Nhằm phát huy truyền thống văn hóa dân tộc trong các dịp lễ, Tết, Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có công văn đề nghị chư tôn đức tăng, ni nêu cao tinh thần Bồ tát đạo, hướng dẫn đồng bào phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo cũng như các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam. Tuy nhiên, ghi nhận thực tế tại Hà Nội dịp rằm tháng Bảy (hay còn gọi là ngày xá tội vong nhân, lễ Vu Lan báo hiếu), tục lệ đốt vàng mã của người dân tuy đã có ý thức hạn chế hơn những năm trước nhưng vẫn diễn ra phổ biến tại không ít đền, chùa và mỗi gia đình.
Do không hiểu rõ về ý nghiã của Lễ Vu Lan và giáo lý Đạo Phật, hiện nay, không ít người vẫn quan niệm và giữ tục đốt vàng mã vào Ngày xá tội vong nhân, Rằm Tháng Bảy, cho rằng làm vậy là tỏ lòng thành kính với ông bà, cha mẹ, tổ tiên. Liên quan đến vấn đề này, phóng viên TTXVN có cuộc trao đổi với Đại đức Thích Thanh Phương, trụ trì tại Chùa Sủi, Gia Lâm (Hà Nội), Ủy viên Ban Hoằng pháp Trung ương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Trụ trì tại một trong những ngôi chùa có lịch sử lâu đời nhất của Phật Giáo Việt Nam - Đại đức Thích Thanh Phương khẳng định: Làm việc thiện chính là báo hiếu cha mẹ tổ tiên đúng với tinh thần Phật giáo chứ không phải là đốt mã.
Nhiều năm qua, hoạt động phóng sinh cá chép và xả tro vàng mã, ban thờ... xuống sông Hồng gây ra tình trạng mất vệ sinh, ùn ứ túi nilon, rác thải trên cầu Chương Dương và cầu Long Biên.