Lực lượng kiểm lâm Bù Đốp kiểm tra nguồn nước chữa chay. Ảnh: K GỬIH -TTXVN |
Trước tình hình trên, lực lượng chức năng địa phương đang triển khai nhiều giải pháp phòng, chống cháy rừng, sẵn sàng ứng phó khi có sự cố xảy ra. Tại huyện Bù Đốp, Trạm Kiểm lâm Bù Đốp và các đơn vị chủ rừng đã đào hố nhân tạo chôn 22 hồ nhựa chứa nước dưới đất ở những khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng. Mỗi hồ nhựa chứa từ 2m3 đến 30m3 nước. Đặc biệt, trong rừng có 4 hồ xây bằng bê tông, mỗi hồ khoảng 37m3. Nước trong hồ lúc nào cũng sẵn sàng chuẩn bị cho công tác phòng chống cháy rừng 24/24h. Tại các khu vực trọng điểm, Ban Quản lý rừng phòng hộ Bù Đốp đã phân công ba chốt, mỗi chốt có 6-7 người để thường xuyên tuần tra trong rừng. Ngoài ra, các đơn vị còn thường xuyên tu sửa, tích nước các hồ trong rừng và bố trí người trực thường xuyên ở những khu vực nhạy cảm có nguy cơ xảy ra cháy rừng. Ông Nguyễn Tiến Hà, Chốt trưởng chốt tuần tra Ban bảo vệ rừng phòng hộ huyện Bù Đốp cho biết: Bước vào mùa khô, đơn vị tổ chức phát các đường băng cản lửa và bố trí người trực 24/24, nhất là thời điểm buổi trưa nắng; bố trí lực lượng tuần tra, trực địa bàn, thường xuyên kiểm tra các hồ nước, sẵn sàng ứng phó khi có sự cố cháy rừng xảy ra.
Lực lượng kiểm lâm kiểm tra công tác phòng cháy rừng ở huyện Bù Đốp. Ảnh: K GỬIH -TTXVN |
Tại khu vực cạnh rừng Bù Đốp hiện còn có hơn 10 hộ dân đang trồng cây điều, hồ tiêu từ dự án cấp đất an sinh xã hội. Để hạn chế thấp nhất nguy cơ xảy ra cháy rừng, ngoài đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh huyện, xã về quy định về bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, các đơn vị chủ rừng, Kiểm lâm còn yêu cầu người dân sống trong rừng, ven rừng cam kết không thực hiện hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng, báo cho lực lượng chức năng khi phát hiện đối tượng xâm hại rừng. Điển hình là hộ ông Trương Tuấn, người dân ấp Tân Lập, xã Phước Thiện, huyện Bù Đốp. Năm 2016, gia đình ông nhận đất an sinh xã hội cạnh rừng. Tại đây, gia đình dựng nhà, trồng cây hồ tiêu trên diện tích khoảng 1 ha. Thời gian qua, gia đình ông cũng như nhiều hộ dân khác đã trở thành “tay mắt” đắc lực của lực lượng bảo vệ rừng. Qua đó, những hộ dân này cung cấp thông tin nhiều trường hợp vào rừng để kịp thời ngăn chặn tránh gây ra cháy rừng cũng như khai thác rừng trái phép. Ông Hà Văn Thoại, cán bộ phụ trách địa bàn xã Phước Thiện, Hạt Kiểm lâm Bù Đốp cho biết: Có nhiều nguyên nhân gây cháy rừng, trong đó có việc người dân vào rừng bắt ong vào cao điểm mùa khô, sử dụng lửa trong rừng. Do đó, hàng ngày, đơn vị thường xuyên kiểm tra, ngăn chặn các đối tượng vào rừng để hạn chế nguy cơ xảy cháy rừng trong mùa khô. Ngoài ra, đơn vị chuẩn bị các thiết bị như máy cày phun nước, xe máy, nước trong rừng để sẵn sàng ứng phó khi có sự cố xảy ra. Những sáng tạo trong việc cải tiến phương tiện, thiết bị, công cụ phòng chống cháy rừng như: Máy cày có gắn máy bơm nước công suất lớn, bồn chứa nước, máy thổi gió, máy phát cỏ, xe gắn máy chữa cháy có gắn máy và bồn nước, xe đạp thồ chữa cháy, máy bơm cao áp, tấm chắn lửa... của lực lượng bảo vệ rừng ở Bù Đốp sẽ góp phần hạn chế nguy cơ xảy ra cháy rừng trong mùa khô, bảo vệ tài nguyên của quốc gia.
K GỬIH