnh phải cắt giảm hơn 15.000 ha diện tích sản xuất để ưu tiên nước phục vụ sinh hoạt, nước uống cho gia súc, gia cầm. Vụ Hè Thu năm nay, tỉnh chỉ gieo trồng tại khu vực Đồng bằng sông La Ngà với tổng diện tích khoảng 12.000 ha. Ngoài ra, toàn tỉnh có hơn 13 nghìn ha cây thanh long tại hai huyện Bắc Bình và huyện Hàm Thuận Bắc thiếu nước tưới, bị khô héo. Nhiều diện tích cây trồng nông nghiệp, cây lâu năm, hoa màu… cũng thiếu nước tưới dẫn đến năng suất đạt thấp. Bên cạnh đó, tỉnh hiện có hơn 26.000 hộ với 98.000 nhân khẩu tại 39 xã, phường, thị trấn thiếu nước sinh hoạt cục bộ. Một số người dân phải mua nước sinh hoạt với giá dao động từ 80 đến 120.000 đồng/m3 nước…
Hồng Hiếu