Tuy là tỉnh thuộc địa bàn vùng núi khó khăn nhưng trong những năm qua, Lai Châu đã làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, phát huy truyền thống quý báu "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ người trồng cây" của dân tộc được gìn giữ qua nhiều thế hệ. Tháng 7 hằng năm là dịp để nhìn lại việc thực hiện các chính sách đối với người có công và thân nhân; đồng thời tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, nghĩa tình chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng.
Ngôi nhà khang trang, ấm cúng của cựu chiến binh Phạm Văn Tập (hơn 60 tuổi) ở bản Tả Làn Than, phường Tân Phong, thành phố Lai Châu những ngày này được nhiều đoàn thể, tổ chức đến thăm, động viên nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7).
Ông Phạm Văn Tập quê ở Thái Bình, năm 18 tuổi đi bộ đội thuộc Trung đoàn 112 đóng quân ở Lạng Sơn; sau đó được tăng cường lên Vị Xuyên, Hà Giang năm 1983. Ngày 12/7/1984, ông bị thương trong lúc làm nhiệm vụ. Vết thương rất nặng khiến ông phải điều trị trong thời gian dài. Năm 1985, ông xuất ngũ với tỷ lệ thương tật 61%, thương binh hạng 2/4 và sinh sống ở tỉnh Điện Biên. Đến năm 2005, gia đình chuyển nhà về thành phố Lai Châu. Do ảnh hưởng của di chứng chiến tranh, những lúc trái gió, trở trời, ông luôn phải chịu đựng những cơn đau tưởng chừng không thể vượt qua. Một tai của ông hoàn toàn không nghe được.
Theo ông Phạm Văn Tập, ông đã may mắn hơn nhiều đồng đội, còn được sống và ấm lòng khi nhận sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và xã hội.
Ngoài tiền trợ cấp chế độ thương binh hạng 2/4 hằng tháng, ông Tập còn được Nhà nước hỗ trợ tiền xây nhà và các hoạt động an sinh - xã hội khác trong cuộc sống. Các đoàn thể, khu phố luôn quan tâm, động viên, tặng quà vào các dịp lễ, Tết…
Xúc động khi nhận phần quà chăm lo từ chính quyền trao tặng, bà Đỗ Thị Nhiệm, phường Quyết Tiến, thành phố Lai Châu - gia đình chính sách chia sẻ, bà luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, đặc biệt đã được xây nhà tình nghĩa. Bà dạy con cái phải luôn vững lòng tin theo Đảng, vượt qua khó khăn, một lòng đoàn kết xây dựng quê hương ngày càng đi lên.
Cùng với cả nước, tỉnh Lai Châu, các sở, ngành, địa phương, tổ chức đoàn thể đã tổ chức nhiều đoàn tặng quà các gia đình liệt sỹ, người có công, Mẹ Việt Nam Anh hùng; thắp nến tri ân tại phần mộ các anh hùng liệt sỹ; chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, cấp thuốc, cấp thẻ bảo hiểm y tế và chế độ điều dưỡng. Hàng năm, địa phương đã trao tặng hàng ngàn suất quà, sổ tiết kiệm, nhà tình nghĩa, tình thương cho các gia đình chính sách với tổng giá trị lên đến hàng tỷ đồng.
Những hoạt động thắm đượm nghĩa tình tri ân người có công với cách mạng đã và đang là món quà tinh thần góp phần xoa dịu nỗi đau, mất mát để các gia đình vươn lên trong cuộc sống. Trong giai đoạn từ năm 2017 - 2021, từ nguồn kinh phí của Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, tỉnh đã hỗ trợ làm nhà ở cho 151 gia đình người có công với số tiền hơn 4,4 tỷ đồng; hỗ trợ phát triển chăn nuôi, sản xuất cho 88 hộ người có công, thân nhân người có công với số tiền hơn 1,4 tỷ đồng. Đồng thời, tổ chức, thăm hỏi tặng 22.148 suất quà của Chủ tịch nước, các cấp, ngành trong tỉnh cho các đối tượng người có công; tặng 29 sổ tiết kiệm tổng trị giá 273 triệu đồng và tặng ti vi cho 100 hộ người có công, thân nhân người có công cùng nhiều hoạt động an sinh - xã hội khác.
Ông Trần Đỗ Công, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết: Những năm qua, Đảng và Nhà nước, các cấp, ngành, địa phương luôn quan tâm, chăm lo, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ đối với gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Thời gian tới, Sở tham mưu cho tỉnh tiếp tục xây dựng các chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện có hiệu quả các phong trào đền ơn đáp nghĩa; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng chính sách… Bên cạnh đó, Sở cũng tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện ở các cấp, các ngành, nhất là cấp huyện, cấp xã; kịp thời đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện các chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công ngay từ cơ sở.
Lai Châu đang quản lý gần 8.000 hồ sơ đối tượng người có công và thân nhân theo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; trong đó, 662 người có công và thân nhân đang hưởng chế độ trợ cấp ưu đãi hằng tháng với số kinh phí chi trả hơn 1,4 tỷ đồng/tháng.
Những ngày tháng Bảy này, Nghĩa trang Liệt sỹ tỉnh Lai Châu đã đón nhiều đoàn cán bộ và nhân dân địa phương về dâng hương, tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ. Đây là nơi quy tụ gần 500 phần mộ liệt sỹ trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cứu nước, làm nghĩa vụ quốc tế tại nước bạn Lào và liệt sỹ trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Đặc biệt, hình ảnh những em nhỏ mặc áo cờ đỏ sao vàng thắp nén hương lên mộ những anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì đất nước khiến ai đi ngang qua đều thấy xúc động. Lớp trẻ hôm nay luôn tiếp bước truyền thống của ông cha, bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh.
Nguyễn Oanh