Với xu hướng đa dạng phương thức tuyển sinh, năm 2024, một số trường đại học có sự cạnh tranh cao đã thay thế hình thức xét tuyển học bạ bằng những hình thức khác để nâng cao chất lượng nguồn tuyển. Song, trong bức tranh tuyển sinh chung, xét tuyển từ điểm học tập ba năm Trung học Phổ thông vẫn là phương thức được đa số các trường đại học lựa chọn (tính đến thời điểm này có hơn 60 trường), bao gồm cả các trường đại học tốp đầu.
Xét tuyển học bạ cùng các điều kiện kèm theo
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội yêu cầu điều kiện đăng ký xét tuyển học bạ Trung học Phổ thông đối với các ngành đào tạo giáo viên là: Học sinh tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024 có hạnh kiểm tất cả 6 học kỳ cấp Trung học Phổ thông đạt loại Tốt và học lực 3 năm đạt từ Giỏi trở lên.
Riêng đối với ngành sư phạm tiếng Pháp, nếu thí sinh là học sinh hệ song ngữ tiếng Pháp thì điều kiện về học lực là lớp 12 đạt loại Giỏi; đối với ngành sư phạm Công nghệ, điều kiện về học lực là lớp 12 đạt loại Giỏi.
Đối với các ngành khác (ngoài sư phạm), thí sinh tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024 có hạnh kiểm tất cả 6 học kỳ và học lực 3 năm cấp Trung học Phổ thông đạt từ Khá trở lên.
Xét tuyển học bạ cũng là một trong các phương thức xét tuyển được Trường Đại học Giao thông Vận tải duy trì năm nay. Trường sử dụng kết quả học tập Trung học Phổ thông để xét tuyển với hầu hết các ngành tuyển sinh.
Điều kiện là thí sinh tốt nghiệp Trung học Phổ thông có tổng điểm ba môn học trong tổ hợp xét tuyển (điểm trung bình lớp 10 cộng điểm trung bình lớp 11 cộng điểm trung bình lớp 12) cộng điểm ưu tiên (nếu có) từ ngưỡng điểm được nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển trở lên (ngưỡng điểm được nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào từng ngành sẽ thông báo chi tiết sau), trong đó điểm của ba môn trong tổ hợp xét tuyển không có điểm trung bình môn nào dưới 5,50 điểm.
Với thí sinh dùng tổ hợp xét tuyển có môn tiếng Anh có thể sử dụng chứng chỉ IELTS từ 5.0 trở lên (còn hiệu lực đến ngày xét tuyển) thay thế cho điểm học bạ môn tiếng Anh và được quy đổi theo quy định của nhà trường.
Năm 2024, Trường Đại học Ngoại thương dự kiến tuyển 4.130 sinh viên cho trụ sở chính ở Hà Nội và hai cơ sở Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh. Trường sử dụng các phương thức tuyển sinh tương tự năm ngoái. Trong đó, trường xét học bạ Trung học Phổ thông với ba nhóm thí sinh: tham gia kỳ thi học sinh giỏi, khoa học kỹ thuật quốc gia; đạt giải ba trở lên kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố; là học sinh trường chuyên.
Điểm mới là với phương thức sử dụng điểm học bạ, Trường Đại học Ngoại thương yêu cầu thí sinh phải đạt tối thiểu 24 điểm thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông trở lên, theo tổ hợp xét tuyển.
Trường Đại học Thương Mại cũng dành chỉ tiêu tuyển sinh dựa vào tổng điểm trung bình 3 năm Trung học Phổ thông của các môn trong tổ hợp xét tuyển, đối với các thí sinh tốt nghiệp Trung học Phổ thông từ các trường chuyên trọng điểm trên toàn quốc.
Phó Giáo sư – Tiến sỹ Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: Trên thực tế, kết quả học tập ở bậc Trung học Phổ thông là một trong các kênh thông tin quan trọng để đánh giá năng lực, khả năng học tập… của thí sinh. Quy chế tuyển sinh yêu cầu các cơ sở đào tạo có trách nhiệm giải trình về căn cứ khoa học và thực tiễn trong việc xác định phương thức tuyển sinh, phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển và phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh. Các trường cũng cần phân tích, đánh giá và đối sánh kết quả học tập của sinh viên trúng tuyển hằng năm theo các phương thức, tổ hợp xét tuyển khác nhau.
