Nghệ An: Hướng đi mới cho lá trầu không

Nghệ An: Hướng đi mới cho lá trầu không
Gia đình anh Nguyễn Hồng Thái và chị Nguyễn Thị Hoa, xóm 5, xã Nghi Ân là hộ gia đình trồng cây trầu không lớn nhất hiện nay tại xã Nghi Ân. Không chỉ trồng để phục vụ nhu cầu thờ cúng, lễ Tết, cưới hỏi của người dân các huyện Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò, thành phố Vinh như trước đây, từ 4 tháng trở lại đây, lá trầu không của gia đình anh Nguyễn Hồng Thái đã được các thương lái tới đặt hàng với số lượng lớn để xuất khẩu sang Đài Loan. Do đó, không chỉ trồng trong vườn, gia đình anh Thái còn mở rộng diện tích trồng mới cả khu vực đất ruộng sát bên nhà. 
 
Thu hoạch lá trầu không để xuất khẩu sang Đài Loan.
 Thu hoạch lá trầu không để xuất khẩu sang Đài Loan.

Anh Nguyễn Hồng Thái chia sẻ: “Lá trầu không của gia đình tôi được đánh giá là có vị thơm, cay, nồng nên rất được người tiêu dùng chọn mua. Từ vài chục năm trước, gia đình tôi chỉ trồng với số lượng ít, khoảng trên 20 gốc. Nhưng nhận thấy, lá trầu không dễ tiêu thụ nên đã mở rộng diện tích từ năm 2007 và đến nay có tổng diện tích trên 1.300m2. Hiện nay, lá trầu không được bán theo cân cho các thương lái là 70.000 đồng. Trung bình mỗi tháng, gia đình tôi thu nhập trên 30 triệu đồng, kinh tế gia đình ngày càng phát triển ổn định. Ngoài ra, trong mỗi đợt thu mua, nếu số lượng lá trầu không của gia đình không đủ, anh còn thu mua ở nhiều hộ gia đình khác trong địa phương để đủ đơn hàng cho các thương lái”. 

Hiện nay, trên địa bàn xã Nghi Ân có khoảng trên một trăm hộ dân trồng cây trầu không bán lá
Hiện nay, trên địa bàn xã Nghi Ân có khoảng trên một trăm hộ dân trồng cây trầu không bán lá

A nh Thái cũng cho biết thêm, lá trầu không xuất khẩu cũng có yêu cầu rất khắt khe như lá phải to, dày, đẹp, mặt nhẵn bóng không tỳ vết. Ngoài ra, lá trầu nào không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu thì gia đình bán trầu ăn phục vụ người dân địa phương. Hiện nay, theo các thương lái cho biết, nhu cầu về lá trầu không ở Đài Loan đang lớn nên có bao nhiêu họ sẽ mua bấy nhiêu. Vì vậy, gia đình anh Thái và nhiều hộ gia đình khác rất phấn khởi và đang cân nhắc nếu có đầu ra ổn định, lâu dài sẽ mở rộng diện tích để đáp ứng nhu cầu của các thương lái. 

Hiện nay, trên địa bàn xã Nghi Ân có khoảng trên một trăm hộ dân trồng cây trầu không bán lá, nhà ít thì vài chục gốc, nhà nhiều cũng phải đến cả nghìn m2. Loại cây trồng này cho thu hoạch thường xuyên nên thu nhập tương đối cao. Có thời điểm khan hiếm, mỗi lá trầu không bán tại vườn có giá lên tới 1.000 đồng/lá. Tuy nhiên, theo các hộ trồng cây trầu không cho biết, cây trầu không khá khó tính, tốn công làm đất, chăm sóc, hay bị sâu bệnh và khả năng chống chịu với thời tiết kém; phân bón cây trầu không phải là phân chuồng hoai mục, hạn chế tối đa sử dụng phân hóa học. Vườn trầu phải được rào kín, chắn nắng nóng mùa hè, che kín sương muối vào dịp trời đông giá lạnh. Việc chăm bón cũng phải biết cách để lá trầu phát triển đồng đều, không to quá hay nhỏ quá. 
 
Nguyễn Hồng Thái thu hoạch lá trầu không để xuất khẩu sang Đài Loan.
 Nguyễn Hồng Thái thu hoạch lá trầu không để xuất khẩu sang Đài Loan.

Ngoài ra, cây trầu không ở Nghi Ân đã trở thành một trong những đề tài khoa học ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp sạch tại địa phương. Đề tài chiết xuất chế phẩm từ lá trầu không để trừ sâu cho cây lạc đã được triển khai nghiên cứu và tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các chuyên gia cũng như nông dân trong xã. 

Ông Nguyễn Đình Trúc, Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Ân, thành phố Vinh (Nghệ An) cho biết: “Cây trầu không đang là cây trồng cho thu nhập kinh tế ổn định của nhiều hộ gia đình tại xã Nghi Ân. Tại địa phương, đã xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế bằng loại cây lấy lá này có diện tích lớn với mức thu nhập bình quân 200-400 triệu đồng/năm. Đặc biệt, thời gian gần đây, việc lá trầu không được các thương lái thu mua để xuất khẩu đã mở ra một hướng đi mới đầy triển vọng cho các hộ dân trồng cây trầu không". 

Theo ông Trúc, hiện nay, chính quyền địa phương đang nghiên cứu, lên phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ các loại cây cho thu nhập thấp sang mở rộng diện tích trồng trầu không để nâng cao đời sống kinh tế cho các hộ dân. Tuy nhiên, việc chuyển đổi cũng không thể diễn ra một cách ồ ạt mà phải dựa vào tình hình thực tế, tránh tình trạng trồng nhiều trong khi đầu ra vẫn chưa thật sự ổn định, vững chắc./. 
 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm