Tại Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ và Tuyên dương Người có công với cách mạng toàn quốc năm 2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã dự và có bài phát biểu quan trọng. Sau đây là toàn văn bài phát biểu:
"Thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các đồng chí lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân!
Thưa các đại biểu người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương!
Thưa đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước!
Trong suốt chiều dài lịch sử "sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa", trải qua hàng nghìn năm văn hiến, dựng nước và giữ nước, nhân dân ta với tinh thần yêu nước nồng nàn, đã đoàn kết một lòng, không quản gian khổ, hy sinh, kiên cường đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ độc lập, tự do, và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Trong các cuộc đấu tranh đó, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc đã hiến dâng tuổi thanh xuân, sẵn sàng xả thân cho Tổ quốc, dũng cảm chiến đấu, anh dũng hy sinh hoặc mang thương tật suốt đời. Máu đào và sự cống hiến, hy sinh cao cả của các thương binh, liệt sĩ để đất nước ta nở hoa độc lập, kết trái tự do.
Hôm nay, trong niềm xúc động và tự hào kỷ niệm 75 năm Ngày thương binh, liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2022), thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi xin gửi đến các đồng chí lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, các đồng chí thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng trong cả nước lời thăm hỏi ân cần, những tình cảm sâu nặng và lòng biết ơn sâu sắc.
Bằng sự tri ân và tình cảm trân trọng, với niềm phấn khởi, tự hào, chúng ta nhiệt liệt chào mừng sự có mặt của các đại biểu người có công với cách mạng tiêu biểu đại diện cho hàng triệu người có công với cách mạng có mặt tại Thủ đô Hà Nội dự kỷ niệm hôm nay.
Trong giờ phút trang nghiêm này, với lòng thành kính và biết ơn vô hạn, chúng ta kính cẩn nghiêng mình, tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, các bậc cách mạng tiền bối, các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh quên mình vì Tổ quốc, vì nhân dân.
Thưa đồng bào, đồng chí,
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những hậu quả của chiến tranh vẫn còn ở nhiều địa phương, nhiều vùng đất, nhiều gia đình trên khắp mọi miền đất nước hôm nay. Những vết thương thể chất và tinh thần vẫn còn hằn trên thân thể của những người thương binh và gia đình của những liệt sĩ. Những đau thương, mất mát do chiến tranh để lại cho chúng ta hiểu sâu sắc hơn những giá trị của hòa bình.
Năm nay, chúng ta kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ trong bối cảnh cơn bão dịch bệnh Covid-19 vừa đi qua, còn để lại những di chứng, ảnh hưởng nặng nề đời sống xã hội, cuộc sống của nhân dân cả về vật chất lẫn tinh thần. Vượt lên trên hết, cả dân tộc Việt Nam vượt qua dịch bệnh một cách kiên cường. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, với quan điểm xuyên suốt là đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp vào cuộc quyết liệt, thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch.
Trong hành trình gian nan mà anh dũng chống dịch, chúng ta có sức mạnh của sự đoàn kết, sự đồng lòng của mọi tầng lớp Nhân dân với sự quyết liệt, quyết tâm của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị, của sự chia sẻ, của tình yêu thương và nhân ái…
Điều đặc biệt, chúng ta đã chứng kiến những nghĩa cử cao cả, đẹp đẽ, đó là những tấm gương xả thân hy sinh của quân và dân quên mình vì cộng đồng, vì tính mạng của đồng bào, đồng chí. Những con người không màng sự an toàn của bản thân, dấn thân nơi hiểm nguy tuyến đầu chống dịch, mãi mãi là niềm tự hào của gia đình, sự biết ơn của xã hội, cộng đồng. Nhân dân mãi khắc ghi trong tim những con người anh hùng thời bình ấy!
Sức mạnh đoàn kết của Dân tộc trong bối cảnh vô vàn thách thức ấy còn được thể hiện qua ý chí tự lực, tự cường, nhiều thương binh, bệnh binh, thân nhân Liệt sĩ và gia đình người có công, như các đại biểu người có công với cách mạng tiêu biểu năm 2022 có mặt ngày hôm nay. Đó là những tấm gương vượt lên thương tật, khó khăn, hòa mình vào cuộc sống, tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ trong lao động, sản xuất, công tác, chiến đấu, học tập..., góp phần bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.
