Được đánh giá là một trong những địa phương có môi trường đầu tư kinh doanh tốt ở khu vực phía Nam, Bình Dương đang hướng tới mục tiêu thu hút các nguồn vốn chất lượng, tạo nên giá trị gia tăng cao bằng việc không ngừng cải cách thủ tục hành chính, đồng hành và tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp.
Bài 3 (Tiếp theo và hết): Hướng tới mô hình khu công nghiệp - khu đô thị - khu dịch vụ
Nâng cao chất lượng đầu tư
Bình Dương đặt mục tiêu phấn đấu thu hút vốn FDI đăng ký giai đoạn 2021-2025 đạt trên 9 tỷ USD. Trong đó, ưu tiên những dự án công nghệ cao, sử dụng ít lao động và đem lại giá trị gia tăng cao.
Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, cho biết: Bình Dương xác định công nghiệp là ngành chủ lực, thúc đẩy phát triển kinh tế phát triển bền vững. Do đó, tỉnh đã có nhiều chính sách ưu tiên phát triển công nghiệp, nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng dịch vụ, công nghiệp.
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ, lựa chọn ưu tiên các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp điện tử, công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng thông minh…, từng bước hình thành chuỗi ngành công nghiệp sạch, công nghệ đi đôi với bảo vệ môi trường. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tập trung vào các khâu tạo giá trị gia tăng cao gắn với quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa.
Để khai thác thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào phát triển kinh tế của tỉnh cũng như phát triển kinh tế số, cùng với việc thu hút đầu tư, Bình Dương đang xây dựng một chiến lược chuyển đổi số toàn diện trên toàn tỉnh, trong cả khu vực công và khu vực tư nhân, doanh nghiệp.
Chuyển đổi số sẽ giúp Bình Dương tối ưu hóa các hoạt động ở cả khu vực công và tư, tối ưu hóa các mô hình kinh doanh đã hiện hữu, tăng năng suất lao động, giảm thâm dụng lao động. Với thành tựu phát triển các khu công nghiệp và thu hút đầu tư những năm qua, Bình Dương có lợi thế rất lớn để phát triển công nghệ số và công nghiệp 4.0.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Becamex IDC cho biết, trong thời gian tới, Becamex IDC sẽ hỗ trợ các nhà đầu tư trong các khu công nghiệp nâng cấp dần mô hình sản xuất của doanh nghiệp lên 4.0, đặc biệt là hỗ trợ giải pháp thông minh cho các doanh nghiệp đang hoạt động tại các khu công nghiệp do Becamex đầu tư.
Bình Dương cũng xây dựng chiến lược chuyển đổi số cấp tỉnh, trong đó, tập trung đẩy nhanh phát triển chính quyền điện tử, và chuyển đổi số trong công nghiệp, phát triển sản xuất thông minh, nhà máy thông minh, ứng dụng các công nghệ cốt lõi như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, blockchain… Qua đó, hình thành mô hình các khu công nghiệp mới ứng dụng công nghệ và kinh tế số, cũng như góp phần nâng cấp những khu công nghiệp truyền thống đã hiện hữu.
“Để đạt được mục tiêu trên, trước hết, các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp phải kết nối với nhau thành chuỗi cung ứng trong chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa, tạo năng suất lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, hướng đến nền kinh tế tri thức, kinh tế số, đón đầu những cơ hội phát triển mới.”, ông Nguyễn Văn Hùng chia sẻ.
Đổi mới các hoạt động xúc tiến đầu tư
Để thích ứng với các diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, các doanh nghiệp đang có xu hướng tái cơ cấu chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng nhằm đa phương hóa, đa dạng hóa đầu tư để tránh phụ thuộc vào một quốc gia, một đối tác và tìm kiếm các địa điểm đầu tư mới an toàn và hiệu quả hơn.
Nắm bắt xu hướng đó, thời gian qua, Bình Dương đã phối hợp với các bộ, ngành và hiệp hội doanh nghiệp tổ chức các hội thảo, hội nghị trực tuyến xúc tiến đầu tư với các quốc gia như Nhật Bản, Bỉ, Italy, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan... thu hút sự quan tâm của đông đảo các doanh nghiệp, tập đoàn lớn các nước.
Với cách làm mới, phù hợp với tình hình thực tế, Bình Dương thường xuyên cập nhật những thông tin mới nhất về môi trường đầu tư kinh doanh của Bình Dương, các chính sách thuế về đất đai, nguồn lao động, năng lượng, chế độ, chính sách thu hút đầu tư của tỉnh; các lĩnh vực cần thu hút đầu tư… để đón dòng vốn đầu tư nước ngoài mới và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư đến kinh doanh lâu dài.
Song song đó, để duy trì lợi thế thu hút đầu tư, Bình Dương tiếp tục cải cách thủ tục hành chính và triển khai ứng dụng thông tin trong cung cấp dịch vụ công để giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp; duy trì thực hiện hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng, bảo đảm thời gian xử lý các thủ tục hành chính nhanh gọn; tích hợp các dịch vụ tiện ích trong hỗ trợ doanh nghiệp…
Cùng với đó, các sở, ngành, địa phương nỗ lực hỗ trợ, cung cấp thông tin; giải quyết khó khăn vướng mắc trong quá trình đầu tư kinh doanh và hướng dẫn thủ tục đầu tư, thúc đẩy mở rộng đầu tư kinh doanh, nâng cao tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện của các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Ông Bùi Minh Trí, Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp Bình Dương cho biết, từ nay đến năm 2025, Bình Dương đặt mục tiêu phát triển các khu công nghiệp bền vững theo mô hình “3 trong 1” (khu công nghiệp - khu đô thị - khu dịch vụ) với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại.
Chính vì vậy, tỉnh đã xây dựng nhiều cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vào các khu công nghiệp; đồng thời, tích cực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thủ tục pháp lý về đất đai cho nhà đầu tư thứ cấp trong các khu công nghiệp.
Theo ông Mai Bá Trước, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, để đón đầu làn sóng đầu tư hậu COVID-19, Bình Dương đã chủ động tổ chức các cuộc làm việc với nhà đầu tư để xúc tiến đầu tư, giới thiệu và tìm kiếm địa điểm, hướng dẫn thủ tục triển khai các bước cụ thể nhằm tạo thuận lợi cho nhà đầu tư thực hiện dự án.
Lãnh đạo Bình Dương luôn cam kết tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các nhà đầu tư trên tinh thần đồng hành, chia sẻ khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư để nâng cao sức cạnh tranh của tỉnh, hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững và hiện đại./. (Hết)
Hồng Ngọc