Vừa qua, một số trường đã công bố những thông tin để xem xét các phương thức tuyển sinh tương quan như thế nào với kết quả học tập của sinh viên ở bậc đại học. Từ kết quả phân tích này, các trường sẽ điều chỉnh phương thức tuyển sinh, chỉ tiêu dành cho các phương thức… một cách hợp lý, khoa học, có căn cứ.
Các trường đại học, các ngành đào tạo có mức độ cạnh tranh cao cần có sự đối sánh công bằng, cần một mặt bằng chung tin cậy ở mức cao để xét tuyển, từ cao xuống thấp. Do vậy, các trường có thể sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông hoặc cần kỳ thi tuyển sinh riêng như đánh giá tư duy, đánh giá năng lực. Với các trường đào tạo những ngành đặc thù thì cần các kỳ thi năng khiếu riêng…
Trong khi đó, với những trường đào tạo các ngành không cạnh tranh quá cao thì thí sinh đạt một ngưỡng kết quả học tập (thể hiện qua điểm thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông hay học bạ) là có thể vào học được. Các em cũng không gặp phải khó khăn gì khi theo học.
Định hướng đầy đủ hơn về các ngành nghề đào tạo
Lưu ý với các trường đại học trong mùa tuyển sinh năm nay, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thủy cho rằng, các trường cần xem xét, cân nhắc việc sử dụng các đợt xét tuyển sớm, phương thức xét tuyển sớm. Với những trường quan tâm nhiều đến chất lượng và sự công bằng cho thí sinh thì phương thức xét tuyển sớm không mang lại hiệu quả cao, lại khó bảo đảm sự công bằng. Việc dành nhiều chỉ tiêu cho xét tuyển sớm có thể dẫn đến bỏ lỡ những thí sinh giỏi khi các em đặt nguyện vọng trong hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung.
Các trường cần ưu tiên cho việc phân tích, so sánh tương quan kết quả học tập ở bậc đại học với các phương thức xét tuyển đầu vào. Từ đó, lựa chọn phương thức xét tuyển khoa học, phù hợp, công bằng với thí sinh; phù hợp với các đặc trưng riêng của nhà trường. Các trường cũng nên tránh sử dụng quá nhiều phương thức xét tuyển không cần thiết, có thể gây khó khăn, rắc rối cho thí sinh.
Với thí sinh, khi tham gia xét tuyển sớm dù được công bố đủ điều kiện trúng tuyển vẫn chưa thực sự trúng tuyển. Thí sinh dù trúng tuyển sớm vẫn phải đăng ký nguyện vọng đó lên hệ thống xét tuyển chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nếu không kết quả trúng tuyển sớm sẽ không có giá trị. Nếu đủ điều kiện trúng tuyển sớm, khi đăng ký trên hệ thống của Bộ, thí sinh chỉ cần đặt nguyện vọng 1 là chắc chắn trúng tuyển.
Năm nay, không ít trường mở thêm các ngành học mới không phải là sở trường. Ví dụ, trường khối kinh tế mở thêm ngành công nghệ, trường kỹ thuật mở thêm ngành xã hội. Theo Phó Giáo sư – Tiến sỹ Nguyễn Thu Thủy, đây là tín hiệu tích cực. Các trường hiện rất nhạy bén, bám sát yêu cầu phát triển nhân lực của quốc gia.
Nhiều trường đã và sẽ mở các ngành, chương trình đào tạo liên quan thiết kế vi mạch, công nghệ bán dẫn. Có trường bắt đầu mở và triển khai đào tạo các ngành về công nghệ thông tin, khoa học máy tính; các ngành liên quan phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo (AI)... Các ngành liên quan AI, Robotics, Fintech, khoa học dữ liệu... đều là những ngành tiên phong, cần thiết và có sức hấp dẫn cao đối với thí sinh.
Tuy nhiên, một vấn đề đáng lo ngại là một số nhóm ngành, lĩnh vực về nông lâm nghiệp và thủy sản, khoa học sự sống, khoa học tự nhiên và dịch vụ xã hội đang thiếu sức hút đối với thí sinh. Thực tế, những nhóm ngành này có rất nhiều cơ hội việc làm, cần thiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Có thể thí sinh chưa nhận thức được tính chất cũng như cơ hội phát triển của các nhóm ngành nêu trên và chưa có sự định hướng đúng đắn nên không lựa chọn. Các cơ sở đào tạo cần đẩy mạnh truyền thông, định hướng nghề nghiệp cho thí sinh để các em có nhìn nhận đầy đủ hơn.'
Việt Hà