Điện Biên xây dựng nông thôn mới theo hướng nâng cao, kiểu mẫu

Điện Biên xây dựng nông thôn mới theo hướng nâng cao, kiểu mẫu
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Phan Tuấn Anh – TTXVN
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Phan Tuấn Anh – TTXVN

Giai đoạn 2019-2020, địa phương phấn đấu có thêm 5 xã đạt chuẩn, cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới; hoàn thiện các chỉ tiêu còn thiếu của các xã cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2018; từng bước triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu đối với các xã đạt chuẩn nông thôn mới; xây dựng mô hình khu dân cư nông thôn kiểu mẫu, vườn mẫu; triển khai đề án xây dựng nông thôn mới trong quá trình đô thị hóa. 

Ông Ngô Xuân Chinh - Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên cho biết: Trong 3 năm (giai đoạn 2016-2018) xây dựng Chương trình nông thôn mới, huyện Điện Biên đã đạt những kết quả bước đầu, diện mạo nông thôn tại 25/25 xã trên toàn huyện đã có sự đổi thay, khởi sắc. Toàn huyện có thêm 8 xã được công nhận đạt chuẩn, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt hơn 56% kế hoạch tỉnh và 60% nghị quyết đề ra của huyện), nâng tổng số xã được công nhận đạt chuẩn, cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới toàn huyện lên 10 xã. Số tiêu chí bình quân/xã của huyện trong xây dựng nông thôn mới hiện đạt 12,2 tiêu chí/xã, tăng 5,2 tiêu chí/xã so với năm 2015. Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu cơ bản của huyện Điện Biên đạt cao so với các huyện còn lại trong tỉnh như: Tổng thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt gần 19 triệu đồng/người/năm (tăng gần 1,5 lần so với năm 2015); tỷ lệ hộ nghèo đa chiều dưới 29%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 92%; tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh đạt hơn 87%; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện từ các nguồn điện đạt hơn 94% (gần 26.900/hơn 28.400 hộ được sử dụng điện); tỷ lệ nhà ở đạt chuẩn tiêu chí nông thôn mới đạt gần 80%...

Các tập thể được nhận Giấy khen của UBND huyện trao tặng. Ảnh: Phan Tuấn Anh – TTXVN
Các tập thể được nhận Giấy khen của UBND huyện trao tặng.
Ảnh: Phan Tuấn Anh – TTXVN

Giai đoạn 2016-2018, huyện Điện Biên tập trung chỉ đạo các xã đầu tư và đưa vào sử dụng các công trình trọng điểm, thiết yếu, có đông người dân hưởng lợi, liên quan đến 19 tiêu chí thành phần trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới như: Làm đường giao thông, trục xã, trục thôn, nâng cấp các tuyến kênh mương nội đồng để phát huy thế mạnh của vựa lúa lòng chảo Mường Thanh; xây dựng cơ sở vật chất văn hóa, nâng cấp cơ sở hạ tầng trường, lớp học… Đến nay, 25/25 xã được xây trụ sở làm việc kiên cố, khang trang; xây mới 62 nhà văn hóa, nâng tổng số thôn bản có nhà văn hóa lên 144/465 thôn bản; xây dựng 320/465 thôn bản đạt tiêu chuẩn bản làng văn hóa; nâng cấp và sửa chữa 7 chợ hiện có; phủ sóng truyền hình, điện thoại 25/25 xã; 18/25 xã có điểm bưu điện văn hóa… Ngoài ra, nâng cấp sửa chữa hơn 10km đường trục xã, liên xã (đạt 88,4% kế hoạch), hơn 100km đường trục thôn, cứng hóa thêm 52km đường ngõ xóm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân các dân tộc trên địa bàn, thuận lợi cho việc phát triển kinh tế-văn hóa, xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh…

Trong phát triển kinh tế và tổ chức sản xuất, giảm nghèo và an sinh xã hội, huyện tích cực triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đến nay, toàn huyện đã phát triển vùng sản xuất lúa tập trung, chất lượng tại 12 xã trong vùng lòng chảo Mường Thanh (hơn 3.600ha/gần 6.400 ha lúa toàn huyện); thực hiện liên kết sản xuất, xây dựng cánh đồng mẫu lớn với diện tích 92ha; có 34 hợp tác xã nông nghiệp, 11 trang trại đang hoạt động được cấp giấy chứng nhận trang trại theo quy định.

Các tập thể được nhận Giấy khen của UBND huyện trao tặng. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN
Các tập thể được nhận Giấy khen của UBND huyện trao tặng.
Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN

Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên Ngô Xuân Chinh cho biết: 3 năm xây dựng phong trào xây dựng nông thôn mới, tình hình kinh tế- xã hội, quốc phòng-an ninh ở địa bàn phát triển mạnh, ổn định, bền vững; bộ mặt nông thôn đổi thay rõ rệt. Phong trào được người dân nhiệt tình ủng hộ đã mang lại hiệu quả to lớn, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân các dân tộc trong huyện, nhất là đối với các xã thuộc vùng sâu, vùng xa, biên giới; tình đoàn kết giữa các dân tộc được nâng cao; người dân có ý thức gìn giữ, phát huy, bảo tồn văn hóa các dân tộc và là chủ thể của chương trình xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, do đặc thù là huyện miền núi với địa bàn rộng, xuất phát điểm kinh tế khu vực nông thôn của huyện còn thấp nên gặp nhiều khó khăn trong xây dựng nông thôn mới. Hiện tại, huyện đang có 14 xã thuộc nhóm xã nghèo, đặc biệt khó khăn (xã khu vực III) nên điều kiện kinh tế, thu nhập của người dân còn thấp, chưa có khả năng đóng góp nguồn lực để xây dựng nông thôn mới; các tiêu chí về cơ sở hạ tầng của huyện đạt thấp do khối lượng cần đầu tư lớn; sản xuất hàng hóa trên địa bàn còn mang tính nhỏ lẻ; cơ chế, chính sách của Nhà nước chưa thật sự thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức. các nhân đầu tư vào nông nghiệp nên chưa hình thành được các chuỗi liên kết sản xuất bền vững.

Giai đoạn 2019-2020, huyện Điện Biên thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng nông thôn mới, như: Điều chỉnh quy hoạch xây dựng nông thôn mới các xã phù hợp với Bộ tiêu chí xã nông thôn mới của tỉnh; đảm bảo đạt các xã tiêu chí nông thôn mới nâng cao, triển khai lựa chọn các thôn, bản để xây dựng mô hình thôn, bản nông thôn mới kiểu mẫu, hướng tới xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu; chỉ đạo phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng hàng hóa, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thêm thu nhập người dân; đẩy mạnh triển khai chương trình “mỗi xã một sản phẩm” gắn với thương hiệu; tạo điều kiện thu hút đầu tư vào địa bàn. Huyện sẽ chủ động ưu tiên cân đối bố trí nguồn lực từ ngân sách và tăng cường huy động, lồng ghép các nguồn lực khác để thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, tập trung đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu tại các xã, thôn, bản phục vụ trực tiếp cho sản xuất, đời sống dân sinh….
          Hải An - Xuân Tiến

Có thể bạn quan tâm