Ông Nguyễn Phương Đông, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu cho biết, những loài động vật, thực vật xâm lấn có nguồn gốc từ nơi khác du nhập vào các khu rừng Pù Hu. Chúng có khả năng phát triển nhanh, làm mất khả năng gieo giống, tái sinh tự nhiên của các loài cây bản địa và cạnh tranh thức ăn với các loài động vật quý hiếm, gây mất cân bằng hệ sinh thái. Việc thực hiện dự án trên giúp Ban Quản lý có được ra các giải pháp để ngăn chặn, kiểm soát, diệt trừ có hiệu quả các loài ngoại lai, bảo tồn được các loài động, thực vật quý hiếm có trong các tiểu khu rừng Pù Hu.
Thực hiện dự án, Ban Quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu đã tổ chức 2 đợt điều tra hiện trạng phân bố các loài động, thực vật xâm lấn trên 27.502,89 ha rừng Pù Hu, thuộc địa phận 2 huyện Mường Lát, Quan Hóa; thực hiện nghiên cứu quá trình phát triển các loài ngoại lai này trên 53 thôn, bản; từ đó xác định được sự phân bố 4 loài thực vật ngoại lai bên trong các tiểu khu rừng thuộc Khu bảo tồn gồm cỏ Lào, Trinh nữ móc, Keo giậu, cây Ngũ sắc.
Thực hiện dự án, Ban Quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu đã tổ chức 2 đợt điều tra hiện trạng phân bố các loài động, thực vật xâm lấn trên 27.502,89 ha rừng Pù Hu, thuộc địa phận 2 huyện Mường Lát, Quan Hóa; thực hiện nghiên cứu quá trình phát triển các loài ngoại lai này trên 53 thôn, bản; từ đó xác định được sự phân bố 4 loài thực vật ngoại lai bên trong các tiểu khu rừng thuộc Khu bảo tồn gồm cỏ Lào, Trinh nữ móc, Keo giậu, cây Ngũ sắc.
Loài thực vật xâm lấn cây trinh nữ mọc tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN |
Bên cạnh đó, tại khu vực vùng đệm, cán bộ dự án cũng phát hiện sự phân bố của loài Ốc bươu vàng, là loài phát triển nhanh, vòng đời ngắn, có thể ăn được hầu hết các loài thực vật nên Ốc bươu vàng đang gây ra mối đe dọa đến sự suy thoái đa dạng sinh học. Từ kết quả điều tra trên, Ban Quản lý dự án đã xác định các loài động, thực vật xâm lấn thường xuất hiện ở khu vực trước đây có con người sinh sống, canh tác, chúng đang là mối đe dọa đến các loài động, thực vật bản địa quý hiếm sống tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu.
Loài động vật xâm lấn ốc bươu vàng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN |
Trước sự nguy hại của các loài động, thực vật xâm lấn đang ngày một phát triển, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu đã tổ chức 1 lớp tập huấn nâng cao năng lực điều tra, diệt trừ các loài ngoại lai xâm hại cho 30 cán bộ kiểm lâm khu bảo tồn và cán bộ các xã vùng đệm; tổ chức được 15 hội nghị cấp thôn, bản nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về các loài ngoại lai xâm hại với 750 lượt người tham gia.
Ngoài tập huấn cho người dân, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu còn thành lập mạng lưới thông tin về loài xâm lấn, tố giác các hành vi xâm hại tài nguyên rừng, qua đó đã tiếp nhận, xử lý 35 thông tin phản ánh, tố giác qua điện thoại về loài xâm lấn.
Cán bộ lâm nghiệp đang khoanh vùng các loài thực vật xâm lấn tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN |
Trong năm 2018, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu tiếp tục phối hợp với chính quyền, nhân dân các xã quanh khu bảo tồn để kiểm soát, ngăn chặn các loài động, thực vật xâm lấn; thử nghiệm các phương pháp sinh học, hóa học, thủ công mới nhằm diệt trừ các loài này, góp phần bảo vệ các loài động, thực vật bản địa, duy trì tính đa dạng sinh học tại các khu rừng Pù Hu.
Nguyễn Nam