Quảng Trị - nơi gắn liền với vĩ tuyến 17, ranh giới chia cắt hai miền đất nước sau Hiệp định Geneva ngày 21/7/1954. Trong 20 năm kháng chiến chống Mỹ, Quảng Trị trở thành tuyến đầu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa và hậu phương trực tiếp của tiền tuyến lớn miền Nam, cũng là chiến trường nóng bỏng, khốc liệt nhất. Khát vọng cháy bỏng về hòa bình, thống nhất non sông và vươn lên đã tạo động lực to lớn để quân, dân Quảng Trị chiến đấu chiến thắng kẻ thù và kiến thiết cuộc sống mới.
Nhân Kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2022) và 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị (1/5/1972 – 1/5/2022), phóng viên Thông tấn xã Việt Nam có 3 bài viết về sự kiện và vùng đất này.
Kỳ 1: Ý chí mãnh liệt về thống nhất non sông
Những khúc quanh của lịch sử với Hiệp định Geneva được ký kết ngày 21/7/1954 đã chia cắt hai miền Nam - Bắc đất nước ở vĩ tuyến 17 ngay tại sông Bến Hải - cầu Hiền Lương (ranh giới giữa hai huyện Vĩnh Linh và Gio Linh, tỉnh Quảng Trị ngày nay). Giới tuyến tạm thời chỉ tồn tại trong 2 năm nhưng cả dân tộc phải mất 20 năm mới đến được ngày non sông liền một dải.
Dòng sông Bến Hải hiền hòa, thơ mộng trở thành giới tuyến quân sự tạm thời. Cầu Hiền Lương trở thành biểu tượng của nỗi đau chia cắt và khát vọng thống nhất của dân tộc. Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, kẻ thù đã thực hiện nhiều cuộc hủy diệt với hàng chục vạn tấn bom đạn, chất độc hóa học cùng chiến lược chiến tranh ác liệt, nhằm đưa Quảng Trị trở thành “vành đai trắng”, thành vùng “đất lửa”.
Trên vùng “đất lửa” Quảng Trị có những cuộc tiến công địch ghi đậm dấu ấn trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc như: Chiến dịch Đường 9 – Khe Sanh 1968, Chiến dịch Đường 9 – Nam Lào 1971 cùng với các địa danh: Đường 9 - Khe Sanh, Tà Cơn - Làng Vây, Cồn Tiên - Dốc Miếu, cầu Hiền Lương - sông Bến Hải, Địa đạo Vịnh Mốc, Thành cổ Quảng Trị.
Chiến dịch Trị - Thiên giải phóng Quảng Trị 1972 cũng không nằm ngoài dấu ấn trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc.
Năm 1971, cuộc kháng chiến của nhân dân 3 nước Đông Dương giành những thắng lợi to lớn. Đó là chiến thắng Đường 9 - Nam Lào từ ngày 30/1 - 23/3/1971; Chiến dịch Chen La II ở Campuchia từ ngày 20/10 - 4/12/1971; Chiến thắng cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng ở Lào cuối năm 1971 đầu 1972. Năm 1972, Mỹ phải rút khoảng 40 vạn quân khỏi miền Nam, chỉ để lại bộ phận quan trọng là lực lượng không quân và hải quân. Trong khi sức chiến đấu của quân ngụy bị sa sút nặng, việc bổ sung quân gặp nhiều khó khăn.
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ XIX tháng 2/1971 và lần thứ XX tháng 4/1972 đều xác định: “Quân và dân miền Nam phải đập tan kế hoạch “bình định”, đánh bại kế hoạch “Việt Nam hóa chiến tranh” của địch, làm cho ngụy quân, ngụy quyền phải sụp đổ và buộc đế quốc Mỹ phải rút nhanh, rút hết quân Mỹ và quân các nước chư hầu ra khỏi miền Nam nước ta, đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.
Trên cơ sở này, Chiến dịch Trị - Thiên giải phóng tỉnh Quảng Trị bắt đầu từ 30/3 - 1/5/1972 và được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ ngày 30/3 - 2/4/1972, các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương ở mặt trận Quảng Trị đã tiến công hợp đồng binh chủng với quy mô lớn, dồn dập tiến đánh, bao vây các căn cứ của địch ở Động Toàn, Ba Hồ; các cao điểm 544, 288, 365 và pháo kích dữ dội vào nhiều vị trí quân địch ở Cồn Tiên, Dốc Miếu, Quán Ngang, Bái Sơn, Đông Hà, Đầu Mầu, Mai Lộc. Trong khi đó, bộ đội địa phương, du kích của hai huyện Cam Lộ và Gio Linh đồng loạt nổ súng vào chi khu quân sự của địch ở Quán Ngang, Cửa Việt, Cùa, Cam Thanh. Ngày 2/4/1972 hai huyện Gio Linh và Cam Lộ được giải phóng.
