Học sinh ở lại trường được thầy giáo hướng dẫn học tập. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN |
Địa hình đồi núi của cao nguyên M’Đrắk đã tạo ra những cung đường quanh co, uốn lượn từ ngọn núi này sang ngọn núi khác. Với những người lần đầu lái xe vượt đèo, đây là thử thách không dễ dàng. Nhưng đối với các giáo viên của Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng, cung đường này đã trở nên rất quen thuộc hàng ngày.
Cô Phạm Thị Hòa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng cho biết, toàn trường có hơn 200 học sinh với 100% là đồng bào dân tộc thiểu số như Ê đê, Mông, Tày, Nùng, Dao… Đa số nhà của giáo viên đều cách xa trường vài chục km, người gần trường cũng cách trên 10 km, có những giáo viên một ngày phải di chuyển hơn 70 km đi và về. Những ngày thời tiết không thuận lợi, sương mù bao quanh các đỉnh đồi làm khuất tầm nhìn và lạnh lẽo, lớp áo mưa của giáo viên cũng không ngăn nổi cái lạnh của sương mù. “Vào những ngày như thế, các thầy cô phải trang bị cho mình những bộ quần áo mưa dày để chống ướt và lạnh do sương mù. Nhiều thầy cô đến được trường, người đã ướt sũng người”, cô Hòa chia sẻ.
Từ năm học 2017-2018, cô giáo Đoàn Thị Thư được điều động tăng cường tại Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng. Dù đã chuẩn bị tinh thần cho những thách thức trong việc di chuyển đến ngôi trường cách nhà hơn 30km nhưng khi bắt đầu thực hiện, cô mới cảm nhận hết những gian nan, vất vả mà các thầy cô giáo của trường phải vượt qua. Trong một tháng đầu giảng dạy ở ngôi trường mới, cô Thư phải nhờ đồng nghiệp chở đi để làm quen với đường. Rồi vượt qua nỗi sợ hãi ban đầu, cô Thư cũng tự điều khiển xe đến trường. "Cảm giác chinh phục được con đường thật đặc biệt bởi từ đây có thể yên tâm công tác", cô Thư tâm sự.
Một tiết học của cô và trò Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN |
Với 100% là học sinh dân tộc thiểu số, nhiều học sinh nhà cách trường từ 10 -15 km, trước đây các em phải đi bộ 2 tiếng đồng hồ để đến trường cho kịp giờ vào học. Từ năm học 2016 - 2017, nhà trường đã tận dụng một khoảng trống trong trường dựng nhà tạm, tạo điều kiện cho hơn 30 học sinh ở xa được ở lại trường để thuận lợi cho việc học tập. Học sinh ở lại trường, đồng nghĩa với việc thầy cô thêm công việc và trách nhiệm. Thời gian đầu học sinh ở lại trường, các thầy cô phải hướng dẫn các em nhiều thứ trong ăn, ở, sinh hoạt, tự chăm sóc, bảo vệ bản thân để phục vụ cho việc học tập.
Về công tác tại trường từ năm 2014, do nhà cách trường khá xa, thầy Hoàng Khắc Tuấn đã ở nội trú trong trường. Thầy Tuấn chia sẻ ngoài công tác chuyên môn, các giáo viên của trường có thêm nhiệm vụ hướng dẫn, chăm lo và động viên học sinh, đặc biệt đối với học sinh ở lại trường. Chính những khó khăn khi giảng dạy và học tập mà giữa giáo viên và học sinh của ngôi trường có sự gắn kết đặc biệt, giống như tình cảm ấm áp của những thành viên trong một gia đình.
Một tiết học của cô và trò Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN |
Với phương châm không để học sinh nào phải bỏ học giữa chừng, giáo viên Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng luôn quan tâm đến số lượng học sinh, nắm bắt hoàn cảnh của các em, đặc biệt học sinh ở xa trường, học sinh có hoàn cảnh khó khăn để kịp thời động viên, tạo điều kiện tốt nhất cho các em đến trường.
Cô Phạm Thị Hòa, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, đầu năm học mới là thời điểm biến động về số lượng học sinh. Vì vậy, nhà trường luôn chủ động nắm bắt thông tin của các học sinh vắng mặt để cử giáo viên phối hợp với Ban tự quản các thôn, buôn vào từng nhà để lắng nghe hoàn cảnh, nguyện vọng của cả học sinh và phụ huynh, từ đó vận động, bằng mọi cách đưa các em quay lại trường học. Có những học sinh ở xa, trên các đỉnh đồi, giáo viên phải đi hộ nhiều tiếng đồng hồ mới đến nơi. Chính sự kiên trì, tâm huyết của giáo viên mà nhiều năm học qua Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng không có học sinh nào bỏ học giữa chừng do hoàn cảnh khó khăn.
Tuấn Anh