Tính đến ngày 12/4, giáo dục cả nước đã chính thức bước vào giai đoạn bình thường mới, học sinh của 63 tỉnh, thành phố đều được quay trở lại trường học trực tiếp. Với diễn biến khó lường của dịch COVID-19, việc chuyển đổi trạng thái tạm thời sang dạy học trực tuyến (nơi dịch bệnh chuyển biến phức tạp) vẫn diễn ra, nhưng sẽ linh hoạt, nhẹ nhàng, không gây tâm lý xáo trộn, do địa phương, nhà trường, phụ huynh, học sinh đều sẵn sàng cả về tâm lý, cơ sở vật chất, cách thức tổ chức dạy học...
Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh Đề, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo) về những kết quả đã đạt được sau 2 tháng mở cửa trường học trở lại cũng như những giải pháp để ổn định tâm lý học sinh, đảm bảo chất lượng dạy và học. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi.
* Thưa Vụ trưởng, việc mở cửa trường học an toàn, thích ứng linh hoạt với tình hình dịch COVID-19 theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các địa phương triển khai mạnh mẽ, với quyết tâm cao. Xin ông đánh giá những kết quả đã đạt được cũng như những khó khăn, bất cập còn tồn tại sau 2 tháng mở cửa trường học trở lại trên cả nước?
- Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc xem xét mở cửa trường học trở lại, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều chỉ đạo sát sao, chủ động phối hợp với Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố cho học sinh quay trở lại trường học trực tiếp. Cụ thể, ngày 19/1/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp với Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc lần thứ 2 về tổ chức các hoạt động giáo dục trực tiếp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trong các cơ sở giáo dục; ban hành các văn bản chỉ đạo các cơ sở giáo dục bảo đảm các điều kiện an toàn đón học sinh trở lại trường học tập trực tiếp.
Tính đến ngày 12/4/2022, 63 tỉnh, thành phố đã cho học sinh đi học trực tiếp trở lại hoặc có phương án chi tiết đón học sinh trở lại trường (Hà Nội cho học sinh mầm non đi học từ ngày 13/4). Chỉ còn một số ít địa phương phải chuyển từ học tập trực tiếp sang trực tuyến do diễn biến dịch bệnh phức tạp.
Tỉ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi trở lên đã đạt tỉ lệ cao, đây cũng là kết quả nỗ lực của ngành Giáo dục và ngành Y tế trong suốt thời gian qua.
Về khó khăn, trong giai đoạn đầu đi học trở lại, một số cơ sở giáo dục còn lúng túng khi xử lý các trường hợp học sinh F0, F1 (phát hiện tại gia đình hoặc tại trường học). Việc khoanh vùng xác định F1 chưa hợp lý dẫn đến nhiều học sinh phải nghỉ học trên lớp, chuyển sang học trực tuyến vì trong lớp có F0. Cá biệt có nơi cho cả lớp hoặc cả khối dừng học trực tiếp khi phát hiện F0 trong một lớp. Một số địa phương yêu cầu học sinh phải xét nghiệm COVID-19 trước khi đến trường học trực tiếp, gây lãng phí tiền của không cần thiết. Trong khi đó, các chuyên gia y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế chỉ khuyến cáo xét nghiệm đối với các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh và có yếu tố dịch tễ, không cần xét nghiệm 100% học sinh, đặc biệt không cần thiết xét nghiệm với trẻ em mầm non.
Hiện vẫn còn một tỷ lệ học sinh, trẻ mầm non và cán bộ, giáo viên mắc COVID-19, gây ra những trở ngại nhất định khi tổ chức dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục vì phải chuyển đổi từ dạy học trực tiếp sang trực tuyến sau một thời gian ngắn hoặc tổ chức dạy học song song trực tiếp, trực tuyến ngay trong một lớp học.
Trẻ từ 5 đến 12 tuổi chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19 cũng gây lo lắng cho các trường và phụ huynh khi cho con đến trường.
* Với việc phải thay đổi nhiều hình thức dạy học, học sinh tại một số tỉnh, thành phố vừa đi học trở lại sau nhiều tháng học trực tuyến tại nhà, điều này ảnh hưởng đến tâm lý của học sinh cũng như chất lượng dạy và học. Vậy Bộ Giáo dục và Đào tạo có giải pháp gì để hướng dẫn các nhà trường linh hoạt hình thức dạy học mà vẫn đảm bảo chất lượng tại thời điểm này hay không, thưa Vụ trưởng?
- Thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ động, kịp thời chỉ đạo toàn ngành chuyển trạng thái hoạt động, ứng phó với dịch COVID-19 nhằm thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn trường học, vừa phấn đấu khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ năm học, đáp ứng yêu cầu đổi mới và bảo đảm chất lượng giáo dục, đào tạo.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Y tế tiếp tục cập nhật, bổ sung hướng dẫn/quy định/sổ tay công tác phòng, chống dịch trong các cơ sở giáo dục; kiện toàn hệ thống y tế trường học đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch và hoàn thành mục tiêu tiêm phòng cho trẻ em từ 12-17 tuổi, đồng thời, triển khai chiến dịch tiêm chủng cho trẻ em 5-12 tuổi trong trường học. Hai Bộ đã và đang tập huấn nâng cao kỹ năng phòng, chống dịch trong nhà trường để đảm bảo an toàn cho thầy và trò.
Đặc biệt, Bộ Giáo dục và Đào tạo lưu ý các nhà trường chú trọng công tác tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho học sinh; tăng cường sự tương tác, gắn kết giữa các học sinh trong lớp học, nhất là quan tâm tới các em học sinh lớp 1 chưa từng tới trường.
Bộ yêu cầu các nhà trường tiếp tục tổ chức dạy học các nội dung cơ bản, cốt lõi theo các văn bản hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học của Bộ, không gây áp lực, quá tải đối với học sinh. Bên cạnh đó, tổ chức ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức phù hợp với các nhóm đối tượng học sinh có điều kiện học trực tuyến khác nhau ngay trong nội dung dạy học chính khóa, nhất là đối với học sinh không được học qua truyền hình, học sinh chuyển trường do phải di chuyển nơi cư trú để phòng, tránh dịch bệnh.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng tiếp tục phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai các nội dung như: Phủ sóng cho toàn bộ các điểm lõm sóng phục vụ học tập trực tuyến (hiện các doanh nghiệp số và nhà mạng ký cam kết và đã thực hiện phủ các vùng lõm sóng trong năm 2021); cung cấp các nền tảng phần mềm dạy học trực tuyến.
* Chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa là kết thúc năm học 2021-2022, đây là thời điểm các trường cần tập trung củng cố và bù đắp kiến thức cho học sinh để bước vào các kỳ thi học kỳ, thi chuyển cấp và thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tính toán đến phương án nào tối ưu để giảm thiểu sự thay đổi trong việc học online – offline, không gây xáo trộn nhiều, giúp học sinh có thể chuyên tâm hoàn thành tốt các nội dung học tập?
- Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các trường thực hiện biện pháp củng cố, tăng cường chất lượng dạy và học khi học sinh trở lại trường học tập. Trong đó, chủ động rà soát, đánh giá, phân loại kết quả học tập trực tuyến, qua truyền hình của các nhóm đối tượng học sinh để điều chỉnh kế hoạch giáo dục của nhà trường phù hợp điều kiện thực tế và tình hình kiểm soát dịch COVID-19 tại địa phương.
Chỉ đạo các địa phương tập trung ưu tiên cho học sinh lớp 12, các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch hoàn thành năm học 2021-2022 trước ngày 30/6/2022. Đối với những địa phương không thể hoàn thành trước ngày 30/6/2022 vì lí do bất khả kháng cần kịp thời báo cáo để được hướng dẫn cụ thể, đảm bảo phù hợp với Kế hoạch tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2022.
Các cơ sở giáo dục ưu tiên bố trí giáo viên giỏi, có nhiều kinh nghiệm giảng dạy để củng cố và bù đắp kiến thức cho học sinh; có giải pháp hỗ trợ đối với những học sinh bị F0, F1 có thể theo kịp chương trình của các bạn học trực tiếp; Xây dựng chương trình dạy bổ trợ phù hợp với từng đối tượng học sinh.
Trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục hướng dẫn tổ chức ôn thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông cho học sinh lớp 12. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2022.
* Trân trọng cảm ơn Vụ trưởng!
Việt Hà (thực hiện)