Lượng khách quốc tế liên tục sụt giảm
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, 4 tháng đầu năm 2015, lượng khách quốc tế đến Việt Nam liên tục sụt giảm. Cụ thể, từ tháng 1- 4/2015, lượng khách quốc tế đã giảm 12,8% so với cùng kỳ năm 2014. Cũng theo Hiệp hội Du lịch, tốc độ tăng trưởng du lịch giảm dần từ 34,8 % (năm 2010) đến 4% (năm 2014). Mặc dù Tổng cục Du lịch đã khẳng định lạc quan về tốc độ tăng trưởng khách quốc tế vào những tháng cuối năm 2015 nhưng thực trạng trên đang gióng lên hồi chông cảnh báo về những khó khăn, thách thức mà ngành du lịch đang phải đối mặt.
Trong khi đó, khách du lịch Việt Nam ra nước ngoài lại đang có chiều hướng tăng mạnh (khoảng 10% năm). Những thị trường nước ngoài mà khách du lịch Việt Nam đặt chân đến nhiều là: Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia, Malaysia, Singapore, Indonesia, Philippines, Myamar, và những thị trường mới nổi như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Âu.
Khách quốc tế tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giảm ở Hà Nội. Ảnh: HT |
Phân tích nguyên nhân sụt giảm khách quốc tế đến Việt Nam, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, khách quốc tế đến Việt Nam liên tiếp giảm trong thời gian qua là do sự bất ổn của khu vực (biển Đông) và một số vùng trên thế giới (Nga, Ukraina). Bên cạnh đó, còn do kinh tế thế giới có biến động (giá USD lên cao, EURO, Yên giảm, giá dầu giảm sâu) làm giảm nhu cầu đi du lịch.
Ngoài ra, một số chính sách mới làm khó cho việc thu hút khách du lịch (chế độ visa mới, bỏ transit, siết lại du lịch tàu biển…). Đặc biệt cơ chế quản lý hiện nay làm hiệu lực quản lý của cơ quan nhà nước bị suy yếu, giảm khả năng chỉ đạo và liên kết các địa phương; công tác xúc tiến thiếu chuyên nghiệp do có quá nhiều cơ quan tham gia; quá nhiều hoạt động văn hóa xã hội nhân danh phát triển du lịch làm cho hình ảnh du lịch Việt Nam ngày càng mờ nhạt trong và ngoài nước; thiếu nguồn lực đầu tư cho xây dựng sản phẩm và hỗ trợ nguồn nhân lực du lịch.
Theo ông Vũ Thế Bình, nếu cứ để tình trạng khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục sụt giảm như hiện nay sẽ rất bất lợi cho ngành du lịch Việt Nam khi các nước láng giềng vẫn đang có những bước tăng trưởng đáng kể. “Nếu để lượng khách quốc tế giảm quá sâu, chúng ta sẽ rất khó để vực được dậy” – Ông Vũ Thế Bình khẳng định.
Miễn visa để tạo đột phá
Nhằm khắc phục cấp bách tình trạng trên, Hiệp hội Du lịch Việt Nam kiến nghị: Mỗi doanh nghiệp cần có kế hoạch hoạt động mạnh mẽ hơn, tham gia tích cực Chương trình kích cầu nội địa và thu hút khách quốc tế vào Việt Nam; đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp khác để xây dựng các sản phẩm hấp dẫn cả về chất lượng và giá cả. Về phía Hiệp hội du lịch Việt Nam, các Hiệp hội chuyên ngành, cần có chương trình hưởng ứng Chương trình kích cầu, chương trình làm sạch môi trường du lịch, đẩy mạnh xúc tiến du lịch, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực du lịch.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến mong muốn Chính phủ quan tâm hỗ trợ cho ngành du lịch bằng các chính sách cụ thể như: chính sách thị thực nhập cảnh; tiếp tục miễn visa cho một số thị trường trọng điểm, trước mắt miễn visa cho các thị trường hàng đầu là Pháp, Anh, Đức, Úc nhằm tạo ra bước đột phá ở các thị trường này.
Thực tế, các nước phát triển như Mỹ, Đức, Anh đã miễn thị thực đơn phương cho 174 quốc gia, Canada miễn cho 173 quốc gia, Hy Lạp miễn cho 169 quốc gia, Úc miễn cho 168 quốc gia; hay gần Việt Nam như Singapore cũng đã miễn thị thực cho 158 quốc gia, Philipines miễn thị thực cho 157 quốc gia; Malaysia miễn thị thực cho 155 quốc gia. Trong khi đó, Việt Nam mới chỉ miễn thị thực cho 16 quốc gia.
Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp du lịch khôi phục và tăng trưởng, đại diện Hiệp hội Du lịch Việt Nam bày tỏ mong muốn ngay lúc này, Chính phủ cần triển khai một số biện pháp như đã từng triển khai năm 2009 là: miễn thuế VAT một năm cho các doanh nghiệp du lịch tham gia Chương trình kích cầu du lịch (từ tháng 7/2015 – 6/2016), cho phép nộp chậm 6 tháng - 1 năm đối với thuế thu nhập doanh nghiệp của các doanh nghiệp này. Miễn lệ phí visa cho tất cả khách quốc tế vào Việt Nam trong 6 tháng từ 7 đến hết tháng 12/2015. Theo ông Vũ Thế Bình, việc miễn thị thực không chỉ giúp tăng trưởng lượng khách, tạo đà cho du lịch phát triển mà nó còn mở rộng hội nhập, giúp thúc đẩy thương mại, giao lưu văn hóa, nâng cao vị thế của Việt Nam.
Đại diện của Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist, ông Vũ Duy Vũ cho rằng, nhằm tạo không khí thoải mái và mong muốn quay trở lại du lịch Việt Nam, Chính phủ nên từng bước miễn visa cho thị trường khách quốc tế. Thời gian qua, thủ tục visa mất nhiều thời gian, gây ảnh huởng rất lớn đến du lịch tàu biển. Nếu trước đây khách du lịch bằng tàu biển được xem là khách quá cảnh (chỉ dừng chân ở Việt Nam 1 ngày) thì nay đều phải khai báo nhập cảnh, với quá nhiều thủ tục vô hình chung tạo ra tâm lý e ngại đối với du khách. Do đó, mong muốn Chính phủ tạo điều kiện để thủ tục xuất nhập cảnh được thực hiện đơn giản hơn, từ đó sẽ có nhiều thời gian giới thiệu, quảng bá các sản phẩm du lịch Việt Nam cho khách du lịch bằng tàu biển.
Mặt khác, trong bối cảnh hiện tại, để tạo điều kiện thuận lợi cho du khách quốc tế, cần triển khai phương thức lấy visa trực tiếp ở cửa khẩu, giống như các nước trong khu vực đã áp dụng, đồng thời sớm triển khai cấp visa điện tử (E-Visa) cho khách quốc tế. Đối với các địa phương, cần chấn chỉnh tình trạng kinh doanh lộn xộn tại các điểm du lịch. Triển khai mạnh mẽ chiến dịch làm sạch môi trường, đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách, xây dựng nếp sống văn hóa, bồi dưỡng kiến thức văn minh trong giao tiếp cho doanh nghiệp và nhân dân tại các khu du lịch./.