Toàn cảnh Khu Kinh tế Nghi Sơn. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN |
Theo đó, tỉnh Nghệ An phối hợp tỉnh Thanh Hóa triển khai quy hoạch vùng Nam Thanh Hóa - Bắc Nghệ An, gắn về mặt không gian với Khu công nghiệp Hoàng Mai và Đông Hồi của Nghệ An với Khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa). Đồng thời, phối hợp với tỉnh Hà Tĩnh lập quy hoạch vùng Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh thành vùng kinh tế trọng điểm theo định hướng là xây dựng vùng công nghiệp sạch, trung tâm thương mại, du lịch, tài chính và dịch vụ, là hạt nhân thúc đẩy phát triển các vùng nông thôn.
Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh là các tỉnh nằm ở vùng Bắc Trung bộ, kinh tế - xã hội và các mặt khác gặp nhiều khó khăn. Nổi lên đó là thiếu vốn đầu tư; cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu; thu hút đầu tư hạn chế; trình độ nhân công, lao động chưa cao; xa các vùng trọng điểm, các thành phố lớn của đất nước... Việc phối hợp với nhau giữa các tỉnh để hình thành và phát triển các vùng kinh tế là rất quan trọng.
Hiện nay, vùng Nam Thanh Hóa - Bắc Nghệ An đã có các khu chức năng được phê duyệt quy hoạch, như: Thị trấn Cầu Giát, đô thị Sơn Hải, đô thị Tuần, Thị xã Hoàng Mai, khu công nghiệp Đông Hồi, cảng Đông Hồi, khu du lịch biển Quỳnh, vùng Tân Thắng, quy hoạch xây dựng đô thị trung tâm vùng Tân Thắng, khu công nghiệp Hoàng Mai 2, hai bên đường Đông Hồi - Nghĩa Đàn...
Dây chuyền sản xuất tôn mạ kẽm tại Nhà máy Hoa Sen tại khu công nghiệp Đông Hồi (Nghệ An) . Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN |
Vùng Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh đã phê duyệt quy hoạch các khu chức năng. Đó là, quy hoạch chung thành phố Vinh đến năm 2030, tầm nhìn 2050; quy hoạch Thị xã Cửa Lò, thị trấn Quán Hành, thị trấn Hưng Nguyên, thị trấn Nam Đàn, thị trấn Thanh Chương, đô thị Thanh Thủy, đô thị cầu Rộ, đô thị chợ Chùa, đô thị chợ Thượng, khu kinh tế Đông Nam, thị trấn khu vực Hưng Phúc, Nam Trung, Nam Giang...
Tại các vùng Nam Thanh Hóa - Bắc Nghệ An và vùng Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh, tỉnh Nghệ An luôn khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến tìm hiểu, đầu tư các dự án. Cũng thông qua các nguồn lực đầu tư khác nhau, đến nay ở vùng Nam Thanh Hóa – Bắc Nghệ An minh chứng rõ nhất đó là Thị xã Hoàng Mai và huyện Quỳnh Lưu đã có tốc độ phát triển nhanh; hạ tầng Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp được quan tâm đầu tư đồng bộ, bước đầu đạt được một số kết quả quan trọng.
Đặc biệt, đã thu hút được 2 nhà đầu tư lớn là VSIP và Hemaraj Thái Lan vào đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, là tiền đề quan trọng để thu hút các dự án thứ cấp vào đầu tư, sản xuất kinh doanh. Riêng khu kinh tế Đông Nam đã thu hút được 205 dự án, đóng góp ngân sách trên 1.500 tỷ đồng/năm.
Công nhân đang bảo dưỡng tà vẹt trên cầu Yên Xuân (Nghệ An). Ảnh: Lan Xuân TTXVN |
Vùng Nam Nghệ An – Bắc Hà Tĩnh hiện các quy hoạch đang tiếp tục được rà soát, lập thẩm định và phê duyệt. Tại vùng này đã hoàn thành và đưa vào sử dụng cầu Yên Xuân nối huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) với huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh), giải quyết nhu cầu đi lại cho hơn 10 xã ở 2 tỉnh vốn được ví như "ốc đảo" mỗi khi mưa lũ. Công trình này cùng với tỉnh lộ 558, quốc lộ 15A và hệ thống hạ tầng các huyện Nam Đàn, Đức Thọ... trở thành mạng lưới đường bộ hoàn chỉnh, ngắn nhất nối từ thành phố Vinh đến cửa khẩu Việt - Lào.
Cũng tại vùng này hiện tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đang phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ triển khai cầu Cửa Hội và đường ven biển để gắn kết vùng Cửa Lò, Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc của tỉnh Nghệ An với tỉnh Hà Tĩnh; khảo sát, lập quy hoạch 2 bên bờ Sông Lam...