75 năm qua, lớp lớp những thế hệ của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã cùng nhau đi, cùng nhau ghi những mốc son phi thường và đáng tự hào. Phát huy truyền thống vẻ vang 75 năm, tập thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên của TTXVN tiếp tục phấn đấu, năng động, sáng tạo, đổi mới, xây dựng TTXVN luôn là trung tâm thông tin chiến lược tin cậy của Đảng và Nhà nước, hãng thông tấn có uy tín trong khu vực và quốc tế.
Trong suốt chiều dài lịch sử 75 năm, TTXVN luôn đồng hành cùng dân tộc, cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trải qua 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và 21 năm chống đế quốc Mỹ để làm nên Đại thắng Mùa Xuân 1975, thống nhất đất nước, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Vẻ vang trong quá khứ, nhanh nhạy, hiện đại ở hiện tại và sẽ tiếp tục đổi mới, phát triển trong tương lai, TTXVN luôn xứng đáng là trung tâm thông tin chiến lược tin cậy của Đảng và Nhà nước và là một hãng thông tấn có uy tín trong khu vực và quốc tế.
Không chỉ là nhân chứng lịch sử mà còn góp phần làm nên lịch sử
Trong các cuộc kháng chiến giành độc lập của dân tộc, đội ngũ đông đảo những người làm báo của TTXVN thực sự là những nhà báo-chiến sỹ. Không chỉ ghi lại các sự kiện như những nhân chứng lịch sử, họ còn trực tiếp tham gia và góp phần làm nên những sự kiện lịch sử ấy. Không một hướng tiến công, địa bàn chiến đấu nào vắng mặt người chiến sĩ ngành Thông tấn.
Trong chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đội quân cán bộ thông tấn mới mẻ và ít ỏi đã vừa chiến đấu, phục vụ chiến đấu, vừa xây dựng phát triển và bảo đảm nhiệm vụ thông tin tuyên truyền. VNTTX đã vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ với 21 lần di chuyển địa điểm để tránh sự lùng sục, phát hiện của địch, hàng chục lần phá vòng vây giặc đánh vào căn cứ, vừa chiến đấu để bảo toàn lực lượng, vừa di chuyển máy móc thiết bị, bảo đảm thông tin phục vụ tin tức cho Ðảng và Bác Hồ. Nhiều đồng chí đã hy sinh anh dũng, trong đó có đồng chí Trần Kim Xuyến, Phó Giám đốc Nha thông tin, người phụ trách đầu tiên và cũng là người đầu tiên của VNTTX hy sinh (năm 1947).
Sau năm 1954, VNTTX bước vào giai đoạn phát triển mới. Cùng với việc đưa tin, ảnh về công cuộc cải cách ruộng đất, phong trào cải tạo công thương nghiệp, khôi phục và xây dựng CNXH ở miền Bắc, VNTTX còn đảm trách việc đưa tin về cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam chống Mỹ-ngụy. Trong thời kỳ đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, VNTTX vừa tổ chức lực lượng, vừa sẵn sàng chiến đấu bảo vệ cơ sở, vừa chuẩn bị cơ sở dự phòng, tăng cường trang thiết bị, từng bước lên chính quy; đồng thời mở rộng thông tin đối nội và đối ngoại.
Đầu năm 1960, cách mạng miền Nam bước vào giai đoạn đồng khởi. Cùng với nhiệm vụ thu, phát tin, VNTTX đã tiến hành chuẩn bị mọi điều kiện về cơ sở vật chất và cán bộ để thành lập một cơ quan thông tin chính thức của cách mạng miền Nam. Ngày 12/10/1960 tổ chức này ra đời với tên gọi Thông Tấn xã Giải phóng (TTXGP) - cơ quan phát ngôn và thông tấn chính thức của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.
Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và xây dựng CNXH ở miền Bắc, VNTTX đã không bỏ sót một sự kiện trong nước và quốc tế quan trọng nào, không để dòng thông tin ngừng một giây phút nào, kể cả khi ác liệt nhất. Phóng viên của VNTTX đã xông pha vào những địa bàn nóng bỏng, gian khổ nhất để ghi lại những hình ảnh chiến đâu dũng cảm, hào hùng của quân và dân ta. Bên cạnh đó, VNTTX còn chi viện cho chiến trường miền Nam trên 450 cán bộ chủ chốt, phóng viên, biên tập viên, nhân viên kỹ thuật, chưa kể hàng trăm lượt cán bộ, phóng viên, biên tập viên và nhân viên kỹ thuật từ miền Bắc theo các mũi tiến quân, tham gia các chiến dịch ở khắp các chiến trường miền Nam, Lào, Campuchia. Không một chiến trường, không một hướng tiến công, không một địa bàn chiến đấu nào vắng mặt phóng viên của VNTTX. Nhiều tấm ảnh, bản tin của VNTTX đã trở thành những nhân chứng lịch sử.
