Ba điều ước của người Dao ở Mường Bang sau mùa bão lũ

Ba điều ước của người Dao ở Mường Bang sau mùa bão lũ
Huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La chịu thiệt hại nằng nề của các đợt lũ liên tiếp. Chính quyền và người dân đã tập trung tối đa sức người, sức của để khắc phục hậu quả của thiên tai. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN
Huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La chịu thiệt hại nằng nề của các đợt lũ liên tiếp. Chính quyền và người dân đã tập trung tối đa sức người, sức của để khắc phục hậu quả của thiên tai. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN

Quãng đường 9,3 km và những thách thức của địa hình


Phù Yên là huyện thuộc phía Đông Bắc của tỉnh Sơn La, nằm trên trục quốc lộ 37 và 43. Huyện có 27 đơn vị hành chính, bao gồm 1 thị trấn là thị trấn Phù Yên và 26 đơn vị hành chính cấp xã song có tới 11 xã thuộc diện xã đặc biệt khó khăn. Mường Bang nằm trong số các xã này. Quãng đường 47 km từ trung tâm huyện vào xã Mường Bang đúng là chín suối mười đèo. Tuy nhiên, thách thức hơn nữa là đoạn đường từ trung tâm xã Mường Bang đến bản Lao.
Sau lũ, hệ thống cơ sở hạ tầng, đường giao thông ở huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La đang được hoàn thiện. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN
Sau lũ, hệ thống cơ sở hạ tầng, đường giao thông ở huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La đang được hoàn thiện. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN

Đoàn xe ô tô vượt quãng đường chính xác là 9,3 km từ trung tâm xã vào đến bản trong sự ngỡ ngàng của người dân ven đường và của ngay chính những người dân bản Lao. Chưa bao giờ có nhiều ô tô vào bản đến vậy. Anh Bàn Văn Chiêu, Bí thư chi bộ xã cùng dân bản đã chờ đón chúng tôi để thực hiện chương trình trao quà thiện nguyện của Câu lạc bộ ô tô địa hình Hà Nội năm 2018.
 
Con đường đến bản Lao, xã Mường Bang, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La. Ảnh: Thái Linh
Con đường đến bản Lao, xã Mường Bang, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La.
Ảnh: Thái Linh

Có đến đây mới biết tại sao việc tiếp cận các bản của Mường Bang lại khó khăn đến vậy. Gọi là đường nhưng thực tế không còn đường vào bản Lao. Những đợt mưa lũ gây sạt lở liên miên những mùa qua đã khiến đoạn đường chỉ 9 km biến thành cung đường thử thách. Con đường sau lũ biến thành các đoạn sụt lún, đá lở trơn trượt với vô vàn tảng đá hộc chắn trên dường. Nếu không phải là ô tô đặc chủng, với những tay lái kỹ thuật thì không thể lái xe lên bản chứ đừng nói đến chở hàng hóa lên đây. Quãng đường 9 km thì đến 7 km là những đoạn dường dốc lên tiếp nối, một bên là núi, bên kia là vực vô cùng nguy hiểm. Nếu vào mùa mưa lũ, việc tiếp cận được bản Lao bằng phương tiện cơ giới sẽ càng khó khăn hơn.

Bí thư bản Lao Bàn Văn Chiêu cho biết 100% hộ dân bản Lao là người dân tộc Dao và vẫn giữ nếp sinh hoạt, sản xuất rất truyền thống. Sau đợt mưa lũ tháng 7 vừa qua, 2/3 trong tổng số 96 hộ dân của bản phải sơ tán do xuất hiện một vệt nứt dài ngang quả núi nơi các hộ dân đang sinh sống. Bí thư Ban Văn Chiêu cho biết: do cán bộ ở đây rất gần dân nên khi vận động bà con di dời đề phòng sạt lở bà con đều chấp hành. Hiện tại, các hộ dân đã chuyển sang sống rải rác tại quả núi đối diện trong các lán trại tạm bợ. Cuộc sống tại nơi ở tạm đang rất khó khăn: nước sinh hoạt thiếu thốn, không đảm bảo, nhà ở tạm bợ chật chội, không đủ điều kiện vệ sinh tối thiểu.
Anh Bàn Văn Chiêu, Bí thư chi bộ xã Mường Bang trò chuyện với dân Bản. Ảnh: Thái Linh
 Anh Bàn Văn Chiêu, Bí thư chi bộ xã Mường Bang trò chuyện với
dân Bản. Ảnh: Thái Linh

Ba điều ước giản dị

Khi được hỏi cần gì sau khi cơn lũ đi qua, các cán bộ bản đã đề nghị giúp dân nơi đây: một chiếc máy lọc nước cho điểm trường để phục vụ các học sinh mầm non và tiểu học. 3 bộ bàn ghế để cho các thầy cô đang đứng ở 3 lớp tiểu học được ngồi; cuốc và xẻng để bà con có công cụ lao động và san nền lập lán dựng nhà. Người cán bộ bản còn nhấn mạnh: các anh chị không cho gạo cũng được nhưng nhất định giúp dân cuốc và xẻng. Chưa có chuyến đi thiện nguyện nào chúng tôi được đề nghị tặng công cụ sản xuất như lần này. Phần lớn bà con đều chỉ mong có quần áo, sách vở, thực phẩm và các nhu yếu phẩm phục vụ sinh hoạt. Cái tâm của người cán bộ xã khiến nhiều người trong chúng tôi xúc động bởi những cán bộ nơi đây không chỉ lo cho cái ăn, cái mặc của dân trước mắt, họ cũng không trông chờ mà chủ động kêu gọi bà con nỗ lực ổn định cuộc sống và nhanh chóng tái sản xuất.

Theo thông tin của các cán bộ cơ sở, chỉ có 60% hộ dân bản Lao có ruộng để canh tác. Tuy nhiên cái khó hơn là ngay cả có ruộng cũng không có nước. Việc làm hệ thống dẫn nước lên các chân ruộng cao rất tốn kém và quá khả năng tài chính của bà con. Vì thiếu nước, dân bản đã chuyển sang canh tác ngô nhưng giá ngô rất thấp. Với vụ ngô “được giá” năm nay, người dân bản Lao bán được bình quân 3.100 đồng/1kg ngô bắp. Nếu chỉ trông vào cây ngô, cây lúa thì không đói là may.

Theo Bí thư bản Bàn Văn Chiêu, vấn đề lớn nhất hiện nay là  chính quyền không có dự án tái định cư nào dành cho bà con bản Lao nên tình hình thật khó giải quyết. Trở về nhà cũ thì nguy hiểm mà đồng bào thì không có khả năng xây dựng lại nhà ở mới. Người cán bộ bản tâm sự: chúng em ở đây chỉ mong có được sự quan tâm kịp thời của các cấp chính quyền để bà con nhanh chóng ổn định cuộc sống, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản, từ đó trật tự an ninh của địa bàn cũng mới được tăng cường. Với cuộc sống tạm bợ hiện nay, khi mùa khô sắp tới bà con không biết sẽ cầm cự ra sao. Rồi lại tiếp một mùa mưa lũ mới. Nỗi lo cứ chồng thêm lo…
Thái Linh

Có thể bạn quan tâm