Kỷ niệm 43 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước:

Nhớ những ngày " Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước"

Nhớ những ngày " Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước"
Bằng mọi phương tiện thô sơ và cơ giới, các chiến sỹ vận tải Tây Nguyên vận chuyển hàng tấn hàng hóa phục vụ chiến dịch. Ảnh: Thanh Tụng - TTXVN
Bằng mọi phương tiện thô sơ và cơ giới, các chiến sỹ vận tải Tây Nguyên vận chuyển hàng tấn hàng hóa phục vụ chiến dịch. Ảnh: Thanh Tụng - TTXVN

Sinh ra và lớn lên trên vùng đất Thanh Hóa, trong thời kỳ đất nước còn chiến chinh, cũng như các trai tráng thời kỳ đó nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tháng 11/1953 ông Lê Xuân Bá trở thành người lính mang trong mình sứ mệnh giải phóng dân tộc. Sau khi bước chân vào quân ngũ, ông Bá tham gia chiến đấu tại mặt trận Điện Biên Phủ với đỉnh cao là thắng lợi Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, buộc Pháp phải ký vào Hiệp định Giơnevơ. Miền Bắc được giải phóng, ông Lê Xuân Bá được cử tham gia khóa đào tạo sỹ quan trong giai đoạn 1959 – 1964. Phục vụ yêu cầu của cách mạng miền Nam, năm 1964, ông được cử vào hoạt động trên dọc tuyến đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh, từ Đường 9 - Nam Lào đến vùng Đông Bắc Camphuchia với nhiệm vụ mở đường, chiến đấu, đảm bảo thông suốt con đường huyết mạnh từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam. Từ đây cuộc đời binh nghiệp của ông Bá cũng gắn liền với cái tên “bộ đội Trường Sơn” cùng nhiều kỷ niệm trên con đường huyền thoại.

Nhớ lại những năm tháng tham gia mở đường, chiến đấu trên đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh huyền thoại, ông Lê Xuân Bá chia sẻ, việc mở đường cần đảm bảo yếu tố bí mật nên bộ đội Trường Sơn tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”. Tất cả vì mục tiêu vận chuyển lương thực, thuốc men, vũ khí, con người vào miền Nam chiến đấu, hoàn thành công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà. Trải qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, đối diện với bệnh tật, thiếu thốn, khoảng cách giữa sự sống và cái chết vô cùng mong manh nhưng trong mỗi người lính Trường Sơn là tiếng gọi thân thương từ miền Nam ruột thịt. Bộ đội Trường Sơn lúc bây giờ luôn nêu cao khẩu hiệu “tắt giờ chứ không để tắt đêm” đảm bảo tuyến đường được thông suốt dù bị quân địch đánh phá ác liệt. Địch đánh phá tới đâu, bộ đội Trường Sơn lại sửa đường tới đó, làm ngày làm đêm với quyết tâm không để tuyến đường bị chia cắt trong nhiều giờ, để “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” từ hậu phương miền Bắc vào phục vụ tiền tuyến miền Nam.

Ông Lê Xuân Bá nhớ lại, có những thời điểm quân địch đặt nhiệm vụ đánh phá đường Trường Sơn lên ưu tiên hàng đầu. Nhằm ngăn cản sự chi viện của quân và dân ta cho chiến trường miền Nam, quân đội Mỹ - Ngụy đã sử dụng nhiều thiết bị kỹ thuật cùng những vũ khí tối tân phục vụ mục đích đánh phá đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh. Sự đánh phá ác liệt của địch không thể khuất phục được ý chí chiến đấu của những người lính Trường Sơn, dưới mưa bom bão đạn của kẻ địch, bản lĩnh bộ đội Trường Sơn lại càng được thể hiện trước đại ngàn núi rừng. Họ vừa làm nhiệm vụ chiến đấu chống lại các đợt oanh tạc của quân địch, vừa đảm bảo cho việc vận chuyển trên đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh được thông suốt từ Bắc vào Nam.

Ông Lê Xuân Bá giới thiệu về bức ảnh chụp chung với Đại tướng Văn Tiến Dũng vào năm 1975. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN
Ông Lê Xuân Bá giới thiệu về bức ảnh chụp chung với Đại tướng Văn Tiến Dũng vào năm 1975. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN
Đánh giá về vai trò của đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh huyền thoại đối với công cuộc giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, ông Lê Xuân Bá nói: Đường Trường Sơn kéo dài từ Bắc vào Nam, tỏa ra các mặt trận Bình - Trị - Thiên, Quân khu 5, Đông Nam bộ. Thông qua đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh một khối lượng lớn lương thực, thuốc men, vũ khí… từ miền Bắc được vận chuyển vào phục vụ chiến trường miền Nam. Vì vậy, tuyến đường Trường Sơn góp phần không nhỏ trong công cuộc giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Năm 2013, sau 38 năm đất nước được giải phóng, ông Lê Xuân Bá có dịp vào thăm lại chiến trường xưa, tại bờ sông Sêrêpôk (huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk giáp với Campuchia) và tìm thấy dấu tích lịch sử của một cây cầu do đơn vị ông dựng nên tại điểm vượt sông Sêrêpôk. “Đây là một trong những điểm vượt sông để vận chuyển lương thực, vũ khí… từ miền Bắc vào miền Nam từng bị quân địch đánh phá ác liệt, dù địa hình, địa chất có sự thay đổi sau hàng chục năm nhưng vẫn còn đó dấu tích minh chứng cho những năm tháng mở đường, chiến đấu của bộ đội Trường Sơn” - ông Bá xúc động nói.

Chi khu kiên cố Đức Lập (Tây Nguyên) được giải phóng. Chiến dịch Tây Nguyên là chiến dịch mở đầu cuộc Tổng tấn công mùa xuân 1975 của Quân đội Nhân dân Việt Nam từ 4/3 – 30/4/1975. Ảnh: TTXVN
Chi khu kiên cố Đức Lập (Tây Nguyên) được giải phóng. Chiến dịch Tây Nguyên là chiến dịch mở đầu cuộc Tổng tấn công mùa xuân 1975 của Quân đội Nhân dân Việt Nam từ 4/3 – 30/4/1975. Ảnh: TTXVN

Để soi lối mở đường vào miền Nam chiến đấu, mồ hôi và xương máu của bộ đội Trường Sơn đã thấm đượm trên từng cây cỏ, mét đường, nhiều anh hùng, liệt sỹ đã vĩnh viễn nằm lại trên tuyến đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh. Đó là những thế hệ anh hùng mang trong mình lý tưởng cách mạng cao cả, với quyết tâm “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” hoàn thành cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc thống nhất đất nước. Thắng lợi của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc vào năm 1975 đã khẳng định tính chân lý trong lời di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi.”

Đến nay, dù tuổi đã cao nhưng ông Lê Xuân Bá vẫn tích cực tham gia hoạt động trong các Hội đoàn thể như Hội Cựu chiến binh, Hội Hữu nghị Việt – Lào. Ông hiện là Chủ tịch Hội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh tỉnh Đắk Lắk nhiệm kỳ 2018 – 2023. Với những đóng góp trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc cũng nhưng sau giải phóng, ông Lê Xuân Bá được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng ba, Huân chương Lao động hạng nhì, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Tuấn Anh

Có thể bạn quan tâm