Tại chiến trường miền Nam, cán bộ, phóng viên, điện báo viên của TTXGP đã bám trụ kiên cường trên những địa bàn vô cùng khốc liệt, bám trụ cùng với nhân dân ở những vùng còn bị kìm kẹp, kịp thời đưa tin, ảnh về các phong trào đấu tranh, góp phần cổ vũ mạnh mẽ nhân dân cả nước đấu tranh chống Mỹ xâm lược. TTXGP còn là đơn vị chủ lực thông tin về hai phái đoàn của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa và của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đấu tranh ngoại giao với phái đoàn của Mỹ và của ngụy quyền Sài Gòn tại Hội nghị Paris về Việt Nam, phục vụ đắc lực công việc đàm phán, đồng thời tạo dư luận đồng tình trong nước và quốc tế, cùng nhân dân cả nước làm nên thắng lợi lịch sử mùa Xuân 1975
Trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đã có gần 260 phóng viên, biên tập viên và nhân viên kỹ thuật đã anh dũng hy sinh trên khắp các chiến trường từ Việt Bắc tới Cà Mau và làm nhiệm vụ quốc tế, chiếm hơn 25% số cán bộ nhân viên TTXVN trong thời kỳ chiến tranh, chiếm bốn phần năm số nhà báo cả nước hy sinh. Ðó là sự hy sinh to lớn nhưng cũng là niềm tự hào vì sự đóng góp của TTXVN cho sự nghiệp cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Sau khi đất nước thống nhất, trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc và phía Tây Nam, phóng viên TTXVN tiếp tục có mặt theo các mũi tiến quân, đưa tin ảnh kịp thời. Phóng viên Thông tấn cũng luôn có mặt tại các điểm nóng, những điểm nhạy cảm về tôn giáo, dân tộc, ở vùng sâu vùng xa để thông tin kịp thời, chính xác cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.
Khẳng định bản lĩnh và đẳng cấp của một trung tâm thông tin chiến lược tin cậy của Đảng và Nhà nước
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, VNTTX và TTXGP hợp nhất thành hãng thông tấn quốc gia với tên gọi TTXVN, hòa với khí thế cách mạng chung của toàn dân tộc, bước vào giai đoạn mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, hiện nay TTXVN là trung tâm thông tin chiến lược tin cậy của Đảng và Nhà nước, một hãng thông tấn có uy tín trong khu vực. TTXVN hiện là một trong 6 cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện quốc gia, cũng là cơ quan báo chí có nhiều sản phẩm và loại hình thông tin nhất cả nước với trên 60 sản phẩm thông tin thuộc mọi loại hình (báo in, báo nói, báo ảnh, báo hình, báo điện tử), được thực hiện bởi đội ngũ trên 1.000 phóng viên, biên tập viên trong và ngoài nước (trong tổng số trên 2.200 cán bộ, công nhân viên toàn ngành). Hệ thống 63 cơ quan thường trú tại tất cả các tỉnh, thành phố và 30 cơ quan thường trú ở ngoài nước đóng tại các địa bàn trọng điểm trên khắp các châu lục là một ưu thế của TTXVN mà không một cơ quan báo chí nào khác ở Việt Nam có được.
Trong công cuộc đổi mới, TTXVN luôn nỗ lực giữ vị trí tiền tiêu, xung kích trên mặt trận thông tin-tư tưởng. TTXVN đã kịp thời tuyên truyền sâu rộng đường lối, chủ trương, quan điểm đổi mới kinh tế đất nước, cổ vũ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và những thành tựu to lớn đạt được của công cuộc đổi mới đất nước.
Gần đây nhất, một “bức tranh” toàn cảnh về “cuộc chiến” chưa từng có về đại dịch COVID-19 ở Việt Nam và toàn cầu đã được tái hiện sinh động, chân thực và ấn tượng trên nhiều loại hình thông tin của TTXVN suốt gần một năm qua. Lăn xả vào điểm nóng, chấp nhận thiệt thòi xa gia đình làm việc ngày đêm khi cả xã hội đang giãn cách xã hội, sẵn sàng đối mặt với nguy hiểm của dịch bệnh… là cách mà nhiều nhà báo TTXVN theo dõi lĩnh vực y tế, thời sự đã đồng cam, cộng khổ với các chiến sĩ ở tuyến đầu chống dịch gần một năm qua. Có thể nói đây là một trong đợt thông tin lớn mà TTXVN huy động sức mạnh của toàn ngành, thể hiện vị trí, vai trò của cơ quan báo chí chủ lực quốc gia.
