Hà Nam chủ động bảo vệ cây trồng, vật nuôi trước nắng nóng kéo dài

Hà Nam chủ động bảo vệ cây trồng, vật nuôi trước nắng nóng kéo dài
Trạm bơm nước với công suất 2.800 m3/giờ hoạt động liên tục để cung cấp đủ nước cho diện tích lúa ở huyện Bình Lục, Hà Nam Ảnh: Đại Nghĩa-TTXVN
Trạm bơm nước với công suất 2.800 m3/giờ hoạt động liên tục để cung cấp đủ nước cho diện tích lúa ở huyện Bình Lục, Hà Nam Ảnh: Đại Nghĩa-TTXVN

Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hà Nam), đến ngày 4/7, diện tích bừa kép đạt 31.545 ha, bằng 99% tổng diện tích, diện tích lúa đã gieo cấy đạt 29.753ha, bằng 93,4% tổng diện tích. Cây ngô hè thu đã trồng 1.400 ha; cây đậu tương 246 ha, rau các loại 798,4 ha. Những ngày qua, thời tiết nắng nóng, với nền nhiệt độ 38 đến 39,5 độ C đã khiến một số diện tích lúa trên chân ruộng cao bị hạn cục bộ và quá trình chăm sóc lúa ngay sau cấy cũng bị ảnh hưởng do việc bón phân cho lúa phải chậm lại.

Để giảm thiểu những thiệt hại do thời tiết ảnh hưởng đến sản xuất và chăn nuôi của người dân, ngành Nông nghiệp tỉnh Hà Nam đã cử cán bộ thường xuyên bám sát cơ sở, kiểm tra, theo dõi tình hình, phát hiện các đối tượng sâu bệnh hại trên lúa mới cấy, trên cây màu để thông báo và hướng dẫn bà con cách phòng trừ.

Ông Bạch Xuân Huy, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Hà Nam cho biết, để đảm bảo đúng kế hoạch gieo trồng mùa vụ hoàn thành trước ngày 10/7 trong tình hình nắng nóng như hiện nay, Chi cục đã cử cán bộ thường xuyên đi kiểm tra diện tích gieo trồng trên địa bàn tỉnh có đảm bảo nước đầy đủ cho sản xuất hay không và có biện pháp bơm nước để khắc phục những diện tích hạn hán cục bộ.

Ông Bạch Xuân Huy, Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam hướng dẫn bà con nông dân cách bón phân khoa học để giúp cây lúa phát triển. Ảnh: Đại Nghĩa-TTXVN
Ông Bạch Xuân Huy, Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam hướng dẫn bà con nông dân cách bón phân khoa học để giúp cây lúa phát triển. Ảnh: Đại Nghĩa-TTXVN

Đối với bà con nông dân, Chi cục vận động không lao động vào giờ nắng to, nắng gắt để tránh tình trạng bị say nắng, cảm nắng, ảnh hưởng đến năng suất lao động mà nên ra đồng vào buổi sáng sớm và chập tối lúc thời tiết dịu mát hơn. Qua kiểm tra, Chi cục phát hiện bà con nông dân vẫn còn thói quen bón phân ngay sau khi gieo cấy nên đã chỉ đạo cán bộ hướng dẫn quy trình bón phân đúng khoa học. Trong thời kỳ nắng nóng gay gắt, độ phân giải phân nhanh, hiệu quả hấp thụ rất thấp, hơn nữa thời gian đầu cây lúa vừa cấy xong chưa bén rễ nên chưa hút được phân, gây nên sự lãng phí và không hiệu quả.

Về tình hình chăn nuôi, ở một số trang trại chăn nuôi khép kín, những ngày nhiệt độ cao như hiện nay, hệ thống làm mát hoạt động hết công suất, nhất là hệ thống nước được bơm lên làm mát mái để hạ nhiệt độ và tắm mát cho đàn gia súc. Đáng ngại nhất là đối với đàn bò sữa vì bò sữa rất nhạy cảm với thời tiết nắng nóng.

Trước tình trạng nắng nóng kéo dài những ngày qua, các hộ đã chủ động trang bị đầy đủ hệ thống làm mát cho khu chuồng trại chăn nuôi để bảo đảm sức khỏe cho đàn bò. Theo kinh nghiệm chống nắng cho đàn lợn của nhiều gia đình là phải giữ cho chuồng trại được thoáng, mát, vệ sinh sạch sẽ, thường xuyên tắm cho lợn để giảm nhiệt, nhưng cần chú ý không phun nước trực tiếp vào gáy của lợn để đề phòng cảm nắng. Đặc biệt, phải chú ý cho lợn ăn, uống đầy đủ chất nhằm tăng sức đề kháng cho đàn lợn.

Đến thời điểm này, các hộ chăn nuôi trong tỉnh Hà Nam cũng chưa bị thiệt hại nhiều do tình trạng nắng nóng. Nhưng theo nhận định, nếu thời tiết nắng nóng tiếp tục kéo dài thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến ngành chăn nuôi bởi chi phí sẽ tăng cao và đàn vật nuôi bị phát triển chậm lại, nguy cơ dịch bệnh dễ bùng phát. Đối với diện tích lúa vừa gieo trồng, nếu không cung ứng đủ nước cũng dẫn đến tình trạng cháy táp, cây lúa phát triển chậm, năng suất thấp.
Đại Nghĩa

Có thể bạn quan tâm