Chúng ta chứng kiến thời gian qua xuất hiện nhiều tấm gương trong gia đình thương binh, liệt sỹ, gia đình chính sách đã vượt lên hoàn cảnh khó khăn, sản xuất, kinh doanh giỏi, phụng dưỡng cha mẹ già, nuôi dạy con, cháu trưởng thành, đồng thời tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, các cuộc vận động và phong trào thi đua yêu nước ở địa phương, giúp đỡ nhau trong hoạn nạn, lan tỏa tình yêu thương, nhân ái trong xã hội.
Vô vàn câu chuyện xúc động của gia đình thương binh, liệt sỹ với những tấm gương bình dị mà cao cả, tỏa sáng, nhất là trong những lúc thiên tai, dịch bệnh, góp phần làm rạng rỡ, vinh danh hai tiếng Việt Nam, được bạn bè quốc tế trân trọng ghi nhận và khâm phục đất nước Việt Nam, con người Việt Nam!
Thưa đồng bào và đồng chí!
Đạo lý truyền thống tốt đẹp nghìn đời của Dân tộc Việt Nam luôn chú trọng "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ người trồng cây", 75 năm qua, rất nhiều phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm. Chúng ta đã huy động được nguồn lực to lớn của nhà nước và cộng đồng nhằm thực hiện nhiều chương trình có ý nghĩa như: Nhà tình nghĩa; Quỹ "đền ơn đáp nghĩa"; Sổ tiết kiệm tình nghĩa; Chăm sóc thương binh nặng, chăm sóc bố mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ mồ côi; Phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng… vv...
Những hoạt động này thể hiện tình cảm, trách nhiệm, mang lại hiệu quả to lớn về chính trị- xã hội. Công tác "đền ơn đáp nghĩa", chăm sóc, nâng cao đời sống các hộ gia đình người có công với nước đã đi sâu vào tâm khảm mỗi người dân, như lẽ tự nhiên nhất, tạo nên sức mạnh đoàn kết toàn xã hội. Qua đó đã khơi dậy lòng yêu nước, củng cố nền tảng đại đoàn kết dân tộc và phát huy truyền thống đạo lý của đất nước.
Thưa các đồng chí,
Trước khi đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặc biệt chú ý căn dặn trong bản Di chúc: "Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình. Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn, chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần "tự lực cánh sinh". Đối với các liệt sĩ ở mỗi địa phương, cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh, liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương phải giúp đỡ cho họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét ".
Thực hiện Di chúc của Người, thời gian qua, nhiều chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ưu đãi đối với người có công đã được ban hành, thực hiện đồng bộ, toàn diện và đa dạng, đối tượng hưởng chính sách ưu đãi được mở rộng, các chế độ ưu đãi từng bước được bổ sung, hoàn thiện, từng bước nâng cao mức sống của người có công, thân nhân của người có công với cách mạng. Mới đây nhất, chúng ta đã dành 400 tỷ đồng để tặng quà cho hơn 1,3 triệu người có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ.
Cả hệ thống chính trị vào cuộc cùng các tổ chức, cá nhân, cộng đồng huy động từ rất nhiều nguồn lực khác nhau, chung sức đồng lòng xây dựng, tôn tạo các công trình ghi công liệt sĩ; bên cạnh đó đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Hiện nay, cả nước có trên 3.200 nghĩa trang liệt sĩ và trên 3.000 các công trình ghi công liệt sĩ. Hàng năm, ở Trung ương và địa phương đều bố trí kinh phí để tu bổ, nâng cấp mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, bia ghi danh liệt sĩ, đền thờ liệt sĩ, bảo đảm bền vững, trang trọng nhằm đáp ứng nhu cầu của nhân dân về việc tôn vinh và tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ; đồng thời giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng. Người dân Việt Nam sẽ mãi ghi nhớ, sẽ mãi tự hào về ý chí quật cường của các thế hệ cha ông đã viết nên những bản hùng ca "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", mang lại độc lập, hoà bình hôm nay.
Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi nhiệt liệt hoan nghênh, đánh giá cao và biểu dương các bộ, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, cá nhân trong và ngoài nước, nhất là đội ngũ trực tiếp làm công tác lao động, thương binh và xã hội qua các thời kỳ đã tích cực hưởng ứng và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, sôi nổi tham gia các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng"; nhiệt liệt chúc mừng những kết quả, thành tích mà các đồng chí thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công đã đạt được trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên, chúng ta phải thừa nhận rằng những bù đắp của chúng ta cho các thương binh, liệt sĩ và những người có công với cách mạng không sao bằng được những gì mà họ đã cống hiến cho nhân dân, và cho đất nước. Chúng ta đã, đang và sẽ tiếp tục cố gắng làm nhiều việc đền ơn đáp nghĩa thiết thực và có ý nghĩa hơn nữa để tri ân những người có công với Tổ quốc.
Thưa đồng bào, đồng chí!
Các phong trào "đền ơn đáp nghĩa" đã nhận được sự hưởng ứng và tham gia nhiệt tình của toàn xã hội, trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa, góp phần quan trọng vào việc củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao tinh thần yêu nước, trách nhiệm xã hội, khơi dậy và bồi đắp những giá trị nhân ái của mỗi người Việt Nam.
Thời gian tới, cần phát huy những kết quả, thành tựu đạt được và triển khai công tác đền ơn, đáp nghĩa có chiều sâu, thực chất và hiệu quả, tôi đề nghị Chính phủ, các cấp các ngành, địa phương chú trọng một số việc sau:
Thứ nhất, tiếp tục tuyên truyền sâu rộng hơn nữa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể xã hội và mỗi người dân bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, tích cực, thường xuyên, liên tục với phong trào "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, Liệt sĩ và người có công với cách mạng", chung tay thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, coi đó là trách nhiệm, tình cảm, vinh dự và mệnh lệnh từ trái tim!
Thứ hai, thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với người có công, xây dựng xã hội giàu lòng nhân ái, nhân văn, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, thể hiện sâu sắc tính ưu việt và bản chất tốt đẹp của chế độ ta, góp phần tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Đồng thời, chúng ta cần nỗ lực dành sự chú tâm cao hơn chăm lo các gia đình người có công cách mạng có hoàn cảnh khó khăn, người già cô đơn, không nơi nương tựa, người có công vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ địa cách mạng, phấn đấu không để hộ người có công thuộc diện hộ nghèo.
Thứ ba, thường xuyên tổng kết thực tiễn, đổi mới nội dung, hình thức hoạt động, nâng cao chất lượng, kịp thời khen thưởng, nhân rộng những điển hình tiên tiến trong phong trào; phát hiện, biểu dương, tôn vinh những tập thể, cá nhân người có công với cách mạng đã nêu cao phẩm chất cách mạng, ý chí tự lực, tự cường, phấn đấu vươn lên trong công tác, chiến đấu, lao động và học tập, tiếp tục đóng góp công sức, trí tuệ để xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh.
Thứ tư, thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người có công, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền kịp thời giải quyết các vấn đề liên quan, bảo đảm quyền lợi của người có công. Trong đó, phát huy vai trò của Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp và toàn xã hội trong công tác chăm sóc người có công với cách mạng; ngành LĐTBXH cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm và năng lực quản lý nhà nước, rà soát và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật ưu đãi người có công, chú trọng giải quyết các vướng mắc, tồn tại phát sinh. Các bộ ngành và địa phương tiếp tục quan tâm giải quyết hồ sơ xác nhận người có công còn tồn đọng chính xác, kịp thời để những người có công và gia đình họ được hưởng đầy đủ các chính sách đền ơn, đáp nghĩa của Đảng và Nhà nước.
Thứ năm, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, phối hợp hiệu quả giữa các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương trong thực hiện công tác người có công với cách mạng; cập nhật và lưu trữ thông tin về liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và người có công, chú trọng các biện pháp nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của những người làm công tác thương binh, liệt sỹ và người có công.
Thưa đồng bào, đồng chí !
Đảng, Nhà nước và nhân dân ta sẽ đời đời nhớ ơn các anh hùng, Liệt sĩ, thương binh, người có công với nước đã xả thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cho độc lập, tự do, hoà bình hôm nay!
Chúc các đồng chí thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ, người có công luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, đạt nhiều thành tích hơn nữa trong phong trào thi đua yêu nước, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu đẹp!
Chúc các vị đại biểu, các vị khách quý cùng toàn thể đồng bào, đồng chí sức khoẻ, hạnh phúc và thành công.
Xin trân trọng cảm ơn !".
TTXVN