Và bằng những sản phẩm thông tin của mình, TTXVN đã đóng góp một cách có hiệu quả vào việc định hướng tư tưởng, hướng dẫn dư luận xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, đấu tranh chống những hiện tượng tiêu cực, những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch ở trong và ngoài nước, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và giữ vững ổn định chính trị-xã hội. TTXVN thực sự trở thành lực lượng tiên phong trên mặt trận tư tưởng-văn hoá, mặt trận thông tin, truyền thông.
Cùng với đó, trong chặng đường phát triển của mình, TTXVN luôn thực hiện tốt nhiệm vụ là cơ quan thông tin đối ngoại chủ lực. Thông tin đối ngoại không ngừng được cải tiến về hình thức và ngôn ngữ thể hiện, mang lại cho TTXVN thế mạnh là cơ quan báo chí có sản phẩm được thực hiện bằng nhiều ngôn ngữ nhất hiện nay, góp phần mang tiếng nói chính thức của Việt Nam đến với đông đảo công chúng khắp thế giới, nâng cao vị thế của đất nước. TTXVN hiện là đối tác của hơn 40 cơ quan thông tấn, báo chí trên thế giới, là thành viên Ban Chấp hành Tổ chức các hãng thông tấn châu Á-Thái Bình Dương (OANA), và một số tổ chức báo chí khu vực, quốc tế khác. Đó là sự khẳng định vị thế không ngừng lớn mạnh của TTXVN tại các diễn đàn báo chí khu vực và thế giới.
TTXVN còn là kho tư liệu ảnh quốc gia lớn nhất với 1 triệu kiểu phim tư liệu có giá trị, trong đó có hàng vạn kiểu phim gốc về lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc ta, hơn 5 nghìn kiểu phim về Chủ tịch Hồ Chí Minh và hàng nghìn kiểu phim về cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.
Đất nước bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, TTXVN cũng chuyển sang giai đoạn mới, phát triển vượt bậc cả về cơ cấu tổ chức, cơ chế quản lý và điều hành, sản xuất thông tin và trang thiết bị kỹ thuật. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ đã mở ra một giai đoạn mới của truyền thông nói chung và TTXVN nói riêng, đánh dấu sự ra đời của nhiều loại hình thông tin hiện đại có tốc độ truyền tải nhanh chưa từng có. Thực tế đó đặt ra cả cơ hội lẫn thách thức, đòi hỏi các nhà báo thông tấn phải đổi mới tư duy và phương thức tác nghiệp, luôn sẵn sàng và chủ động để đảm bảo tính hiệu quả cao nhất của dòng thông tin chủ lưu, đó là chính xác, kịp thời và đúng định hướng trong “biển” thông tin đa chiều ngày nay.
Trong những năm tới, TTXVN sẽ tiếp tục nỗ lực đổi mới, phát triển, giữ vững vai trò là cơ quan thông tin chính thống, chính thức của Đảng và Nhà nước với chức năng định hướng thông tin. Để làm được điều này, TTXVN chủ chương phát triển theo mô hình tổ hợp truyền thông đa phương tiện; tiếp tục củng cố các đơn vị thông tin nguồn; củng cố nâng cao hoạt động của hệ thống cơ quan thường trú; phát triển các loại hình thông tin mới; xây dựng cơ sở vật chất hiện đại; tăng cường hợp tác quốc tế; nâng cao vị thế, vai trò của TTXVN trong khu vực và trên thế giới.
Bảng vàng thành tích của TTXVN
Danh hiệu:
- Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (2001)
- Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (2005)
- Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (2020)
Huân chương:
- Huân chương Sao Vàng (1995)
- Huân chương Hồ Chí Minh (1990, 2010)
- Huân chương Độc lập hạng nhất (1980)
- 3 Huân chương Kháng chiến hạng nhất
- 9 Huân chương Lao động hạng nhất
- Huân chương Thành đồng hạng nhất
- 2 Huân chương Giải phóng hạng nhất
- Huân chương ITXALA hạng nhất của Đảng và Nhà nước Lào
Và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Minh Duyên (tổng hợp)