Những rạn san hô ven bờ biển Hòn Cau. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN |
Khu bảo tồn biển Hòn Cau là một trong 16 hệ thống khu bảo tồn biển trong cả nước đã được trình Chính phủ phê duyệt. Vùng nước xung quanh khu vực Hòn Cau có sự hiện diện sinh thái biển nhiệt đới điển hình. Sự đa dạng và phong phú của tài nguyên sinh vật biển cùng cảnh quan độc đáo là cơ sở quan trọng tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của các ngành kinh tế. Đây được xem là khu bảo tồn loài, sinh cảnh thủy sinh, đáp ứng các tiêu chí là khu vực tự nhiên, môi trường sống, sinh trưởng và phát triển của các loại động thực vật biển có giá trị kinh tế và tầm quan trọng của quốc gia, địa phương. Anh Trần Công Lập, Đội trưởng đội tuần tra kiểm soát Khu bảo tồn biển Hòn Cau cho biết: Hòn Cau là một trong những khu bảo tồn biển quan trọng trong cả nước, chỉ cách đất liền khoảng 10 km, diện tích của đảo rộng 140 ha. Toàn bộ diện tích của khu bảo tồn biển rộng khoảng 12.500 ha bao gồm cả diện tích đảo cùng vành đai bảo vệ và các vùng lõi, vùng đệm, vùng phục hồi sinh thái… Đây là khu bảo tồn có hệ sinh thái đa dạng gồm rạn san hô, thảm cỏ biển… và cũng là nơi sinh sống và là bãi đẻ của nhiều loài thủy sinh vật quý hiếm, có giá trị kinh tế và sinh thái quan trọng, trong đó có rùa biển, loại động vật quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng cao. Hòn Cau trở thành Khu bảo tồn biển từ năm 2010. Theo đánh giá của các nhà khoa học, Hòn Cau là vùng biển có các rạn san hô nguyên thủy dài hơn 2 km, còn giữ được độ bao phủ cao với trên 230 loài san hô, trong đó có nhiều loài chỉ có ở vùng biển này. Khu vực phía đông và đông bắc của Hòn Cau có các rạn ngầm là bãi đẻ của những loài tôm hùm quý hiếm. Theo anh Trần Công Lập, công tác tuiần tra kiểm soát được tăng cường đã ngăn chặn kịp thời nhiều vụ khai thác thủy sản ở vùng cấm và mua bán vận chuyển san hô trái phép… Nhờ đó, đã có sự phục hồi đáng kể các rạn san hô, hệ sinh cảnh, các loài động, thực vật.
Nhiều loài sinh vật biển quý hiếm dễ dàng bắt gặp ven biển Hòn Cau.
Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN
|
Biển Tuy Phong được các nhà khoa học đánh giá là nơi có nhiều rùa biển sinh sống, trải dài từ bãi biển xã Vĩnh Tân đến xã Bình Thạnh. Tuy nhiên, rùa biển thường chỉ đẻ trứng tập trung nhiều nhất ở Khu bảo tồn biển Hòn Cau. Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho rùa mẹ vào mùa sinh sản, cán bộ khu bảo tồn thường xuyên ra bãi rùa để canh rùa lên đẻ. Khi phát hiện rùa đẻ sẽ lập tức di dời ổ trứng và xóa sạch dấu vết của rùa mẹ nhằm tránh việc các cá nhân mong muốn trục lợi từ rùa biển mà lần theo dấu vết của chúng. Theo anh Trần Công Lập, chỉ tính riêng trong năm 2016, các anh em trong Khu bảo tồn đã bảo vệ thành công 13 ổ trứng rùa, với hàng 1.000 cá thể rùa con được thả về biển. Tuy nhiên hiện nay, Khu bảo tồn biển Hòn Cau đang đối diện với nguy cơ ô nhiễm môi trường, nhất là từ khi các nhà máy tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân đi vào hoạt động. Trước thực trạng này, tỉnh Bình Thuận đã yêu cầu các nhà máy phải giải quyết tình trạng than rơi vãi theo nước mưa chảy ra biển. Điều này làm nước biển biến thành màu đen tại khu vực cảng nhập than. Ngoài ra, các cơ quan phải giám sát chặt tình hình vận chuyển tro xỉ và triển khai bảo vệ môi trường không để xảy ra sự cố. Về lâu dài hoạt động của các nhà máy nhiệt điện sẽ tác động nhất định đến Khu bảo tồn biển Hòn Cau. Do đó, tỉnh Bình Thuận đã đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam báo cáo, đề xuất với Bộ Công Thương có các biện pháp xử lý tình trạng ô nhiễm. Trước mắt đề nghị xem xét, bố trí các hệ thống quan trắc để đánh giá mức độ tác động và kịp thời xử lý.
Bãi Tiên, một trong những điểm đến hoang sơ và đẹp của đảo Hòn Cau.
Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN
|
Vấn đề ô nhiễm môi trường đã làm cho Ban quản lý Khu bảo tồn biển Hòn Cau thêm lo lắng khi đầu tháng 11/2016, nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 (huyện Tuy Phong) có văn bản xin cấp phép nhận chìm 1,5 triệu mét khối vật liệu sau nạo vét xuống biển gần khu vực Hòn Cau. Theo nhận định của Sở Tài nguyên và môi trường Bình Thuận, việc nhận chìm vật liệu sau nạo vét xuống biển tiềm ẩn nguy cơ tác động đến môi trường biển rất lớn, nhất là Khu bảo tồn biển Hòn Cau.