Quốc lộ 37 đi qua tỉnh Sơn La có chiều dài gần 140 km, đây là tuyến đường có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và khu vực Tây Bắc. Các dự án cải tạo, nâng cấp đã được triển khai, tuy nhiên do địa hình phức tạp, vào mùa mưa lũ, tuyến đường này thường xuyên bị sạt lở gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Quốc lộ 37 đoạn qua đèo Chẹn, huyện Bắc Yên là một trong những vị trí thường xuyên xảy ra sạt lở. Trên các cung đường đèo dốc, liên tiếp bắt gặp những điểm sạt lở với lượng lớn đất đá, cây cối bật gốc từ taluy dương tràn ra mặt đường. Điều này đã gây khó khăn cho việc lưu thông của các phương tiện.
Anh Trịnh Tiến Dậu, lái xe chở hàng tuyến Phú Thọ - Sơn La chia sẻ, hàng ngày, anh đều chở hàng lên Sơn La và quay về theo tuyến đường này. Mỗi khi trời mưa, tuyến đường Quốc lộ 37 thường xuyên sạt lở khiến việc đi lại rất khó khăn, nguy hiểm cho tài xế. Mọi người mong cơ quan chức năng có phương án đảm bảo an toàn để người và phương tiện đi lại thuận tiện.
Theo thống kê, chỉ tính riêng từ đầu tháng 9/2022 đến nay, tuyến đường này đã xuất hiện gần 60 vị trí sạt lở taluy dương và taluy âm, khối lượng đất đá bị sạt là trên 10.000 m3. Tại các điểm xung yếu, đơn vị đảm bảo giao thông đã bố trí máy móc trực sẵn. Tuy nhiên, việc khắc phục vẫn gặp khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Lợi, Phó Ban Quản lý và bảo trì đường bộ, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Sơn La thông tin, các phương án đảm bảo giao thông đã được xây dựng hàng năm. Tuy nhiên, do đặc thù địa hình, tuyến đường này vẫn còn xảy ra những điểm sạt lở bất ngờ. Ngoài ra, mưa bão thường xuyên xảy ra trong đêm nên việc các đơn vị huy động máy móc, con người để khắc phục rất vất vả. Cùng với đó, hàng năm, các dự án sửa chữa, nâng cấp Quốc lộ 37 theo định kỳ đã được Tổng cục Đường bộ Việt Nam triển khai nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân thuận lợi, thông suốt và an toàn.
Quốc lộ 37 là tuyến đường có nhiệm vụ kết nối các huyện Mai Sơn, Phù Yên, Bắc Yên với trung tâm tỉnh Sơn La; phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, tìm kiếm cứu nạn, giảm nhẹ thiên tai và đảm bảo quốc phòng - an ninh của khu vực. Đây còn là tuyến đường phá thế độc đạo của Quốc lộ 6, đảm bảo giao thông từ Sơn La, Điện Biên về Hà Nội khi có ách tắc trên Quốc lộ 6. Do đó, từ thời điểm tháng 5 đến tháng 10 hàng năm, tỉnh đã yêu cầu các đơn vị quản lý tuyến đường bố trí phương tiện, máy móc, nhân lực trực 24/24 giờ nhằm đảm bảo giao thông được thông suốt. Tuy nhiên, tuyến đường đã được đầu tư xây dựng đã lâu, đi qua khu vực có điều kiện địa hình phức tạp, ảnh hưởng của mưa lũ nên vẫn xảy ra tình trạng ách tắc và mất an toàn giao thông.
Ông Cao Viết Thịnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, mùa mưa lũ năm 2022, đặc biệt sau cơn bão số 2, số 3 và trận mưa từ ngày 9-12/9 vừa qua đã gây thiệt hại lớn các công trình giao thông. Theo thống kê, toàn tỉnh đã có trên 6.100 vị trí sụt taluy dương, sa bồi mặt đường, cống, rãnh với khối lượng hơn 30.000 m3. Trước diễn biến bất thường của thời tiết, các đơn vị liên quan đã chủ động nắm bắt, xác định các vị trí xung yếu có nguy cơ xảy ra ách tắc trước mùa mưa lũ. Đồng thời, các đơn vị bảo dưỡng đã lập phương án đảm bảo giao thông, bố trí vật tư, thiết bị máy móc, nhân lực phù hợp, sẵn sàng khi có tình huống xảy ra để thực hiện sửa chữa, khôi phục các hư hỏng công trình trong thời gian nhanh nhất, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.
Hữu Quyết