Giai đoạn 2 là từ ngày 27/4 - 1/5/1972, các lực lượng của ta tổng công kích vào các cứ điểm phòng ngự và co cụm của địch ở Đông Hà và La Vang. Ngày 28/4/1972, toàn bộ khu vực Đông Hà - Lai Phước được giải phóng. Đến ngày 29/4/1972, huyện Triệu Phong được giải phóng. Suốt đêm 30/4 và sáng ngày 1/5/1972, địch tập trung tất cả lực lượng để khai thông đường tháo chạy. Nhưng đến đâu chúng cũng bị quân và dân ta chặn đánh. Cả đoạn đường Quốc lộ 1 từ thị xã Quảng Trị đến Mỹ Chánh (huyện Hải Lăng) đã trở thành “đại lộ kinh hoàng” với quân ngụy.
Trong chiến dịch này, quân và dân ta đã tiêu diệt, làm bị thương 14.350 tên địch, bắt 3.160 tên; thu và phá hủy 636 xe tăng, thiết giáp, 1.870 ô tô các loại, 419 khẩu pháo; bắn rơi, phá hỏng 340 máy bay và rất nhiều quân trang, quân dụng các loại; quét sạch hệ thống phòng ngự kiên cố nhất và đập tan bộ máy kìm kẹp tàn bạo của Mỹ - Ngụy; giải phóng hoàn toàn Quảng Trị - tỉnh đầu tiên của miền Nam Việt Nam được giải phóng.
Dù đã 93 tuổi nhưng Trung tá Nguyễn Hữu Ý ở thôn Bích Lộc Triêu, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong vẫn rất minh mẫn. Trước khi tỉnh được giải phóng 1/5/1972, ông giữ chức Trưởng Ban trinh sát Tỉnh đội Quảng Trị. Làm nhiệm vụ trinh sát suốt 20 năm, ông nắm được nhiều thông tin quan trọng trong lòng địch như: số đơn vị, quân số, chiến thuật, vũ khí, người chỉ huy… của địch. Qua đó, giúp các đơn vị bộ đội của có kế hoạch, cách đánh địch hiệu quả.
Trung tá Nguyễn Hữu Ý nhớ lại: Trong chiến dịch Trị - Thiên giải phóng Quảng Trị năm 1972, các trận đánh tại các cao điểm 544, 288, 365 và ở Cồn Tiên, Dốc Miếu, Quán Ngang… diễn ra rất ác liệt bởi quân địch còn đông, vũ khí hiện đại. Về phía ta, sự phối hợp giữa bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương, đồng lòng ủng hộ của nhân dân, cùng với ý chí, khát vọng cháy bỏng về hòa bình, thống nhất non sông đã tạo nên sức mạnh to lớn để quân và dân Quảng Trị chiến thắng kẻ thù.
Vào thăm lại chiến trường Quảng Trị nhân kỷ niệm 50 năm vùng đất này được giải phóng, cựu chiến binh Phạm Hồng Cam, 77 tuổi ở tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: Trong cuộc kháng chiến trường kỳ, người dân Quảng Trị dù ở bờ Bắc hay bờ Nam sông Bến Hải đều phải chịu đựng biết bao hy sinh, gian khổ nhưng không hề nao núng, một lòng một dạ sắc son thủy chung. Chỉ riêng quân và dân huyện Vĩnh Linh vinh dự 8 lần được Bác Hồ gửi thư khen. Đây cũng là nơi có 100% xã, thị trấn đều là đơn vị Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân; được nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế mến phục ngợi khen là “Tiền đồn miền Bắc xã hội chủ nghĩa”, “Tuyến lửa anh hùng”, “Vĩnh Linh lũy thép”. Ý chí mãnh liệt về hòa bình, thống nhất non sông, độc lập, tự do đã tạo thành sức mạnh lớn lao để nhân dân Quảng Trị chiến đấu và chiến thắng kẻ thù.
Là bộ đội thuộc Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn đóng quân trên địa bàn Quảng Trị trong giai đoạn 1965 – 1972, cựu chiến binh Cao Bá Đáo, 76 tuổi, Chủ tịch Hội Trường Sơn thành phố Hải Phòng chia sẻ: Thắng lợi Chiến dịch Trị - Thiên giải phóng Quảng Trị năm 1972 là “quả đấm thép” giáng vào Mỹ - ngụy. Qua đó, góp phần quyết định thắng lợi của cuộc đấu tranh trên mặt trận ngoại giao, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris 27/1/1973, mở đường cho đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. (Còn tiếp)
Nguyên Lý