Theo Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang Vi Thanh Quyền, năm 2022 tỉnh quan tâm thực hiện tốt các chính sách dân tộc, nâng cao đời sống người dân vùng miền núi, dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Tỉnh tranh thủ sự quan tâm của Ủy ban Dân tộc, các bộ, ngành Trung ương; có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành của tỉnh và UBND các huyện trong tổ chức thực hiện Chương trình, dự án, chính sách dân tộc trên địa bàn. Bắc Giang tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội tại địa bàn miền núi, dân tộc thiểu số.
Trong năm nay, Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang thường xuyên nắm chắc tình hình vùng đồng bào dân tộc; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân về công tác phòng, chống dịch COVID-19, về phát triển kinh tế - xã hội bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số, về các Nghị quyết, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc trong giai đoạn 2021-2025. Trong đó, tập trung tuyên truyền, phổ biến mục đích, ý nghĩa, nội dung của Chương trình, chính sách đến cán bộ đảng viên, nhân dân với nhiều hình thức để từ đó tích cực tham gia và giám sát thực hiện; huy động tối đa sự tham gia của cộng đồng để tổ chức thực hiện có hiệu quả các dự án, chính sách dân tộc trên địa bàn. Đồng thời, nâng cao hiệu quả giám sát đầu tư của cộng đồng đối với các địa phương được thụ hưởng để nâng cao chất lượng các công trình đầu tư xây dựng.
Ban Dân tộc tỉnh tham mưu ban hành kế hoạch và chỉ đạo thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các dự án, chính sách, đề án đã được Chính phủ và UBND tỉnh phê duyệt, trọng tâm là: Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn năm 2021-2030, giai đoạn I từ 2021-2025; Kế hoạch thực hiện đầu tư xây dựng công trình ngầm, cầu dân sinh trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2022-2024...
Năm 2022, Bắc Giang tăng cường huy động mọi nguồn lực, kêu gọi tài trợ của các tổ chức quốc tế và vốn xã hội hóa từ các thành phần kinh tế để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện lồng ghép nguồn vốn của các chương trình, dự án trên địa bàn để nâng cao hiệu quả đầu tư các nguồn vốn, chống lãng phí thất thoát; khuyến khích và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia vào đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện an sinh xã hội trên vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Ngoài ra, Bắc Giang tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện các dự án, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, ngăn chặn, xử lý nghiêm những việc làm sai quy định, gây lãng phí, thất thoát và kịp thời tháo gỡ khó khăn trong tổ chức thực hiện tại cơ sở...
Bắc Giang là tỉnh miền núi có 9 huyện, 1 thành phố, trong đó có 6 huyện miền núi và 1 huyện vùng cao. Theo kết quả phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển giai đoạn 2021-2025; toàn tỉnh có 73 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có 36 xã khu vực I, 9 xã khu vực II, 28 xã khu vực III.
Toàn tỉnh hiện có 45 thành phần dân tộc thiểu số, trong đó 6 thành phần dân tộc thiểu số chủ yếu chiếm số đông: Dân tộc Nùng 95.806 người, Tày 59.008 người, Sán Dìu 33.846 người, Hoa 20.225 người, Sán Chay (Sán Chí và Cao Lan) 30.283 người, Dao 12.379 người...
Năm 2021, Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang phối hợp với Sở Ngoại vụ, Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp nhận 5 khoản viện trợ phi chính phủ nước ngoài và 2 dự án ODA hỗ trợ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số với tổng kinh phí 96,4 tỷ đồng. Các khoản viện trợ tập trung vào lĩnh vực xây dựng đường giao thông, nhà ở cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, học bổng cho học sinh có thành tích xuất sắc ở các huyện miền núi, góp phần cải thiện điều kiện sinh hoạt, học tập cho người nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn; ngoài ra, đầu tư xây dựng các công trình thiết yếu (các công trình cấp nước sạch, vệ sinh nông thôn, vệ sinh trường học).
Thực hiện chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng đối với 36 thôn, bản đặc biệt khó khăn nhất tỉnh Bắc Giang theo Nghị quyết số 12/2018 của HĐND tỉnh, năm 2021 Ban Dân tộc tỉnh đã chỉ đạo các chủ đầu tư khẩn trương triển khai xây dựng hoàn thành 13 công trình giao thông, thủy lợi trên địa bàn 12 thôn, bản. Đến hết tháng 11/2021 có 13/13 công trình đã hoàn thành 100% khối lượng xây lắp, và tiến hành bàn giao đưa vào sử dụng trong tháng 12/2021.
Thực hiện chính sách này, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Bắc Giang có kế hoạch đầu tư xây dựng 73 công trình ngầm và cầu dân sinh trên địa bàn 68 thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của 4 huyện là: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, với tổng mức đầu tư 165,5 tỷ đồng.
Việt Hùng