Thanh niên, sinh viên nhập ngũ vào chiến đấu tại mặt trận Quảng Trị năm 1972. Ảnh: qdnd.vn |
Có một thế hệ thanh niên đã lên đường dâng hiến cả tuổi thanh xuân đẹp nhất theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Đó là những chàng trai, cô gái từ nhiều miền quê yêu thương, có cả những sinh viên còn dang dở trên ghế trường đại học, cũng xếp bút nghiên ra trận, cùng với nhiều thế hệ cha anh, dấu chân của họ đã in trên khắp nẻo đường chiến dịch.
Gian khó, hiểm nguy không ngăn nổi trái tim của những con người tuổi trẻ tiến lên phía trước. Đạn bom, khốc liệt không làm nhụt ý chí chiến đấu với quân thù. Họ đã đi tới những chiến công bằng sự kiên cường, dũng cảm và sức chịu đựng phi thường giữa mưa bom, bão đạn. Họ đã làm nên chiến thắng bằng cả máu đổ trên chiến trường. Nhiều người ngã xuống khi chưa tròn 18, 20 tuổi; nhiều người hy sinh đến nay vẫn còn chưa xác định được danh tính.
Nhưng tất cả ý chí, tâm hồn, công sức chiến đấu và sự cống hiến hy sinh của họ đã viết nên “Khúc tráng ca Thành cổ”, một trường đoạn bi tráng và hào hùng của bản anh hùng ca về cuộc kháng chiến chống Mỹ, giành độc lập, tự do cho dân tộc.
Thị xã và Thành cổ Quảng Trị nằm bên bờ phía đông (toàn bộ sông Thạch Hãn phân chia thành nam-bắc, nhưng ở đoạn chảy qua Thành cổ Quảng Trị, con sông này chảy theo hướng nam chếch lên bắc, nên thị xã và Thành cổ Quảng Trị nằm ở bờ đông của đoạn sông) tiếp giáp hai huyện Triệu Phong, Hải Lăng, diện tích khoảng 4km2; năm 1972 toàn thị xã có 14.000 dân đã được sơ tán. Đứng về mặt quân sự chỉ là một mục tiêu có tính chiến thuật. Nhưng để phục vụ nhiệm vụ chính trị và yêu cầu trực tiếp của cuộc đấu tranh ngoại giao lúc đó thì rất quan trọng.
Cuộc chiến đấu giữa ta và địch tại Quảng Trị trong 81 ngày đêm diễn ra vô cùng ác liệt, suốt cả ngày lẫn đêm. Các chốt quan trọng như Long Quang, nhà thờ Trí Bưu, ngã ba Long Hưng, ngã ba Cầu Ga… là những nơi mà quân giải phóng bất chấp hiểm nguy, gian khổ để đập tan các đợt phản kích của địch. Có ngày ta phải đương đầu với 5 đợt tấn công bằng bộ binh, xe tăng, phi pháo của địch. Đặc biệt, Thành cổ Quảng Trị là tiêu điểm ác liệt nhất và cũng là nơi thể hiện tinh thần anh dũng hy sinh, chiến đấu phi thường của quân và dân ta.
Báo Quân đội Nhân dân số ra ngày 9-8-1972 viết: “Mỗi mét vuông đất tại Thành cổ Quảng Trị là một mét máu và sự hy sinh của các anh đã trở thành bất tử. Trong 81 ngày đêm, từ ngày 28-6 đến 16-9-1972, Thành cổ Quảng Trị đã phải hứng chịu 328.000 tấn bom đạn. Trung bình mỗi chiến sĩ phải hứng lấy 100 quả bom, 200 quả đạn pháo. Mỗi ngày có 1 đại đội vượt dòng Thạch Hãn để tiếp viện quân số, nhưng đêm nay một đại đội tiến vào thì ngày mai chỉ còn lại vài người sống sót”.
Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Ảnh: Tư liệu |
Trong những ngày đó, quân và dân ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn, ác liệt, mưa lũ triền miên để bám trụ và chiến đấu với các đối tượng sừng sỏ, thiện chiến của quân ngụy Sài Gòn với sự yểm trợ hỏa lực chưa từng thấy trong lịch sử chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ ở Đông Dương. Một tờ báo của Mỹ đã viết: Kỷ luật, lý tưởng và tinh thần coi thường cái chết đã kết hợp với nhau như thế nào mà khiến các chiến sỹ Việt cộng vẫn xông lên dưới mưa bom B52? Không có một nhà phân tích nào ở Mỹ đi đến một giải thích đầy đủ.
Sau này, khi nghiên cứu về 81 ngày đêm diễn ra ở Thành cổ Quảng Trị, nhiều nhà nghiên cứu nghệ thuật quân sự đã đặt vấn đề: Không hiểu sức mạnh nào đã khiến cho hàng vạn người lính, bất chấp hiểm nguy của mưa bom bão đạn, sẵn sàng vượt sông bảo vệ Thành Cổ mà không tiếc thân mình? Điều này được những cựu chiến binh năm xưa lý giải, đó là lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Khi lòng yêu nước đã lên đến tột cùng thì cái chết cũng nhẹ nhàng như hòa mình vào dòng nước chảy.
Cuộc chiến đấu ở đây đã diễn ra như một huyền thoại và cách đánh cũng vượt ra khỏi những quy ước thông thường: không kể bộ binh hay công binh thông tin, quân y… đều cầm súng bắn trả địch. Cuộc chiến đấu anh hùng 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị kết thúc, ghi dấu sức mạnh kiên cường, ý chí bền bỉ mạnh mẽ của quân và dân ta.
Đây là trận chiến đấu hào hùng oanh liệt nhất làm sáng ngời một chân lý: kẻ xâm lược có sức mạnh, vũ khí tối tân đã chịu thua những con người có ý chí thép gang vì độc lập tự do của Tổ quốc.
Ngày 1-5-1972, Quảng Trị được hoàn toàn giải phóng, đánh dấu mốc son vẻ vang trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc, là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng yêu nước và tinh thần bất khuất kiên cường của quân và dân ta. Những mốc son lịch sử đó sẽ mãi mãi ghi vào lịch sử trường tồn của dân tộc Việt Nam, là niềm tự hào của mỗi con người Quảng Trị nói riêng, của dân tộc Việt Nam nói chung.
Những người lính Thành Cổ, đa số tuổi đời còn rất trẻ, đã lấy gan vàng chọi với sắt thép để tạc nên một tượng đài sừng sững với khát vọng độc lập, thống nhất về lương tri và phẩm giá con người trước vận mệnh đất nước. Có thể nói rằng, cuộc chiến 81 ngày đêm chốt giữ Thành cổ Quảng Trị là một khúc tráng ca của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam được viết bằng máu đỏ, có biết bao chiến sĩ quân giải phóng đã ngã xuống mà nhiều người trong số họ thân xác vĩnh viễn tan hòa vào đất đai, cây cỏ…